Đại gia Nhật bán xăng ở Việt Nam, giá sẽ giảm bao nhiêu?

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc đại gia xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Kosan vận hành trạm xăng bán lẻ 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Hà Nội được xem như “luồng gió mới” đối với thị trường xăng dầu vốn từ trước đến nay vẫn là “mảnh đất riêng” của các doanh nghiệp Việt.

Kỳ vọng cây xăng có "yếu tố nước ngoài"

Ý định thâm nhập thị trường bán lẻ xăng dầu được Idemitsu Kosan tiết lộ cách đây hơn một năm khi cùng hợp tác với Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) thành lập liên doanh Dầu khí Idemitsu Q8, với vốn góp mỗi bên 50%. Lĩnh vực hoạt động của Idemitsu Q8 là bán buôn, bán lẻ các sản phẩm dầu khí, thông qua việc mở mạng lưới các trạm xăng dịch vụ trên cả nước.

Trước đó, thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam chủ yếu nằm trong tay những ông lớn Nhà nước như Petrolimex với 50% thị phần, PV Oil sở hữu khoảng 22% xếp thứ 2 và Saigon Petro sở hữu khoảng 6% thị phần…

Được biết, Idemitsu Kosan và KPI đều là những doanh nghiệp xăng dầu tầm cỡ lớn tại Nhật Bản và châu Âu. Tại Việt Nam, Idemitsu Kosan được biết đến là cổ đông lớn sở hữu tới 35,1% vốn tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), vì vậy, sản phẩm của Lọc hóa dầu nghi Sơn sẽ được liên doanh Idemitsu Q8 phân phối chính thức trên toàn quốc, khi nhà máy này được đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm nay.

Đại gia Nhật bán xăng ở Việt Nam, giá sẽ giảm bao nhiêu? - 1

Cách phục vụ khác thường ở trạm xăng của doanh nghiệp Nhật. (Ảnh: Hồng Vân).

Ngày 5/10 vừa qua, trạm xăng dịch vụ đầu tiên của Idemitsu Q8 tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội đã chính thức được đưa vào hoạt động. Tiếp theo trạm xăng dầu này, Idemitsu Q8 muốn mở thêm mạng lưới các trạm xăng dịch vụ tập trung dọc theo quốc lộ 5, cầu nối giữa Cảng Hải Phòng và Hà Nội để đáp ứng nhu cầu logistics.

Trạm xăng của Idemitsu Q8 được trang bị hệ thống phần mềm quản lý tự động cho phép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năng ưu việt cùng hệ thống phần mềm cho phép quản lý chính xác số lượng nhiên liệu đến 0,01 lít, cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Ngoài ra, trạm xăng của liên doanh này còn cung cấp dịch vụ chuẩn Nhật đem đến sự hài lòng cho khách hàng qua đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Trước sự kiện nói trên, nhiều người dân đã thể hiện kỳ vọng vào một sự thay đổi tích cực đối với ngành bán lẻ xăng dầu Việt Nam khi có thêm cả “yếu tố nước ngoài”.

Anh Thái (giám đốc một công ty tư nhân tại Hà Nội) cho biết, việc doanh nghiệp ngoại tham gia bán lẻ xăng dầu là điều không chỉ cá nhân anh mà hầu hết những người dân khác đều mong đợi đã lâu. Miếng bánh thị phần bán lẻ xăng dầu sẽ phải chia lại và để dành được phần lớn hơn, các doanh nghiệp sẽ phải tạo sức cạnh tranh từ giá cả, chất lượng sản phẩm đến chất lượng phục vụ. Người tiêu dùng sẽ có thêm sự lựa chọn và hưởng lợi từ chính sự cạnh tranh ấy.

Đồng quan điểm, chị Hòa (nhân viên ngân hàng) bày tỏ: "Chưa biết giá xăng có giảm hay không nhưng trước mắt, tiêu chí của tôi là chọn sử dụng dịch vụ tốt và thái độ bán hàng thật thà, bán đủ số lượng và đúng chất lượng. Tôi tin tưởng nguyên tắc làm ăn sòng phẳng, minh bạch của người Nhật do vậy nếu có trạm xăng của họ ở gần, tôi sẽ chọn đổ xăng ở cây xăng đó”.

Giá xăng sẽ giảm?

Đánh giá về những tác động từ việc doanh nghiệp Nhật Bản gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu, TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) cho hay, theo Hiệp định thương mại của WTO và các hiệp định FTA khác, Việt Nam không mở cửa phân phối năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Sở dĩ, liên doanh Idemitsu Kosan và KPI được tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu là vì họ đều là những cổ đông lớn của lọc dầu Nghi Sơn. Họ được quyền chế biến, phân phối và bán lẻ các sản phẩm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trên cả nước.

Theo TS Long, trong bối cảnh vẫn còn những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì điều này sẽ  giúp nâng cao tính cạnh tranh thật sự giữa các đầu mối xăng dầu. Khi có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Đồng thời, đây cũng là dấu hiệu tốt, tạo tiền đề để phát triển thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước và hơn thế là một sự khởi đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Liên quan đến kỳ vọng của nhiều người dân về việc giá xăng sẽ giảm, TS. Long giải thích, hiện tại Nhà nước chỉ quy định giá trần đối với mặt hàng xăng đầu. Như vậy nghĩa là doanh nghiệp được phép bán thấp hơn nhưng trên thực tế họ vẫn theo giá cơ sở để bán và giá bán xăng dầu ở giữa các trạm xăng là không có sự khác biệt đáng kể. Trong xu thế cạnh tranh hiện nay, giá cả thị trường thường ép sát giá thành, do đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

“Áp lực khi phải chia nhỏ miếng bánh thị phần sẽ buộc các doanh nghiệp nội phải chuyển mình theo hướng tích cực cả về giá thành, chất lượng sản phẩm lẫn công nghệ, dịch vụ bán hàng… Sau cùng, người dân có quyền so sánh, lựa chọn những gì phù hợp nhất với mình”, TS. Long nói.

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, sự tham gia của doanh nghiệp Nhật Bản khó có thể gây tác động tới giá xăng bởi giá xăng vẫn thuộc sự quản lý của Nhà nước, các đầu mối bán lẻ xăng dầu không được phép cạnh tranh vùng giá mà chỉ có thể cạnh tranh về dịch vụ.

Ở một góc nhìn khác, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc mở cửa cho một doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ là trải nghiệm để từ đó Chính phủ có thể có những điều chỉnh chính sách tốt hơn, phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế hội nhập hiện nay. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước được học hỏi nhiều hơn về cách thức cạnh tranh trên thị trường.

Một vấn đề cần lưu ý là cơ quan quản lý - điều tiết nên tạo ra một môi trường cạnh tranh sòng phẳng và có những cơ chế phù hợp để tránh tình trạng doanh nghiệp nội “thất thế” khi doanh nghiệp ngoại xen chân vào thị trường.

Giá xăng tại Việt Nam phụ thuộc vào điều gì?

Việt Nam nhập khẩu các chế phẩm xăng dầu từ nguồn chính là Singapore do đó giá xăng tại Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ giá tại nguồn nhập này. Trong khi đó, 2/3 lượng dầu nhập khẩu vào Singapore là từ các nguồn UAE, Ả-rập Xê-út và Qatar, với khoảng 950.000 thùng mỗi ngày.

Trong 3 tháng qua, giá dầu thế giới đã liên tục đi lên với mức tăng thêm khoảng 15%. Thị trường dầu đã có đợt tăng mạnh vào tháng 8 và tháng 9, giá dầu thô Brent có lúc đã tiệm cận mốc 60 USD/thùng vào cuối tháng trước.

Dữ liệu được bộ Công Thương cập nhật về giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cho thấy, hiện giá xăng RON 92 đang ở mức 65,15 USD/thùng. Trong 15 ngày qua, mức giá bình quân vào khoảng 67,5 USD một thùng.

Trong kỳ có thời điểm giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore vọt lên 69,28 USD, ở mức 69,28 USD một thùng vào ngày 26/9. Đây là mức giá cao nhất trong vòng nửa năm qua.

Tại thị trường trong nước, từ đầu năm đến nay giá bán lẻ xăng đã trải qua 17 kỳ điều hành, trong đó có 8 lần giảm giá, còn lại là tăng giá hoặc giữ nguyên. So với đầu năm, giá xăng đã tăng thêm khoảng 2.000 đồng/lít.

Ở kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 5/10 vừa qua, giá xăng RON 92 giảm nhẹ 112 đồng/lít xuống mức tối đa 17.999 đồng/lít, xăng E5 giảm 105 đồng/lít xuống 17.731 đồng/lít. Các mặt hàng dầu dầu diesel tăng 147 đồng/lít lên 14.588 đồng/lít; dầu hỏa tăng 318 đồng/lít lên 13.433 đồng/lít và dầu mazut tăng 212 đồng/kg lên 11.748 đồng/kg.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Ly (Người đưa tin)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN