Chặn thực phẩm “bẩn” dịp cuối năm từ cửa ngõ biên giới

Gần Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi cho nhiều đối tượng buôn bán thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường nội địa. Một trong những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn nguy cơ trên trong dịp cuối năm chính là kiểm soát chặt nguồn thực phẩm ngay từ cửa ngõ biên giới.

Chặn thực phẩm “bẩn” dịp cuối năm từ cửa ngõ biên giới - 1

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe chở hàng hóa ở khu vực cửa khẩu. Ảnh: H.T

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Đến hẹn lại lên, vào quý cuối của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ tết. Các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực các cửa khẩu trên cả nước hoạt động buôn lậu các mặt hàng thực phẩm sẽ ngày càng “nóng”. Cùng với các mặt hàng len lỏi theo đường tiểu ngạch, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm từ gia súc, gia cầm từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

Nghiêm trọng hơn, sự nguy hiểm từ thực phẩm bẩn còn đến từ thói quen tiêu dùng của người dân. Tại khu vực phía Bắc, thời tiết lạnh vào cuối năm kèm theo mưa nhiều sẽ khiến độ ẩm trong không khí luôn ở mức cao khiến thực phẩm nguy cơ bị nấm mốc, chứa nhiều độc tố gây các loại bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Tại khu vực phía Nam, thời tiết cuối năm thường nóng, khô khiến thực phẩm dễ ôi thiu, biến chất, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho người dùng.

Mặt khác, vào dịp Tết, người dân thường có thói quen tích trữ thực phẩm cho nhiều ngày, song nhiều hộ gia đình không chú ý bảo quản hoặc thiếu thiết bị bảo quản khiến thực phẩm biến chất, hư hỏng trước khi sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các đơn vị của Cục sẽ phối hợp với ban ngành liên quan trên cả nước đẩy mạnh thanh kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng ngay tại cửa khẩu. Ngoài ra, công tác kiểm tra chất lượng, hậu kiểm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, cung cấp suất ăn sẽ được thực hiện triệt để, xử lý nghiêm đối với cơ sở sai phạm.

Được biết, trong 10 tháng của năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thực phẩm với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục ra quyết định thu hồi hàng trăm giấy phép của các cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những sai phạm nghiêm trọng. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiến hành gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý hành chính hơn 14 tỷ đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Xé lẻ, găm hàng “tuồn” vào các tỉnh, thành

Chặn thực phẩm “bẩn” dịp cuối năm từ cửa ngõ biên giới - 2

Thực phẩm “bẩn” nhập lậu qua biên giới bị Bộ đội biên phòng thu giữ.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong quá trình vận chuyển, buôn bán thực phẩm vi phạm đều rất tinh vi bằng cách ngụy trang dưới vỏ các loại hàng hợp pháp và trà trộn vào những loại hàng hóa khác để vận chuyển trên xe khách, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Khi bị bắt giữ, các đối tượng này lại giở thủ đoạn “hợp lý” hóa nguồn gốc sản phẩm bằng các giấy tờ quay vòng để đối phó…

Tại Lạng Sơn, những đối tượng vận chuyển thực phẩm thường thuê cư dân biên giới để vận chuyển qua đường mòn, nếu trót lọt sẽ tập kết tại các xã giáp biên, sau đó dùng xe máy hoặc ôtô vận chuyển vào khu vực thành phố, xé lẻ, tìm cách găm hàng vào ôtô chở khách, ôtô du lịch, chở hàng để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn nhận định: Các vụ thu giữ thực phẩm “bẩn” nhập lậu thời gian qua, chủ yếu là nội tạng động vật. Đáng lo ngại, phần lớn các vụ khi bị phát hiện đều đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối. Các đối tượng buôn lậu thực phẩm “bẩn” biết rõ khi bị bắt giữ chỉ bị tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hành chính vi phạm, mức hình phạt thấp không đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận thu được từ việc vận chuyển, buôn bán gấp tám đến chín lần... Vì vậy, việc nhập lậu thực phẩm “bẩn” trên tuyến biên giới Lạng Sơn luôn diễn ra phức tạp. Trong khi nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm qua biên giới rất cao, nhất là các hoạt động thương mại, du lịch, đặc biệt là cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn rất đáng lo ngại, có thể là nguy cơ dẫn đến virus bệnh tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường đề nghị các Sở, ngành và địa phương tập trung kiểm tra, kiểm soát tuyến vận tải biển, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng khởi tố, xét xử các trường hợp vi phạm theo quy định. Cùng với đó, các địa phương có đường biên giới phải thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết.

Bêu tên đánh vào lòng tự trọng người bán thực phẩm “bẩn”

Một trong những đề xuất quản thực phẩm bẩn khác được các chuyên gia đề xuất là công khai tên các cơ sở, chủ cơ sở buôn bán thực phẩm không đạt chất lượng. Điều này sẽ tạo lên tính minh bạch, đánh vào lòng tự trọng của mỗi con người để từ đó có ý thức hơn trong kinh doanh, buôn bán.

Theo TS Nguyễn Nhật Đình Vũ - Viện Công nghệ thực phẩm, nếu chỉ xử phạt thông thường bằng văn bản thì chỉ cần chủ cơ sở thay đổi biển hiệu hoặc di chuyển địa điểm kinh doanh đi nơi khác là đã có thể tạo ra một cửa hàng thực phẩm bẩn mới, hoạt động bình thường. “Đối với những chủ cơ sở vi phạm quá 3 lần về an toàn thực phẩm thì cần cấm cấp giấy phép hoạt động kinh doanh thực phẩm từ 5 - 10 năm. Sau đó, nếu tiếp tục vi phạm thì cần cấm kinh doanh vĩnh viễn. Không nên dung túng cho người bán thực phẩm bẩn, hạn chế họ có cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm”, TS Đình Vũ bày tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhật Tân ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN