Phạt nặng để chống thực phẩm bẩn

Sự kiện: Thực phẩm bẩn

Bỏ hình thức cảnh cáo, vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền, thậm chí một số hành vi có mức phạt tăng gấp 10 lần.

Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP; thay thế Nghị định 178/2013) có hiệu lực từ ngày 20-10, được kỳ vọng sẽ giúp việc quản lý thực phẩm tốt hơn. Các cơ quan quản lý đang tích cực chuẩn bị triển khai áp dụng.

Có thể phạt tiền tỉ

Ông Trần Văn Châu, Trưởng Phòng Công tác Thanh tra Cục ATTP - Bộ Y tế, cho biết nghị định mới xử phạt vi phạm hành chính về ATTP loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo, chỉ quy định hình thức phạt tiền. So với Nghị định 178/2013, mức xử phạt này cao gấp 2-3 lần đối với một số hành vi vi phạm, cá biệt một số hành vi có mức phạt tăng gấp 10 lần. Cụ thể: hành vi bơm tạp chất vào tôm trước đây phạt 300.000 đồng sẽ tăng lên 3 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. 

Đặc biệt, mức phạt sẽ tăng hơn rất nhiều với 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, không bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên (trong đó có 5 hành vi xử phạt từ 5-7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, 2 hành vi xử phạt từ 1-2 lần giá trị hàng hóa vi phạm). Đồng thời, 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc những hành vi đó. Do đó, một cơ sở vi phạm ATTP có thể bị phạt nhiều tỉ đồng chứ không dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng như lâu nay.

Phạt nặng để chống thực phẩm bẩn - 1

Từ ngày 20-10, người bán hàng rong, thức ăn lề đường không đeo găng tay sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng Ảnh: TẤN THẠNH

"Đơn cử, một doanh nghiệp có số hàng hóa vi phạm trị giá 800 triệu đồng, mức tiền phạt có thể tăng gấp 7 lần giá trị lô hàng, tương đương 5,6 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí xử lý ngộ độc thực phẩm" - ông Châu nhấn mạnh.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP HCM, cho biết mức xử phạt cao mang tính răn đe của nghị định mới được xem là vũ khí mới để chống thực phẩm bẩn hiệu quả hơn. Tuy vậy, mức phạt tăng cũng nảy sinh các hệ lụy như sự nhũng nhiễu hay thỏa hiệp giữa lực lượng thanh - kiểm tra và bên vi phạm. Vì vậy, cần tăng cường giám sát hoạt động thanh - kiểm tra. Cũng theo bà Lan, sau 8 tháng triển khai quy định cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, TP HCM đã có 22.000 sản phẩm được công bố mới. Nghị định 115/2018 giúp việc triển khai hậu kiểm tốt hơn sau khi bỏ các thủ tục tiền kiểm như trước đây.

Có xử được thức ăn đường phố?

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là tính khả thi của việc xử phạt đối với vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố. Ông Châu cho biết Nghị định 115/2018 có quy định cụ thể, rõ ràng các hành vi để dễ xử phạt. "Cùng là hoạt động kinh doanh ăn uống nhưng mức xử phạt với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cao hơn nhiều (cao nhất tới 10 triệu đồng/vi phạm). 

Mức phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với kinh doanh thức ăn đường phố là vừa phải, đủ để răn đe. Cá nhân tôi nhận thấy thời gian qua, những người bán hàng rong và thức ăn đường phố đã có ý thức hơn trong việc bảo đảm ATTP. Tới đây, nếu không muốn bị xử phạt, họ phải khẩn trương bổ sung những điều kiện mình thiếu" - ông Châu lưu ý.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, thói quen dùng tay trần bốc thức ăn, đếm tiền của người bán thức ăn đường phố mang rất nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột cho người ăn. Các khảo sát độc lập cho thấy bàn tay và tiền, nhất là tiền mệnh giá nhỏ của người kinh doanh đường phố, chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh nên quy định này hết sức cần thiết. "Trước đây, chúng ta thiếu lực lượng kiểm tra nên chủ yếu là vận động, tuyên truyền; nay nhiều địa phương thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận - huyện, xã - phường nên nếu làm quyết liệt sẽ thực hiện được" - ông Phong khẳng định.

Bà Phong Lan cho rằng mức phạt 1-3 triệu đồng đối với người không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn dùng ngay rất cụ thể. "Mục tiêu là bảo đảm vệ sinh nên nếu người có đeo găng tay nhưng vừa bốc thức ăn vừa thối tiền vẫn bị phạt. Đối với nhóm thức ăn đường phố sẽ tuyên truyền nhắc nhở nhiều lần, nếu cố tình không chấp hành mới bị phạt để răn đe những nơi khác" - bà Lan nói. 

19% cơ sở bị kiểm tra có vi phạm

Theo Cục ATTP, trong 9 tháng năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 401.000 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 19,2%), đã xử lý hơn 24.600 cơ sở (chiếm 31,91% số cơ sở vi phạm). Trong đó, phạt tiền 21.613 cơ sở với tổng tiền phạt gần 42,5 tỉ đồng. Trước đó, năm 2017, cơ quan ATTP đã kiểm tra 625.060 cơ sở, phát hiện gần 124.000 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 19,82%), đã xử lý hơn 32.500 cơ sở. Trong đó, phạt tiền 19.208 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 61 tỉ đồng.

N.Dung

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung - Ngọc Ánh ([Tên nguồn])
Thực phẩm bẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN