300.000 đồng/quả dừa sáp vẫn được săn đón “bất chấp” COVID-19

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Dừa sáp là một loại quả đặc biệt, đặc sản nổi tiếng của vùng đất Trà Vinh. Với tính chất độc đáo, sản lượng lại không cao, giá thành đặc sản Trà Vinh cũng không hề rẻ, gấp hàng chục lần dừa thường. Dù dịch COVID-19 khiến đầu ra nhiều loại nông sản gặp khó khăn nhưng dừa sáp vẫn trở thành mặt hàng được săn đón.

Nhìn bề ngoài thì dừa sáp không khác gì quả dừa bình thường, nhưng khi bổ ra sẽ thấy ruột đặc, cơm xốp, mềm và dẻo chứ không cứng như cơm dừa của các quả dừa khác, ăn rất lạ miệng. Phần nước của dừa sáp có độ đặc quánh như sáp nến.  

Cận cảnh vẻ "đặc sệt" bên trong của dừa sáp.

Cận cảnh vẻ "đặc sệt" bên trong của dừa sáp.

Điều khiến dừa sáp có giá thành cao đến hàng chục lần so với các loại dừa thông thường do dừa sáp rất hiếm gặp. Dừa sáp kén đất trồng và tỷ lệ cho quả rất thấp. Mỗi một buồng dừa sáp thường chỉ cho 2 đến 4 quả và không phải cây dừa sáp nào cũng cho quả.

 Anh Hoàng Văn Hải (chủ đầu mối cung cấp dừa sáp tại 43, Phú Diễn) cho biết: “Dừa sáp thường rất kén đất trồng và nguồn nước. Nếu trồng ở vùng đất có nước bẩn, ô nhiễm thì cây dừa sẽ không có khả năng cho sáp. Do đó, giá dừa vào thời điểm hiếm hàng có thể từ 200.000 đồng/quả đến 300.000 đồng/quả trong khi giá một buồng dừa thông thường chỉ trên dưới 100.000 đồng/ buồng 12 quả. 

Với dừa sáp, phần ruột càng trong và càng dẻo sẽ càng có giá thành cao.

Với dừa sáp, phần ruột càng trong và càng dẻo sẽ càng có giá thành cao.

Cây dừa sáp là loại cây kén đất và rất khó trồng, không phải vùng nào cũng trồng được nên số lượng cung ứng ra thị trường rất ít. Hơn nữa, cùng một buồng dừa nhưng không phải trái nào cũng có sáp, tỷ lệ trái cho sáp chỉ chiếm khoảng 20-40%. Chính bởi vậy giá thành loại dừa này lên tới 200.000- 300.000 đồng/quả, trong khi giá dừa bình thường chỉ dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/buồng 12 quả.

Trước đây, dừa sáp chỉ được bày bán ở các khu du lịch hoặc người có nhu cầu phải đến tận nhà vườn để đặt. Tuy nhiên, hiện nay, dừa sáp đã được tiếp cận trực tiếp với khách hàng có nhu cầu qua hình thức đặt online. 

Cận cảnh quá trình tách ghép, đóng gói dừa sáp tại một vựa đầu mối.

Cận cảnh quá trình tách ghép, đóng gói dừa sáp tại một vựa đầu mối.

Chị Nguyễn Xuân Hương (một tiểu thương kinh doanh các loại trái cây trên Facebook) chia sẻ: “Dừa sáp ban đầu thu hút khách hàng là vì phần cơm dừa đặc biệt, giá bán cũng cao gấp nhiều lần so với dừa bình thường. Hơn nữa loại dừa này được quảng cáo rất nhiều nên nhiều người chú ý muốn mua về ăn thử. Mỗi trái dừa nặng từ 0,8-1,5kg. Tôi bán 200.000 đồng/quả. Loại dừa này đắt hàng nhưng tôi không nhập được nhiều vì không phải lúc nào cũng có hàng. Thường ngày bán được nhiều nhất là 10 trái dừa sáp, có những hôm nhiều người hỏi đặt mua nhưng không còn đủ hàng nữa”.

Ngoài cách thưởng thức đơn giản nhất là trực tiếp ăn phần cơm dừa, dừa sáp còn có vô số cách chế biến vô cùng hấp dẫn. Một số quán nước giải khát sử dụng phần cơm dừa để xay sinh tố hoặc dầm trái cây, tạo ra hương vị mới lạ, thơm, béo mà không bị ngán. Trong những ngày nắng nóng, phần cơm dừa thêm một chút đường và sữa đặc rồi bỏ vào tủ lạnh là món giải khát tuyệt vời.

Hình ảnh dừa sáp được cộng đồng săn đón.

Hình ảnh dừa sáp được cộng đồng săn đón.

Dừa sáp không chỉ được bán ở các quán nước giải khát và các cửa hàng kinh doanh trái cây mà còn được rao bán rất nhiều trên chợ mạng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người kinh doanh dừa sáp, người tiêu dùng không nên mua dừa ở những quán dọc đường, không ghi rõ tên và phương thức liên lạc của cơ sở cung cấp. 

Dừa sáp và dừa thường có vẻ bề ngoài không quá khác biệt, rất khó phân biệt nhưng sự chênh lệch giá cả rất lớn. Không ít đối tượng đã lợi dụng điều này, “treo đầu dê bán thịt chó” để thu lợi nhuận. Nếu muốn thưởng thức đúng loại, người mua phải hết sức cẩn trọng, tìm mua ở những nguồn cung uy tín, không mua ở những nơi nhập hàng trôi nổi, giá rẻ đáng ngờ.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại thanh long “lạ” ruột như thạch dừa, giá “chát” vẫn cháy hàng

Trong khi thanh long thông thường đang chờ người đến tiêu thụ, giá bán chỉ 10.000 đồng/kg, loại thanh long “lạ” này giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng An ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN