Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 1)

Tôi hẹn gặp Tiến Minh vào giữa trưa dưới cơn mưa rả rích của mùa mưa Sài Gòn. Căn nhà của tay vợt hàng đầu thế giới nằm lặng lẽ giữa khu chợ sầm uất nhất của khu Chợ Lớn, Quận 5. Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu không phải là một câu hỏi như bao cuộc gặp khác mà là sự phản ứng có lúc gay gắt của một Tiến Minh bình dị đời thường về dư luận quanh mình.

“Dư luận không công bằng với tôi”

Tiến Minh nhìn tôi khá e dè khi tôi bắt đầu mở lời nêu lý do về cuộc gặp này và anh bắt đầu phản ứng, giống như anh đang trút gánh nặng, những ức chế lâu nay của mình để tìm một sự giải tỏa.

Tiến Minh cho rằng, cho đến thời điểm này, sau hơn 10 năm cầm vợt đi đánh chuyên nghiệp và mang về cho đất nước biết bao nhiêu là thành tích, nhưng anh vẫn không hiểu tại sao vẫn có những chỉ trích, soi mói, cạnh khóe anh về những cuộc tranh tài. Tay vợt Việt Nam đang có tên trong top 10 thế giới lý giải, dường như người ta không hiểu về thi đấu cầu lông đỉnh cao, hoặc người ta không muốn hiểu nên luôn chỉ trích Minh, dù anh có làm tốt đến đâu.

Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 1) - 1

Tiến Minh có những nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai

Tiến Minh kể lại: “Một năm tôi tham gia thi đấu 17-18 giải, nhưng sẽ có những giải có tính chất quan trọng, cần ưu tiên để kiếm điểm, kiếm tiền,….và có những giải tham gia cho đủ (ví dụ: nằm trong tốp 10 TG phải tham gia đủ 10 giải Super Series trong năm). Vì thế mà những giải quan trọng tôi luôn hết mình để lấy thành tích, còn những giải kia tôi không đặt nặng nên có thể thua sớm, nhưng dư luận lại không hiểu và cho rằng tôi đang sa sút, vì tuổi tác đã già…., quả thật rất buồn cười”.

Nhìn lại chặng đường vừa qua của bản thân, Tiến Minh có những trăn trở của riêng mình: “Tôi không phải cái máy, tôi cũng phải có lúc nghỉ ngơi, phải tự biết phân sức để làm tốt những giải đấu cần thiết. Còn dư luận, truyền thông thì luôn đòi hỏi tôi phải thắng hết các giải, lúc nào cũng phải chiến thắng và khi thua thì “chửi” mà không quan tâm tôi thua thế nào. Có người vừa gặp tôi sau giải Đài Loan trở về hỏi ngay câu sốc: “Vừa thua về hả?!”. Lúc đó, tôi cảm thấy không được tôn trọng, mặc dù là tôi thua trong trận chung kết. Tôi thua ở giải Ấn Độ, họ cũng chỉ trích tôi yếu quá mà họ không hiểu, tôi gặp vấn đề về ăn uống không hợp, di chuyển thi đấu 6 thành phố liên tục, và trình độ của tôi so với các tay vợt Trung Quốc là không thể bởi họ quá mạnh”.

Những nỗi niềm riêng

Là vận động viên đỉnh cao, luôn phải đối phó với áp lực từ công việc, người hâm mộ, giới truyền thông, Tiến Minh đã quá quen với những “lời ra tiếng vào” ở bất kỳ hoạt động nào anh tham gia. Có những lúc, anh đã không thể không chạnh lòng: “Nhiều bài viết hay dùng những từ ngữ đao to búa lớn cho tôi, mặc dù chuyện thắng thua trong thể thao là bình thường, chẳng hạn như: Tiến Minh thua sốc, thua bạc nhược, thua muối mặt, thua bất ngờ, sa sút về chuyên môn…..Tôi cảm thấy rất buồn, mặc dù các đối thủ của tôi trong tốp 10, kể cả thứ hạng 2,3 thế giới dù có thua cũng chẳng thấy ai nhắc đến. Chẳng hạn, tay vợt Đan Mạch – Jorgensen (hạng 10 Thế giới) sau khi thua tôi ở Giải VĐTG về nước, anh ấy nhận được rất nhiều sự động viên, không một lời chỉ trích”.

Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 1) - 2Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 1) - 3

Những tấm bằng khen lưu giữ thành tích của Tiến Minh

Câu chuyện của chúng tôi tiếp diễn, vẫn xoay quanh những giải đấu đến “chóng mặt” quanh năm của một VĐV nhà nghề như Tiến Minh. Anh nói tiếp: “Có người luôn so sánh tôi với Lee Chong Wei, tại sao thế này, tại sao thế kia…, nhưng họ không hiểu Lee Chong Wei là số 1 thế giới. Tôi nằm dưới anh ấy một khoảng xa về trình độ. Nếu tôi thắng, thắng liên tục thì tôi đã thành Lee Chong Wei rồi. Những đòi hỏi rất khó chấp nhận bởi họ không đặt họ vào vị trí của tôi. Tôi không được đầu tư mạnh, không được đào tạo bài bản từ nhỏ, không chuyên gia….tôi luôn phải cố gắng hàng ngày để giữ được đỉnh cao hơn 10 năm nay. Nếu ai hiểu cầu lông, thì phải hiểu tôi đang đánh hay hơn ngày xưa rất nhiều, đang tiến bộ rất nhiều vì nếu hiện tại tôi vẫn đánh như ngày xưa thì tôi đã “văng” khỏi làng cầu lông thế giới lâu rồi. Bởi lẽ, các tay vợt đẳng cấp thế giới luôn phát triển, nếu tôi không tiến bộ để đeo theo họ là tôi chắc chắn bị đào thải”.

Chiến thắng đáng nhớ của Tiến Minh trước Jan O Jorgensen tại tứ kết giải VĐTG

Nhìn lại chặng đường từ đầu năm đến nay, Tiến Minh có những thành tích đáng nể. Anh tâm sự: “Giờ đây, ở tuổi 30, tôi vẫn vừa có được những thành tích vẻ vang như HCĐ Thế giới, vô địch giải Mỹ mở rộng, HCB giải Đài Loan mở rộng…. Tôi cảm giác, sự cố gắng của tôi luôn không được nhìn nhận đúng. Cả quá trình dài phấn đấu rất tốt, nhưng chỉ cần sẩy chân một giải đấu vô danh, ngay lập tức tôi nhận hàng loạt chỉ trích, quên cả quá trình trước đó như thế nào. Điều đó không công bằng với tôi. Tôi không đòi hỏi gì nhiều, tôi chỉ muốn được tôn trọng, được đánh giá đúng về khả năng và quan trọng là phải hiểu quá trình thi đấu của tôi như thế nào. Hãy xem đây là một công việc của tôi như bao công việc bác sĩ, luật sư, kế toán khác trong xã hội…..thắng, hay thua thì cũng nên xem là bình thường. Xuống hạng 8, hạng 9, hay lên hạng 4,5 thì cũng là bình thường đi. Vì cho đến giờ này, tôi đã không ra khỏi tốp 10 thì cũng là một điều tuyệt vời lắm rồi”.

(Còn tiếp)

* Tiến Minh sẽ nói về sự cô đơn của anh, về ước mơ của một VĐV đỉnh cao đã ở tuổi ngoài 30 như thế nào?  Đón xem Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới…kể (Bài 2) vào lúc 7h sáng 2/10.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Phương ([Tên nguồn])
Nguyễn Tiến Minh: Tay vợt số 1 Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN