Những ngôi sao tuổi Sửu hứa hẹn tỏa sáng tại SEA Games 31

Sự kiện: Muôn màu thể thao

Kỳ SEA Games 31 trên sân nhà hứa hẹn là cơ hội để các ngôi sao tuổi Sửu Lê Tú Chinh, Hà Minh Thành, Lý Hoàng Nam hay Nguyễn Thùy Linh tỏa sáng.

Lê Tú Chinh, Hà Minh Thành, Lý Hoàng Nam hay Nguyễn Thùy Linh đều là những tài năng đặc biệt của thể thao Việt Nam. Họ còn có điểm chung là đã và đang đối diện với những sức ép vô hình. Kỳ SEA Games 31 trên sân nhà hứa hẹn là cơ hội để các ngôi sao tuổi Sửu này tỏa sáng.

Vận động viên điền kinh Lê Tú Chinh

Vận động viên điền kinh Lê Tú Chinh

Những áp lực vô hình

Tại Giải Điền kinh vô địch quốc gia 2020, Lê Tú Chinh (TP HCM) xuất sắc giành tới 5 HCV ở các nội dung 200m, 100m, 4x100m nữ, 4x200m nữ và 4x100m hỗn hợp nam nữ. Cô đồng thời trở thành VĐV sở hữu nhiều HCV nhất. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cự ly 200m, cô gái vàng này đã bật khóc nức nở.

Tú Chinh khóc bởi dù giành HCV nhưng thành tích của mình không tốt như dự kiến. Những giọt nước mắt ngay sau tấm HCV cho thấy áp lực mà cô gái sinh năm 1997 phải hứng chịu lớn tới mức nào. Chinh nổi lên từ năm 2016 với tấm HCV nội dung 100m nữ tại Giải vô địch quốc gia. Lần đầu tiên sau 21 năm, TP HCM mới thống trị cự ly này.

Tiếp đà thăng tiến, cô gái sinh ra trong một gia đình nghèo được gọi vào đội tuyển, trở thành niềm hy vọng số 1 của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 2017. Không phụ lòng mong đợi, Tú Chinh xuất sắc giành 3 tấm HCV, trở thành ngôi sao thực sự.

Tuy nhiên, sự nghiệp của cô chững lại trong hai năm tiếp theo bởi chấn thương. SEA Games 2019, Chinh chỉ có 1 tấm HCV nội dung 100m. So với kỳ đại hội cách đó hai năm, đây là sự thụt lùi lớn.

Áp lực vì thế đè nặng lên đôi vai gầy của cô gái TP HCM. HLV Nguyễn Thanh Hương đã phải tìm mọi cách lấy lại cân bằng cho học trò. Riêng Tú Chinh, cô tập luyện gần như không biết ngày nghỉ cùng hy vọng lấy lại những gì vốn thuộc về mình.

Tay vợt Lý Hoàng Nam

Tay vợt Lý Hoàng Nam

Cùng sinh năm 1997, cũng được đánh giá là niềm hy vọng số 1 ở môn quần vợt, Lý Hoàng Nam trưởng thành nhanh chóng từ khi bắt đầu làm quen với quần vợt. Năm 9 tuổi, anh vô địch giải U10 toàn quốc trước khi gia nhập CLB Becamex Bình Dương, một hình mẫu về đào tạo trẻ.

Vốn sở hữu năng khiếu thiên bẩm, lại được rèn giũa trong môi trường chuyên nghiệp, Nam tiến bộ không ngừng, viết lên những cột mốc lịch sử cho quần vợt Việt Nam. Năm 2014, anh đoạt HCV ở Olympic trẻ. Tới năm 2016, Hoàng Nam vô địch giải Wimbledon dành cho lứa trẻ.

Tuy mang theo hành trang hoành tráng tới SEA Games 2017 nhưng tay vợt quê Tây Ninh lại chỉ giành được tấm HCĐ ở cả nội dung đánh đôi lẫn đánh đơn. Những lời tung hô trước đó biến mất, đổi lại Nam chịu áp lực cực lớn. Nhưng rồi với sự kiên trì, lại được đầu tư đúng hướng, tay vợt sinh năm 1997 đã lần đầu tiên giúp quần vợt Việt Nam có HCV ở một kỳ SEA Games.

Giành chiến thắng tại SEA Games 2019 nội dung đơn nam, đương nhiên Hoàng Nam phải đặt mục tiêu bảo vệ thành tích này trong năm 2021.

Nguyễn Thùy Linh

Nguyễn Thùy Linh

Nếu như Tú Chinh hay Lý Hoàng Nam chịu áp lực của người “mở đường” thì Nguyễn Thùy Linh của môn cầu lông lại chịu áp lực từ cái bóng của người đàn chị Vũ Thị Trang. Linh bén duyên cầu lông từ năm 10 tuổi, từng có hai năm bị gián đoạn do bố mẹ kiên quyết bắt con từ bỏ nghiệp thể thao.

Thời điểm đó, ông ngoại đã đứng ra nói đỡ, cộng thêm quyết tâm theo đuổi, Linh đã được bố mẹ gật đầu cho quay lại với cầu lông.

Như “hổ về rừng”, cô gái xinh xắn nhanh chóng bắt nhịp với cường độ tập luyện. Năm 2016, Linh vô địch giải cầu lông Nepal International Series 2016 và một năm sau cô chinh phục Italian International 2017. Tuy nhiên, Linh vẫn chỉ là tay vợt số 2 Việt Nam, đứng sau đàn chị Vũ Thị Trang (vợ huyền thoại Nguyễn Tiến Minh).

Sự lì lợm, bản lĩnh trận mạc là thứ mà hot girl quê đất Tổ còn thiếu nên vài năm qua, cô liên tục tham dự các giải quốc tế nhằm tích lũy kinh nghiệm. Hiện Linh đang đứng thứ 42 thế giới, hơn Vũ Thị Trang 5 bậc và có ưu thế cực lớn để vượt đàn chị dự tranh Olympic Tokyo 2021.

Hà Minh Thành

Hà Minh Thành

Tương tự, Hà Minh Thành (bắn súng) cũng phải chịu áp lực quá lớn từ người đàn anh Hoàng Xuân Vinh, tay súng từng vô địch và lập kỷ lục Olympic. Minh Thành sinh năm 1995, tập bắn súng từ năm 2002 và năm 2006 đã vào đội tuyển quốc gia.

Xạ thủ sinh năm 1985 bắt đầu nổi lên như một hiện tượng đặc biệt của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2014, khi xuất sắc đoạt tấm HCB nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh.

Danh tiếng đến quá nhanh, lại đứng cùng bộ môn với đàn anh lẫy lừng Hoàng Xuân Vinh khiến Minh Thành chịu nhiều tác động tâm lý. Tuy nhiên, HLV Nguyễn Thị Nhung của đội tuyển bắn súng Việt Nam vẫn khẳng định, Minh Thành vẫn một tài năng hiếm có của bắn súng Việt Nam, hội đủ các yếu tố để vươn tới đẳng cấp cao nhất thế giới ở nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh.

Giờ đây, khi đàn anh Hoàng Xuân Vinh đã sang bên kia sườn dốc, nhiều khả năng không còn thi đấu tại SEA Games 31 trên sân nhà, Minh Thành đương nhiên là niềm hy vọng số 1 của bắn súng Việt Nam.

Vượt qua thách thức để bùng nổ?

Tại SEA Games 31, điền kinh chắc chắn là môn chủ lực của đoàn thể thao Việt Nam với hàng loạt ngôi sao đang vào độ chín. Trong đó, Lê Tú Chinh nhận chỉ tiêu giành 2 HCV nội dung 100m và 200m.

Ở giải điền kinh vô địch quốc gia 2020, Chinh chạy tốt cả hai cự ly, trong đó cự ly 100m cô thậm chí còn vượt thành tích giúp mình giành HCV SEA Games 30 (11 giây 43 so với 11 giây 54). Tuy nhiên, thách thức với Chinh là không nhỏ bởi VĐV gốc Mỹ nhập tịch Philippines - Kristina Knott từng vượt xa thông số của VĐV Việt Nam khi đạt 11 giây 27 tại giải điền kinh Drake Blue Oval Showcase.

Mặc dù vậy, Tú Chinh vẫn tỏ ra hết sức tự tin: “Từ nay tới SEA Games 31 vẫn còn nhiều thời gian để tôi cải thiện khả năng của mình”.

Nhưng nói tới đối thủ mạnh thì Nguyễn Thùy Linh mới thực sự ngán ngẩm. Cô gái Phú Thọ chỉ dám đặt mục tiêu giành huy chương bạc bởi lẽ với môn cầu lông, khu vực Đông Nam Á có quá nhiều đối thủ đẳng cấp, đặc biệt là Thái Lan. Trong top 15 tay vợt nữ hàng đầu thế giới, quốc gia này đóng góp tới 3 cái tên, Ratchanok Intanon thậm chí còn nằm trong top 5.

“Trong lịch sử SEA Games, cầu lông Việt Nam chưa khi nào có được Huy chương Bạc. Điều này không lạ bởi Đông Nam Á giống như World Cup thu nhỏ, tính cạnh tranh cực cao, nhiều tay vợt xuất sắc”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh lý giải.

Ngược lại, với Lý Hoàng Nam, trở ngại lớn nhất của anh không phải tới từ các đối thủ mà là tới từ chính bản thân. Hiện tại, anh vẫn đang là tay vợt được đánh giá cao nhất khu vực Đông Nam Á. Chỉ cần chơi đúng sức, giữ tâm lý ổn định, khả năng bảo vệ thành công tấm HCV giành được từ SEA Games 30 là rất cao.

Vươn tầm thế giới thì khó nhưng ở Đông Nam Á tôi cho rằng Nam không có đối thủ nếu thể hiện đúng đẳng cấp”, chuyên gia Đặng Việt Cường đánh giá.

Bên cạnh HCV cá nhân, Lý Hoàng Nam còn đặt mục tiêu lấy HCV đôi nam. Nhiều khả năng anh và Trịnh Linh Giang sẽ ghép đôi tranh tài. Ông Cường cũng cho rằng, hai tay vợt Việt Nam rất sáng cửa vô địch.

Với đàn anh Hà Minh Thành, giới chuyên môn đều nhận định, với khả năng chuyên môn của anh, Đông Nam Á hoàn toàn không có đối thủ. Ngặt nỗi, tay súng này lại quá yếu tâm lý thi đấu. “Có lẽ ban huấn luyện phải tập trung cải thiện tâm lý cho Thành bởi không sẽ rất lãng phí năng lực của cậu ấy”, HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Kình ngư Ngọc Khánh bơi 200km từ Hà Nội đến Thái Bình: Đón Tết không giống ai

(Tin thể thao) Những ngày Tết của kình ngư Ngọc Khánh cùng bạn bè cũng độc đáo, ấn tượng không kém gì hành trình bơi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Dũng ([Tên nguồn])
Muôn màu thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN