Nguồn khích lệ trước thềm Olympic 2024

Những khoản động viên, khoản thưởng và chế độ đãi ngộ cho VĐV trước khi lên đường tham dự hoặc giành huy chương, thậm chí là một trận thắng tại Olympic Paris 2024 thực sự là nguồn khích lệ lớn lao với các VĐV Việt Nam.

Thưởng lớn với tấm huy chương Olympic

Đối với thể thao Việt Nam, giành tấm huy chương ở Olympic luôn là kỳ tích. Đó luôn là cái đích cao nhất đối với mỗi VĐV Việt Nam, đặc biệt khi trình độ nhiều môn thể thao tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với mức giành huy chương ở các kỳ Olympic. Cũng bởi vậy, từ khi tham dự Olympic vào năm 1980 đến nay, thể thao Việt Nam mới giành 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ ở đấu trường này. Riêng tấm HCV tại Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh vẫn là dấu mốc chói sáng của thể thao Việt Nam. Cũng nhờ vậy, sau khi giành tấm HCV và 1 HCB ở Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã nhận khoản thưởng lên tới tiền tỷ từ nguồn ngân sách, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam và các doanh nghiệp, cá nhân khác.

Nguồn khích lệ trước thềm Olympic 2024 - 1

Xạ thủ CAND Trịnh Thu Vinh tập luyện chuẩn bị cho Olympic 2024.

Cũng sau tấm HCV tại Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam lại rơi vào cảnh “trắng” huy chương ở kỳ Olympic tiếp theo. Tất cả để thấy việc giành huy chương tại Olympic khó thế nào với VĐV Việt Nam. Cho nên, nếu mức treo thưởng, hay nguồn động viên cho VĐV dự Olympic nhiều hơn hẳn so với các cấp độ Đại hội thể thao khác ở tầm châu lục, khu vực Đông Nam Á thì cũng không ai dám so bì.

Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu là 350 triệu đồng cho HCV Olympic, 220 triệu đồng cho HCB Olympic và 140 triệu đồng cho HCĐ Olympic. Bên cạnh đó, nếu phá kỷ lục Olympic, VĐV còn được trao thưởng thêm 140 triệu đồng.

Đó là khoản thưởng cứng từ cấp trung ương, thời gian qua, một số doanh nghiệp, cá nhân, Liên đoàn thể thao quốc gia có VĐV giành vé tham dự Olympic Paris 2024 (Olympic 2024), đã công bố mức thưởng của mình.

Trong đó, Ủy ban Olympic Việt Nam và Quỹ chiến lược thể thao quốc tế, Công ty TNHH Asong Invest (Hàn Quốc) đã công bố thỏa thuận hợp tác liên quan đếnOlympic 2024, trong đó có việc treo thưởng cho VĐV giành huy chương. Theo đó, VĐV giành HCV sẽ được thưởng 1 triệu USD, HCB được thưởng 500.000 USD, HCĐ được thưởng 200.000 USD. Đây là mức treo thưởng lớn nhất từ trước đến nay với các VĐV Việt Nam nếu giành huy chương Olympic.

Liên đoàn Bắn súng Việt Nam thuộc diện sớm công bố mức thưởng. Tại Olympic 2024, đội tuyển bắn súng Việt Nam có 2 VĐV giành vé dự Đại hội là Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền. Xạ thủ đội CAND Trịnh Thu Vinh sẽ thi đấu ở 2 nội dung là 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn thể thao nữ. Trong khi đó, Lê Thị Mộng Tuyền sẽ thi đấu ở nội dung 10m súng trường hơi nữ. Như vậy tổng cộng, 2 xạ thủ bắn súng Việt Nam sẽ thi đấu ở 3 nội dung tại Olympic 2024. Hiện cả hai đang được kỳ vọng tạo nên bất ngờ tại kỳ Olympic tới.

Theo mức treo thưởng được Liên đoàn Bắn súng Việt Nam công bố, xạ thủ Việt Nam giành HCV ở Olympic 2024 sẽ nhận khoản thưởng tiền mặt 500 triệu đồng, giành HCB nhận 300 triệu đồng và giành HCĐ nhận 200 triệu đồng. Ngoài ra, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam kết hợp cùng Công ty TNHH điện tử TCL Việt Nam treo thêm phần thưởng hiện vật tương ứng với 1 HCV ở Olympic 2024 là 1 tivi trị giá hơn 699 triệu đồng. Nếu đoạt 1 HCB, xạ thủ Việt Nam được 1 tivi trị giá hơn 109 triệu đồng, còn giành 1 HCĐ sẽ nhận 1 tivi trị giá hơn 49 triệu đồng. Theo tính toán sơ bộ, 1 tuyển thủ bắn súng nếu giành 1 HCV sẽ được nhận ngay khoản thưởng gần 1,2 tỷ đồng (gồm tiền mặt, hiện vật).

Ở môn đua xe đạp tại Olympic 2024, Việt Nam có cua rơ Nguyễn Thị Thật góp mặt. Tổng thư ký Liên đoàn xe đạp – môtô thể thao Việt Nam Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, dù chưa có mức treo thưởng cụ thể nhưng nếu cua rơ Nguyễn Thị Thật giành được huy chương tại Olympic thì mức thưởng sẽ rất lớn.

Mới đây nhất, Liên đoàn judo Việt Nam đã công bố mức treo thưởng là 500 triệu đồng, 300 triệu đồng và 200 triệu đồng tương ứng với 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ nếu tuyển thủ Hoàng Thị Tình giành được tại Olympic 2024. Chủ tịch Liên đoàn judo Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, đây mới chỉ là mức treo thưởng ban đầu và nếu tuyển thủ Hoàng Thị Tình ở hạng 48kg nữ giành được tấm huy chương đầu tiên cho judo Việt Nam ở đấu trường Olympic thì mức thưởng thêm chắc chắn sẽ lớn hơn mức treo thưởng đã công bố.

Còn Liên đoàn quyền Anh Việt Nam dù chưa công bố mức thưởng cho VĐV Việt Nam giành huy chương Olympic 2024 nhưng chắc chắn là lớn, dựa trên tiềm lực xã hội hóa khá mạnh mẽ của Liên đoàn.

Không dễ với đến huy chương

Dù mức thưởng lớn như vậy nhưng các HLV và chính VĐV cũng đều hiểu rằng sẽ rất khó khăn để giành tấm huy chương tại Olympic. Thực lực hiện tại của cả 14 VĐV Việt Nam đã giành vé trực tiếp tham dự Olympic 2024 đều không ở mức chắc chắn trong nhóm tranh chấp huy chương nên càng khó đề cập đến việc họ sẽ giành bao nhiêu huy chương tại kỳ Olympic tới. Thế nên, không ngẫu nhiên khi cựu HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung lại chọn cách treo thưởng cho VĐV vào chung kết từng nội dung tham dự. Theo đó, bà Nguyễn Thị Nhung đã quyết định treo thưởng cho 2 VĐV Việt Nam là Thu Vinh, Mộng Tuyền với mức 1.000 USD/mỗi nội dung vào chung kết. Như thế, nếu 2 xạ thủ trên đều vào chung kết ở 3 nội dung thi đấu thì bà Nguyễn Thị Nhung sẽ “được” chi ra khoản thưởng tổng cộng là 3.000 USD.

Đó là khoản treo thưởng phụ thuộc thành tích thi đấu, VĐV chưa thể sờ tận tay. Còn có khoản động viên có thể sờ được, nắm được cũng của bà Nguyễn Thị Nhung với mức 1.000 USD cho HLV Park Chung-gun (nội dung súng ngắn) và 1.000 USD cho đội tuyển bắn súng để phục vụ cho chuyến tập huấn, thi đấu trước thềm Olympic 2024.

Theo lý giải của bà Nhung, lọt vào chung kết từng nội dung cũng đã là kết quả quá tốt với VĐV Việt Nam. Đó cũng là tiền đề để tính đến việc giành huy chương ở từng nội dung.

Ngay như Ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Việt Nam cũng xác định, rất khó để giành huy chương tại Olympic, đặc biệt khi 2 xạ thủ Mộng Tuyền, Thu Vinh mới lần đầu dự một kỳ Olympic. Vì vậy, chỉ còn cách cho 2 xạ thủ này liên tục thi đấu ở những giải đấu cấp độ thế giới nhằm rèn tâm lý, bản lĩnh. 

Ngay với những môn võ vốn khó giành huy chương tại Olympic, mục tiêu của những người làm chuyên môn chỉ là thắng trận nào tốt trận đó. Để thúc đẩy VĐV làm được điều đó, như ở môn boxing cũng sẽ có thưởng nóng theo từng trận với cấp độ tăng dần đều. Đây là môn thi đấu mà Việt Nam có 2 võ sĩ góp mặt là Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh. Đó cũng được xem là động lực với VĐV dù chinh bản thân họ luôn xác định thi đấu hết mình khi góp mặt ở sân chơi đẳng cấp cao nhất thế giới như Olympic.

Mỗi sự khích lệ VĐV dưới hình thức nào cũng đều đáng quý và trân trọng. Cho nên, sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, Liên đoàn thể thao, doanh nghiệp, cá nhân được kỳ vọng sẽ giúp VĐV Việt Nam đạt thành tích tốt nhất ở kỳ Olympic được dự báo là khó khăn với thể thao Việt Nam này.

Nguồn: [Link nguồn]

(Tin Olympic) "Đá phản" lại là một cách để giúp đội nhà có cửa đi tiếp ở vòng loại Olympic môn bóng rổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Olympic mùa hè Paris 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN