Chuyện không dễ với Pencak Silat Việt Nam

Sự kiện: SEA Games 32

Chỉ gần 1 năm sau khi giành ngôi Nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 tại Việt Nam, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam lại phải đối mặt với nguy cơ không thể bảo vệ ngôi Nhất toàn đoàn tại SEA Games 32 tới ở Campuchia. Có cả lý do chủ quan cũng như khách quan nhưng rõ ràng, việc lên ngôi đầu ở SEA Games 32 hoàn toàn không dễ, thậm chí cực khó.

Thay đổi chóng mặt

Pencak Silat cũng như nhiều môn võ khác chưa bao giờ đạt được sự ổn định về nội dung thi đấu trong chương trình thi đấu SEA Games. Đó cũng là lý do khiến các nhà quản lý, HLV môn võ này chưa thể tính xa cho mục tiêu ở SEA Games. Tầm nhìn cho mục tiêu SEA Games thường chỉ mang tính ngắn hạn, trong một chu kỳ SEA Games.

Các võ sĩ đối kháng của đội tuyển Pencak Silat Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 32. Ảnh: Như Đạt

Các võ sĩ đối kháng của đội tuyển Pencak Silat Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 32. Ảnh: Như Đạt

Về chuyện này, có thể lấy ví dụ ở SEA Games 30 tại Philippines khi Ban tổ chức kỳ SEA Games này chỉ đưa vào chương trình thi đấu 5 hạng cân đối kháng. Với số ít nội dung thi đấu này nên ở kỳ SEA Games đó, việc đội đối kháng Việt Nam chỉ giành 1 HCV bởi võ sĩ Trần Thị Thêm cũng là đáng kể. Đến SEA Games 31 tại Việt Nam, nội dung thi đấu đối kháng lại có 10 hạng cân. Đến SEA Games 32, dự kiến số lượng nội dung thi đấu nội dung đối kháng còn nhiều hơn so với SEA Games 31 nhưng số nội dung thi đấu biểu diễn lại ít hơn.

Đáng chú ý, tại SEA Games 32, đa số nội dung thi đấu đối kháng đều thuộc các hạng cân nhẹ. Trong khi đây không còn là thế mạnh của các võ sĩ Việt Nam. Ngay ở SEA Games 31, cả 5 tấm HCV nội dung đối kháng của đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đều ở các hạng cân lớn với Quàng Thị Thu Nghĩa (hạng 70-75kg nữ), Trần Đình Nam (hạng 70-75kg nam), Lê Văn Toàn (hạng 110kg), Nguyễn Tấn Sang (hạng 75-80kg) và Nguyễn Duy Tuyến (hạng 80-85kg). Nhưng trong số các nhà vô địch SEA Games 31 này, nhiều người sẽ phải chuyển hạng cân do hạng cân thi đấu sở trường không có tên trong chương trình thi đấu Pencak Silats ở SEA Games 32. Gần như các VĐV phải thay đổi hạng cân, như Quàng Thị Thu Nghĩa sở trường là hạng cân 75kg nhưng sẽ phải xuống thi đấu hạng 70kg; Lê Văn Toàn vô địch SEA Games 31 hạng 110kg, vô địch thế giới hạng 95kg nhưng có thể đứng ngoài cuộc chơi khi SEA Games 32 không có cả hai hạng cân này.

Không kể, ở SEA Games 32, Pencak Silat cũng như nhiều môn võ khác đều phải chấp nhận chỉ được đăng ký tối đa 70% tổng nội dung thi đấu do Ban tổ chức đặt ra. Điều đó sẽ hạn chế đáng kể cơ hội tranh HCV của đội tuyển và đương nhiên ảnh hưởng đến mục tiêu giành tối thiểu 100 HCV tại SEA Games 32 của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Trong lần trao đổi gần đây, HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Văn Hùng cho hay rằng, đội tuyển chỉ có thể đăng ký giành 3 HCV tại SEA Games 32. Mục tiêu này thấp hơn một nửa so với thành tích của đội ở SEA Games 31 (6 HCV) nhưng người trong cuộc phải chấp nhận. Chỉ trừ khi đội được dự đầy đủ nội dung thi đấu, chương trình thi đấu không bị cắt giảm những nội dung thế mạnh từng mang về HCV cho đội tuyển tại SEA Games 31 thì lúc đó mới có thể hướng đến mục tiêu 6 HCV.

Đúng là chuyện này có vẻ không quen với người ngoài cuộc nhưng với người trong cuộc, từng dự nhiều kỳ SEA Games thì lại thấy đó là bình thường. Tất nhiên đó là sự bình thường không ai mong muốn.

Giành 3 HCV cũng không đơn giản

Còn nhớ, ngay trước SEA Games 31 năm 2022, Ban huấn luyện đội tuyển đã bày tỏ lo ngại khi luật thi đấu có thay đổi ở nội dung đối kháng. Trong đó, những đòn thế như đánh ngã kéo, cắt kéo, túm kéo hay quăng quật ngã, túm đấm hay thậm chí những đòn gối, trỏ vốn bị cấm nhưng đã được áp dụng và có thể sử dụng trong thi đấu. Điều đó khiến các VĐV Việt Nam phải hối hả thích nghi do trong suốt thời gian dài không được đào tạo những đòn đánh này.

Trong khi đó, ở Đông Nam Á, những VĐV của Thái Lan, chủ yếu chuyển từ môn võ Muay, vốn đã tập luyện các đòn thế trên cũng tạo nên áp lực không nhỏ cho các VĐV chủ nhà. Không kể, các võ sĩ Indonesia, Singapore cũng đi trước các võ sĩ Việt Nam ở mảng này. Lúc đó, các HLV Việt Nam chỉ hy vọng vào nền tảng kỹ thuật cơ bản tốt của các học trò sẽ giúp họ nhanh chóng điều chỉnh lối chơi. Cuối cùng, học trò của họ đã hoàn thành mục tiêu khi giành 5 HCV nội dung đối kháng ở SEA Games 31.

Ngoài đối kháng, nội dung biểu diễn cũng không còn là thế mạnh của các võ sĩ Việt Nam khi sân chơi này càng trở nên "chật chội" với nhiều ứng cử viên cho ngôi vô địch từng nội dung thi đấu. Không kể, việc chấm điểm nội dung biểu diễn vẫn nặng về cảm tính nên chính các HLV Việt Nam cũng khó kiểm soát cuộc chơi. Điều đó khiến đội biểu diễn Pencak Silat Việt Nam cũng chỉ giành 1 HCV ngay trên sân nhà ở SEA Games 31.

Đến trước SEA Games 32, khó khăn vẫn còn đó khi các võ sĩ đối kháng của Thái Lan và đương nhiên là Singapore, Indonesia vẫn đang có những bước tiến mạnh mẽ. Trong khi đó, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đang trong quá trình chuyển giao lực lượng và không dễ tìm VĐV kế thừa xứng đáng lứa VĐV đi trước.

Như ở nội dung đối kháng, khi nhà vô địch ASIAD 2018 Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam vắng mặt thì đội tuyển cũng không có ngay nguồn VĐV có thể khỏa lấp chỗ trống. Lứa VĐV trẻ sinh từ 2002 đến 2004 để thay thế những VĐV trên cũng phải mất vài năm mới có thể bắt kịp trình độ các đàn anh. Và trong khoảng thời gian ấy, trong đó có SEA Games 32, là khoảng trống.

Ngoài ra, tại SEA Games 32, các cuộc đấu lại áp dụng những thay đổi về thể thức đánh, thể thức tính điểm mới so với SEA Games 31. Và một lần nữa, các võ sĩ Việt Nam lại phải học cách thích nghi. Nhà vô địch SEA Games 31 Nguyễn Duy Tuyến kể rằng, việc chỉ có chưa đầy 1 năm để tập thích nghi với những điểm mới trong thi đấu cũng là thách thực không nhỏ trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 32.

Còn ở nội dung biểu diễn, dàn VĐV kỳ cựu cũng nghỉ thi đấu. Trong đó có người do tuổi tác, lý do gia đình; có người đủ khả năng tranh chấp HCV SEA Games nhưng rời sàn đấu vì chán nản với cách điều hành của trọng tài tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022, vốn đang được Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Tổng cục TDTT xem xét và kết luận. Thế nên, với dàn VĐV trẻ hiện tại, cũng khó có thể tính tới việc giành dù chỉ ít nhất 1 HCV ở SEA Games 32 tới.

Dù thế, như trong chia sẻ gần đây của HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Văn Hùng thì tất cả đều phải cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, phát huy hết khả năng nguồn lực con người hiện tại. Tất nhiên, nếu các VĐV được đầu tư mạnh mẽ hơn từ chế độ chăm sóc về y tế, điều kiện tập huấn... thì sẽ có thể tin vào việc hoàn thành chỉ tiêu 3 HCV - chỉ tiêu vốn được xem là quá thấp so với thực lực của Pencak Silat Việt Nam.

Trông vào chuyến tập huấn ở Indonesia

Đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã tập trung từ đầu tháng 2-2023 với 4 HLV và 30 VĐV. Đến tháng 4-2023, dự kiến đội đi tập huấn ở Indonesia để chuẩn bị cho SEA Games 32 và xa hơn là ASIAD 19. Indonesia cũng là địa điểm tập huấn quen thuộc của các võ sĩ Pencak Silat Việt Nam trong nhiều năm qua. (Minh Khuê)

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Thị Hậu và hành trình khám phá sức mạnh bản thân

(Tin thể thao) Xuất hiện trong trailer Tiền Phong Marathon 2023, Hà Thị Hậu sải bước với nụ cười rạng rỡ, niềm hạnh phúc và cả khát khao chinh phục. Sau khi chinh phục đủ nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN