Chuyện bi hài ở "ao làng" SEA Games

Không khí SEA Games 27 đã bắt đầu nóng lên. Hãy cùng tìm hiểu những sự… kỳ dị của Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Trong số 33 môn của SEA Games 27 có tới 1/3 là các môn đặc thù Đông Nam Á (khó định lượng vì luật lệ sơ sài, trọng tài dễ cảm tính…) và đặc biệt có một môn đậm chất… SEA Games. Đó là Chinlone, môn thể thao dân gian phổ được yêu mến tại Myanmar từ cách đây 1.500 năm. 

“Nhân vật chính” là quả bóng làm từ mây, được trang trí bằng những màu sắc sặc sỡ. Sẽ có từ 2 đến 6 VĐV tâng cầu, chuyền cầu cho nhau trong một vòng tròn có đường kính 6-7 mét. Cầu có thể chạm vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể VĐV, miễn sao không chạm đất. Trọng tài sẽ tính điểm dựa trên tổng số chạm, độ khó của động tác…

Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 27 gồm 750 thành viên (trong đó có, 519 VĐV), tranh tài 30 môn với mục tiêu giành 70 HCV trở lên, nằm trong Top 3 toàn đoàn.

Ở những môn như này, nước chủ nhà sẽ “dụ dỗ” 2 quốc gia Đông Nam Á khác (riêng từ SEA Games 2011 là 3 nước) đồng ý để có thể đưa vào danh sách các môn thi đấu. Với riêng Chinlone, Myanmar đã vận động được Thái Lan, Campuchia và Singapore nhận lời. Sau đó, ĐTQG Chinlone của các nước này được Myanmar bao trọn gói suốt 1,5 năm qua. 

Hôm thứ bảy vừa rồi, những người hâm mộ đã có dịp “cười ra nước mắt” khi Myanmar bất ngờ xin rút để Thái Lan ẵm trọn 2 HCV Chinlone. Nước chủ nhà đã tôn trọng lời hứa với “đồng minh”, nhưng dưới góc độ fair play, sự “chia chác” huy chương này chính là hành động phi thể thao.

Trước đây, Việt Nam có Đá cầu, Thái Lan có Muay, Philippines có Võ gậy, và giờ Myanmar có Chinlone. Đây là môn đặc thù của nước chủ nhà và sẽ biến mất khỏi SEA Games đến khi nào Myanmar lại đăng cai, có thể 8, 12 hay thậm chí 20 năm nữa. Điều này góp phần lý giải tại sao thể thao Đông Nam Á là vùng trũng của thế giới.

Chuyện bi hài ở "ao làng" SEA Games - 1

Một trận đấu Chinlone - đặc sản ở "ao làng" Sea Games

Malay sia không muốn "gà què ăn quẩn cối xay"

Trong bối cảnh cả Đông Nam Á vẫn quay cuồng vì SEA Games thì Malaysia là một điểm sáng. Sau SEA Games 2001, đặc biệt từ năm 2005 Malaysia quyết định chuyển hướng. Họ không còn thường xuyên nằm trong Top 3 SEA Games, đơn giản vì thể thao nước này có đích ngắm mới là: ASIAD và Olympic.

Sau khi cải tổ thành công bóng đá, Malaysia triển khai một chiến lược mang tên “Con đường đến ASIAD và Olympic”. Ba môn thể thao được Malaysia đặc biệt chú trọng đầu tư là: Cầu lông, Bắn cung, Xe đạp lòng chảo. 

Theo đó, các HLV và VĐV trọng điểm được hưởng rất nhiều ưu đãi về chế độ dinh dưỡng, tập huấn nước ngoài và lương thưởng. Ngoài ra, sự thay đổi trong cách sắp xếp lịch thi đấu các giải VĐQG và dự các Đại hội thể thao quy mô nhỏ của Malaysia cũng giúp các “hạt giống đỏ” của thể thao nước này không phải trân mình ra cày ải ở các “giải cỏ”.

SEA Games 27 này, Malaysia đặt mục tiêu cực kỳ khiêm tốn: 40 HCV và không quan tâm đến thứ hạng chung cuộc. Cùng thời gian này, tất cả các VĐV cầu lông hàng đầu của Malaysia cũng không dự SEA Games để tập trung cho giải cầu lông Super Series Final. 

Quyết tâm đoạn tuyệt với tư duy “gà què ăn quẩn cối xay” của Malaysia là một tấm gương để các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam tham khảo. Sau một thập kỷ thành công vang dội với SEA Games, đã đến lúc Việt Nam cần một kế hoạch phát triển thể thao bài bản, nhà nghề thay vì quanh quẩn trong “ao làng” Đông Nam Á.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Liên Nhi (giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN