Thư SEA Games: Nàng công chúa đã thức giấc

SEA Games 27 đã bắt đầu những guồng quay đầu tiên.

Năm 2002, thành phố này chính thức khởi công xây dựng. Năm 2005, những chiếc xe đầu tiên từ Yangon trực chỉ thành phố, trên đó có những quan chức cao cấp nhất của chính phủ. Ngày 27/3/2006, đoàn quân gồm 12.000 binh sĩ diễu hành trên những đường phố chính để kỷ niệm Ngày Quân đội Myanmar, ngày mà vào năm 1945, đất nước này thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật. Cái tên Nay Pyi Taw chính thức ra đời vào lúc đó, và cũng từ đó, nơi đây chính thức trở thành thủ đô của nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.

Như vậy, lịch sử Nay Pyi Taw chỉ mới bắt đầu. Ngay cả tôi cũng chỉ biết điều này khi tìm hiểu về Myanmar vài tuần trước, chứ trong đầu vẫn đinh ninh thủ đô của Myanmar là Yangon (ngày tôi còn đi học, gọi là Rangoon). Vậy mà chỉ trong thời gian hơn 10 năm đó, Nay Piy Taw đã làm được những điều khiến những ai mới đến thành phố mới này cũng phải trầm trồ thán phục.

Thư SEA Games: Nàng công chúa đã thức giấc - 1

Thủ đô Nay Pyi Taw chuẩn bị cho SEA Games. Ảnh: Dư Hải

Chuyển thủ đô của một nước từ nơi này sang một nơi khác không phải là chuyện đơn giản. Chắc chắn sẽ có nhiều người nói về các bất tiện khi điều đó xảy ra, và tất nhiên sẽ không ít người nêu vấn đề “đầu tiên” ra khi bàn chuyện lợi hay hại. Myanmar không phải là một nước giàu, đặc biệt là vào những ngày đó nước này vẫn còn đang “đóng cửa” trong sự cấm vận ngặt nghèo của các nước phương Tây. Ở hoàn cảnh đó, rất dễ giữ nguyên hiện trạng để “chờ”. Thế nhưng, chính phủ Myanmar đã không cam chịu điều đó. Họ chẳng những quyết tâm chuyển thủ đô hành chính về Nay Pyi Taw, và còn hơn thế nữa, chuẩn bị cho việc tổ chức SEA Games. Song song với việc hoàn chỉnh hạ tầng cho toàn thành phố, khu liên hợp Wunna Theikdi bắt đầu khởi công.

Người Myanmar khao khát được tổ chức một kỳ SEA Games. Bất cứ người nào mà tôi gặp được những ngày qua đều thể hiện suy nghĩ đó, dù lần cuối cùng mà Myanmar tổ chức kỳ đại hội thể thao này là 44 năm trước. Lúc đó, lứa VĐV Myanmar hiện nay chưa ra đời nhưng chắc hẳn, họ cũng đã được các bậc cha chú của họ kể về truyền thống thể thao của vùng đất Phật này.

Lúc đó, Myanmar là một cường quốc thể thao trong khu vực, chỉ kém Thái Lan mà trên cả Malaysia lẫn Indonesia. Riêng về bóng đá, Myanmar vượt hẳn khu vực để vươn đến tầm hàng đầu châu Á. Bóng đá Nhật, Hàn Quốc vẫn còn sơ khai, còn bóng đá vùng Vịnh vẫn chưa ra đời.

Tôi còn nhớ, khi đội tuyển Việt Nam (lúc đó do ông K.H. Weigang dẫn dắt) thắng đội tuyển Myanmar (khi đó ta gọi là Miến Điện) trong trận chung kết Cúp Merdeka năm 1966, người hâm mộ Việt Nam đã gọi đó là chiến thắng thần kỳ, bởi trước đó Myanmar được đánh giá là trên hẳn ta. Có thể sau này, bóng đá Việt Nam sẽ còn có nhiều chiến thắng ở tầm cao hơn, nhưng với người Việt, chiến thắng ở Cúp Merdeka năm 66 vẫn luôn là chiến thắng đáng tự hào nhất. Và có lẽ, với người Myanmar, đó là thất bại đắng cay nhất.

Truyền thống thể thao của người Myanmar là không thể phủ nhận, chỉ có điều là truyền thống ấy đã bị kìm hãm một thời gian quá dài khi đất nước này “đóng cửa” và chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc cấm vận của các nước phương Tây. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Tiến trình cải tổ về mặt chính trị diễn ra với tốc độ cực nhanh đã dẫn đến sự khởi sắc của cả nền kinh tế. Và SEA Games 27 chính là cơ hội có ý nghĩa nhất, thích hợp nhất, đúng thời điểm nhất để Myanmar giới thiệu với thế giới bên ngoài một đất nước đổi mới và đầy tiềm năng.

Trong hai lần tổ chức SEA Games trước đây (1961 và 1969), Myanmar (lúc đó có tên là Burma) đều đứng đầu bảng tổng sắp huy chương sau cùng, do vậy nếu lần này điều đó tái diễn thì cũng chẳng phải là quá bất ngờ. Khi chỉ cần 10 năm để xây dựng một thủ đô mới hoàn chỉnh từ con số không, tôi tin rằng Myanmar hoàn toàn khả năng tổ chức một kỳ SEA Games tạo được ấn tượng sâu đậm với mọi người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Trí (thethaohcm.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN