Chỉ thoáng thấy hy vọng từ Nadal trước Djokovic

Nadal đã chơi trận đấu hay nhất kể từ đầu mùa của riêng anh và hay nhất qua gần chục lần đối đầu gần đây với Djokovic nhưng vẫn thất bại.

Nadal cứu năm match point. Tới match point thứ sáu anh mới chịu khuất phục, sau một cú thuận tay đi ra sau baseline.

Kết quả 6-7(5), 2-6 không phải là quá tồi với một người đã thua chín trong mười trận trước đó khi cả hai chạm trán, và 11 set đấu gần nhất không có lần nào Nadal ăn được tới bốn game.

Chỉ thoáng thấy hy vọng từ Nadal trước Djokovic - 1

Nadal đã chơi đầy nỗ lực...

Ở năm lần cứu match points, Nadal đã dùng cú giao bóng thẳng vào người của Djokovic là chủ yếu để tạo lợi thế. Cũng có một lần Nadal đột ngột đổi hướng vào góc chữ T, và thành công.

Cú giao bóng thẳng người là thứ “vũ khí” từng giúp Nadal chặn đứng chuỗi bảy trận thắng liên tiếp của Djokovic khi họ đối đầu ở chung kết Monte Carlo 2012 với tỉ số 6-3, 6-1.

Với một người giao bóng không có nhiều lực, thiên về xoáy, thì giao bóng thẳng người may ra mới khiến đối thủ bối rối.

Ở trận đấu này, Nadal không chỉ có mỗi cú giao bóng thẳng người. Trong một buổi chiều rực nắng ở sa mạc California, tay vợt người Tây Ban Nha đã gợi nhớ một vài kỹ năng siêu phàm trước kia: Cú thuận tay vừa chạy vừa đánh dọc dây ở game thứ 12, set 1 là không thể trộn lẫn; Cú passing shot (bắn lưới) bằng trái tay cắm thẳng vào chân đối thủ, những cú trái tay có khả năng chuyển từ phòng ngự sang tấn công.

Và không thể không nhắc tới kỹ năng phòng thủ siêu hạng như khi Djokovic đã tràn lưới để smash thì Nadal chuyển bại thành thắng chỉ sau hai pha xử lý mềm mại chính xác.

Nó không đơn thuần chỉ là một lần cho mỗi kỹ năng, vì Nadal đã có cả thảy 12 điểm winners, là người bẻ game của đối thủ trước (ngay game đầu Djokovic cầm giao bóng) cũng đã đưa Djokvic vào tới loạt tiebreak trong set 1, cũng đã có lúc tưởng như sẽ biến trận chung kết Indian Wells thành một trong những trận đấu hay nhất từ đầu mùa.

Nadal rõ ràng đã cho thấy những gì anh làm được trước Nishikori ở tứ kết không phải là ngẫu nhiên. Và nhất là ở giai đoạn cuối mùa 2015, khi anh từng thắng như chẻ tre trước hàng loạt những tay vợt trong Top 10 và chỉ chịu khuất phục trước Djokovic (vâng, chỉ trước mỗi Djokovic) rồi mới đột nhiên sa sút ở đầu mùa 2016 này.

Nadal đã quyết định đổi dây vợt, từ bỏ Babolat RPM để chọn Luxilon được cho là có nhiều lực và nhiều cả xoáy hơn.

Nadal cũng đã “tận hưởng” quãng thời gian ít ỏi trong cả mùa giải không có HLV và là chú ruột Toni Nadal mà chỉ có Francisco Roig trên khán đài. Đó là một lịch huấn luyện đã được duy trì nhiều năm qua và có ngẫu nhiên không khi Indian Wells chính là một trong hai giải Masters sân cứng mà Nadal thành công nhất trước nay (cùng với Rogers Cup) với ba lần vô địch (2007, 2009 và 2013)?

Djokovic ở tầm cao khác với Nadal

Nhưng, Djokovic ngay cả khi không đạt tới trạng thái phong độ cao nhất vẫn cho thấy anh ở một tầm cao hơn so với Nadal trong thời điểm hiện tại.

Thứ nhất, Djokovic hơn hẳn Nadal về khả năng chơi bóng bền, một trong những điểm vô đối của Nadal trước kia. Nếu điểm chỉ là dưới 5 lần chạm vợt, Nadal giành 42 điểm so với 38 của Djokovic, thì ở hai nhóm từ 5 – 9 và trên 9 lần chạm vợt, Djokovic hoặc áp đảo, hoặc ngang 30-15 và 14-14.

Chỉ thoáng thấy hy vọng từ Nadal trước Djokovic - 2

... nhưng Djokovic hiện tại quá mạnh

Rõ ràng, thể lực không còn là thế mạnh của Nadal khi mà anh đang trong giai đoạn cuối của sự nghiệp đỉnh cao (chứ không phải tuổi tác) thì đặc điểm hình thể của Nadal cũng là một bất lợi so với Djokovic: Nadal thấp hơn Djokovic 3cm nhưng lại nặng hơn tới 7kg.

Djokovic vượt trội so với Nadal về khả năng giao bóng và cả trả giao bóng. Cả hai yếu tố này đồng thời khiến Djokovic khá thoải mái khi cầm giao bóng. Có những game đấu kéo dài chỉ khoảng một phút rưỡi trong khi Nadal có duy nhất một lần ăn được game trắng.

Thời gian của các game Nadal cầm giao bóng nhiều lần kéo dài từ 9 – 11 phút. Cụ thể hơn, Djokovic chỉ cần phải chơi 60 điểm khi cầm giao bóng, còn với Nadal, thông số này là 93, hơn gấp rưỡi!

Nó là yếu tố tác động ghê gớm tới tâm lý, thể lực của tay vợt người Tây Ban Nha. Và có thể thấy được khi trận đấu càng trôi về cuối thì sự khác biệt giữa hai tay vợt càng lớn.

Chẳng hạn: tỉ lệ ăn điểm trực tiếp và lỗi tự hỏng trong set 1 của Nadal còn là 10/16, của Djokovic là 10/21, nhưng sau cả trận là 12/26 và 23/29. Tức là cả set 2, Nadal chỉ có hai lần ăn điểm trực tiếp, còn Djokovic có 13 lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN