Trận đấu nổi bật

carlos-vs-grigor
Miami Open presented by Itau
Carlos Alcaraz
0
Grigor Dimitrov
2
daniil-vs-jannik
Miami Open presented by Itau
Daniil Medvedev
-
Jannik Sinner
-

Cầu lông Việt Nam hướng đến SEA Games: Có huy chương là thành công

Nhiều năm liền, cầu lông Việt Nam chỉ đặt mục tiêu ở các kỳ SEA Games là có huy chương. Đằng sau đích đến khiêm tốn đó là nỗ lực không ngừng nghỉ khi đối thủ của chúng ta là những cường quốc cầu lông đẳng cấp... thế giới.

Một Tiến Minh khó làm nên mùa xuân

"Tôi sẽ cố gắng hướng đến mục tiêu giành huy chương đồng ở SEA Games". Phát biểu gây tranh cãi đó của Nguyễn Tiến Minh đến từ nhiều năm trước, khi anh vẫn còn ở phong độ đỉnh cao. Nhưng chỉ có ai biết rõ về mặt bằng trình độ cầu lông Việt Nam với các nước trong khu vực mới hiểu Tiến Minh không hề đặt mục tiêu thấp khi nói như vậy.

Tiến Minh vẫn là trụ cột của cầu lông Việt Nam ở tuổi 39

Tiến Minh vẫn là trụ cột của cầu lông Việt Nam ở tuổi 39

Có thể nói Tiến Minh là một trường hợp rất đặc biệt của cầu lông Việt Nam. Khi những đồng nghiệp còn ái ngại với chuyện xuất ngoại, Tiến Minh đã tự bỏ tiền túi đi chinh chiến hàng loạt giải đấu quốc tế lớn nhỏ. Thành quả anh giành được là tấm huy chương đồng thế giới năm 2013 cùng vị trí số 5 trên bảng xếp hạng những tay vợt nhà nghề.

Nhưng ngay cả khi vươn đến đỉnh cao trong sự nghiệp, Tiến Minh vẫn chỉ chiếm một góc nhỏ trên sa bàn của cầu lông thế giới. Người hâm mộ quốc tế ít nhắc đến hiện tượng Tiến Minh khi bên cạnh anh có không chỉ 1, mà đến 2 huyền thoại sống của cầu lông: Lin Dan và Lee Chong Wei. Việc Lee mang quốc tịch Malaysia đồng nghĩa anh thường xuyên xuất hiện ở SEA Games cùng Tiến Minh.

Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Tiến Minh và Lee Chong Wei đối đầu nhau 12 lần. Tay vợt Việt Nam chỉ thắng được đúng 1 trận. Bản thân Tiến Minh từng nói khi thắng Lee, anh đang đạt phong độ cao nhưng cũng... không hiểu sao mình có thể thắng được. Bởi ở thời kỳ đỉnh cao, Lee là khắc tinh của Tiến Minh với lối đánh tấn công dồn dập.

Nhưng cầu lông Đông Nam Á không chỉ có một mình Lee Chong Wei hay Malaysia vươn đến đỉnh cao của thế giới. Xứ vạn đảo được đánh giá là đối trọng duy nhất của cầu lông quốc tế có thể đối đầu ngang tầm với Trung Quốc. Ở thời kỳ Tiến Minh thi đấu, Indonesia cũng có một huyền thoại sống khác đang thi đấu là Taufik Hidayat.

Điểm khác biệt cơ bản của cầu lông Indonesia, Malaysia với Việt Nam là họ luôn có lớp vận động viên kế cận có trình độ tương đồng với bậc đàn anh. Hidayat giải nghệ, Indonesia trình làng những Jonatan Christie, Anthony Ginting. Lee Chong Wei không còn thi đấu, Malaysia cũng có "Lee đệ nhị" Lee Zii Jia, nhà đương kim vô địch SEA Games nội dung đơn nam. Lee Zii Jia hiện tại cũng là tay vợt nằm trong top 10 thế giới.

Lee Zii Jia và nhiều tay vợt Đông Nam Á sẽ không tranh tài ở SEA Games

Lee Zii Jia và nhiều tay vợt Đông Nam Á sẽ không tranh tài ở SEA Games

Bên cạnh Malaysia và Indonesia, cầu lông Đông Nam Á những năm qua cũng chứng kiến sự lớn mạnh của 2 thế lực mới nổi. Thái Lan cho thấy thành quả của việc đầu tư vào cầu lông khi họ sở hữu tay vợt số 1 thế giới nội dung đơn nữ Ratchanok Intanon. Bên cạnh đó, tài năng trẻ Kunlavut Vitidsarn người Thái Lan cũng vừa vô địch giải Đức Mở rộng. Singapore hiện tại có Loh Kean Yew, nhà đương kim vô địch thế giới.

Trong bối cảnh đó của cầu lông Đông Nam Á, Việt Nam dường như đang tụt lại khá xa so với những quốc gia khác trong khu vực. Một mình Tiến Minh không thể làm nên mùa xuân, và sự thực là anh không thể chơi với phong độ cao nhất khi đã gần 40 tuổi. Việc Tiến Minh tiếp tục tranh tài ở SEA Games 31 mang nhiều ý nghĩa về mặt biểu tượng tinh thần, thay vì cáng đáng thành tích thi đấu như trước.

Thiếu quân xanh cọ xát

Tại giải cầu lông vô địch thế giới 2021, tay vợt Singapore Loh Kean Yew gây bất ngờ bằng hàng loạt chiến thắng như chẻ tre. Anh đánh bại tay vợt số 1 thế giới Viktor Axelsen ngay vòng đầu tiên, rồi sau đó tiến thẳng một mạch vào chung kết và lên ngôi vô địch. Các chuyên gia nhận định sự tiến bộ thần tốc đó của Loh đến từ chuyến tập huấn dài ngày tại Dubai, nơi ngày nào anh cũng đánh tập cùng... Axelsen.

Đức Phát không có nhiều cơ hội cọ xát với những tay vợt quốc tế

Đức Phát không có nhiều cơ hội cọ xát với những tay vợt quốc tế

Trái ngược với câu chuyện của Loh, Tiến Minh rời giải bằng một trận đấu rực lửa ở vòng 1 với tay vợt Đan Mạch Hans-Kristian Vittinghus. 2 vận động viên đã cận tuổi tứ tuần cống hiến một trận đấu mãn nhãn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Sau trận đấu, Tiến Minh giãi bày: "Giá như các tay vợt Việt Nam hàng ngày được tập luyện, cọ xát với khoảng 4-5 bạn như Vittinghus thì chúng tôi sẽ tiến bộ nhanh lắm".

Chuyện thiếu quân xanh tương đương trình độ để cọ xát, nâng cao năng lực của cầu lông Việt Nam không còn lạ với những ai quan tâm đến bộ môn này. Ở hạng mục cầu lông nữ, Thùy Linh và Vũ Thị Trang thường xuyên phải tập cùng những đồng nghiệp nam. Trong khi đó, những VĐV trẻ ở nội dung đơn nam như Hải Đăng, Đức Phát gần như không có người tập cùng.

Là vận động viên (VĐV) cùng đoàn TP Hồ Chí Minh với Tiến Minh, Hải Đăng may mắn được người đàn anh chỉ bảo, dìu dắt từ những trận đấu tập mỗi ngày. Vậy Đức Phát thì sao? Ngoài những lần cọ xát hiếm hoi với huyền thoại sống của cầu lông Việt Nam, Đức Phát thường duy trì phong độ bằng việc đấu tập với... những tay vợt phong trào. Hậu quả là Phát chưa thể khẳng định tên tuổi ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Sự non kém về kinh nghiệm thi đấu quốc tế của Phát được thể hiện khi anh tranh tài tại giải Slovakia Mở rộng và giải cầu lông quốc tế Bồ Đào Nha thời gian qua. Phát giành chiến thắng khá dễ dàng trước những đối thủ đến từ châu Âu, nhưng lại thua khá chóng vánh khi phải đối đầu các VĐV đến từ khu vực Đông Nam Á. Tay vợt Việt Nam không có sự già dơ cần thiết khi tranh tài ở quốc tế dù anh đã 24 tuổi.

Dường như tay vợt đỉnh cao duy nhất Phát có thể đánh bại là Tiến Minh, bởi 2 người đã đối đầu nhiều lần và quá hiểu nhau. Điều đó không còn phát huy tác dụng khi Phát ra nước ngoài thi đấu, nơi luôn có hàng trăm VĐV tranh tài với muôn vàn muôn vẻ phương thức thi đấu. Vì thế, sẽ thiếu công bằng cho Phát nếu anh được giao chỉ tiêu giành huy chương SEA Games, nơi luôn có những VĐV nằm trong top 20 thế giới tranh tài.

Nhiều giải cầu lông phong trào tại Việt Nam có tiền thưởng lớn hơn cầu lông chuyên nghiệp

Nhiều giải cầu lông phong trào tại Việt Nam có tiền thưởng lớn hơn cầu lông chuyên nghiệp

Tích cực và tiêu cực

Cầu lông Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng những tín hiệu tích cực vẫn xuất hiện theo thời gian. Đầu tiên là việc hệ thống giải vô địch quốc gia và các giải bán chuyên vẫn được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, phong trào tập luyện, thi đấu cầu lông ở Việt Nam luôn được duy trì với mức tiền thưởng tăng dần theo từng năm.

Các doanh nghiệp Việt Nam từ lâu nổi tiếng với việc chi tiền thưởng cho cầu lông bán chuyên. Họ bỏ tiền túi tổ chức những giải cầu lông phong trào với tiền thưởng lên đến cả chục ngàn USD cho nhà vô địch. Điều đó phần nào khuyến khích mọi người tập luyện và thi đấu cầu lông, nhưng vô tình khiến con đường chuyên nghiệp của môn thể thao này bị chặn lại.

Xu hướng "nghiệp dư hóa cầu lông" tại Việt Nam là tín hiệu tiêu cực với sự phát triển của môn thể thao này. Tại sao phải cố gắng thi đấu nhà nghề và quốc tế, khi có thể chơi cầu lông trong nước với tiền thưởng cả trăm triệu đồng ở một giải phong trào? Đáp án cho câu hỏi đó khiến không ít vận động viên cầu lông Việt Nam mất tham vọng vươn ra quốc tế như Tiến Minh trước đây.

"Mọi người hay nói tôi kiếm được rất nhiều tiền từ cầu lông, nhưng không ai biết tường tận tôi và gia đình đã chi bao nhiêu tiền để thi đấu chuyên nghiệp. Ở Việt Nam có rất nhiều VĐV sở hữu tố chất tốt hơn tôi, mạnh hơn tôi, nhưng các bạn thiếu sự nhiệt huyết để cháy cùng đam mê". Lời chia sẻ đó của Tiến Minh có từ nhiều năm trước, và đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Cầu lông Việt Nam đã từng bước phát triển và có dấu ấn nhất định. Sau các giải phong trào, giờ là lúc để những VĐV thuộc thế hệ 9x, 10x hướng đến con đường chuyên nghiệp. Với Tiến Minh là biểu tượng xuyên suốt 2 kỳ SEA Games trên sân nhà, cầu lông Việt Nam sẽ phải hướng đến những mục tiêu tiếp theo trong tương lai khi ngày giải nghệ của anh đã đến rất gần.

Cầu lông Việt Nam hưởng lợi từ Thomas Cup và Uber Cup

Theo lịch thi đấu được ban tổ chức công bố, bộ môn cầu lông tại SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 21-5 tại nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang. Điều này vô tình tạo lợi thế không nhỏ cho cầu lông Việt Nam dù giải đấu vẫn chưa chính thức diễn ra, bởi SEA Games 31 diễn ra trùng với thời điểm tổ chức 2 giải cầu lông đồng đội thế giới là Thomas Cup (nam) và Uber Cup (nữ).

Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) xếp lịch thi đấu Thomas Cup và Uber Cup 2022 diễn ra từ ngày mùng 8 đến 15-5. Đông Nam Á có 4 đội tuyển tham dự là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Ngoài đảo quốc sư tử chỉ tranh tài ở nội dung đồng đội nam, 3 quốc gia còn lại đều thi đấu ở cả nội dung nam và nữ. Sở dĩ lịch thi đấu SEA Games bị xếp trùng với Thomas Cup và Uber Cup vì Đại hội thể thao Đông Nam Á không được xếp là giải đấu chính thức của BWF.

Mỗi đoàn tham dự Thomas Cup và Uber Cup thường phải đăng ký 10-12 vận động viên tham dự, bao gồm 4 tay vợt đánh đơn và 3-4 cặp đánh đôi. Điều này đồng nghĩa là những cường quốc cầu lông như Indonesia hay Malaysia, Thái Lan khó có thể cử những vận động viên hàng đầu đến hiện thực hóa cho mục tiêu giành huy chương vàng SEA Games. Nhưng ngay cả khi phải dàn quân để chinh chiến ở đấu trường quốc tế, họ vẫn có mặt bằng chung về trình độ vượt trội so với những tay vợt Việt Nam.

Nguồn: [Link nguồn]

“Ngọc nữ” cầu lông Thái Lan 15 tuổi sẽ tranh HCV SEA Games 31

(Tin thể thao) "Ngọc nữ" cầu lông Thái Lan mới 15 tuổi nhưng sẽ là một trong những niềm hy vọng vàng tại SEA Games 31.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Cầu lông SEA Games 30 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN