Bi hài chuyện đăng ký chỉ tiêu Huy chương Vàng SEA Games

Trước khi "cơn mưa" HCV ở nhiều giải đấu thể thao xuất hiện, Ban huấn luyện các đội tuyển thường đăng ký chỉ tiêu khá khiêm tốn. Những người làm chuyên môn có lý do để thận trọng với việc đặt chỉ tiêu, nhưng từ đó cũng dẫn đến không ít sự cố dở khóc dở cười.

Thay đổi theo thời thế

Tại SEA Games 31, Boxing Việt Nam đã thi đấu bùng nổ trong ngày cuối cùng. Ra sân ở 5 trận chung kết, các võ sĩ của nước chủ nhà xuất sắc giành 3 HCV. Đây cũng là thành tích tốt nhất của Boxing Việt Nam tại các kỳ SEA Games, cân bằng với số HCV từng giành được tại kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015.

HLV Hữu Thắng từng mất việc vì không thể giúp U23 Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu ở SEA Games 2017.

HLV Hữu Thắng từng mất việc vì không thể giúp U23 Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu ở SEA Games 2017.

Sau 1 năm, Boxing Việt Nam đến SEA Games 32 với một tâm thế hoàn toàn khác. Lần này, Ban huấn luyện đội tuyển Boxing Việt Nam khiêm tốn đặt chỉ tiêu 1 HCV. Công chúng có thể thắc mắc về nguyên nhân vì sao chỉ tiêu SEA Games 32 lại ít hơn hẳn 2 HCV so với 1 năm trước, nhưng việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan.

Thứ nhất, thành tích 3 HCV mà Boxing Việt Nam giành được tại SEA Games 31 là thành công ngoài mong đợi. Ngoài Nguyễn Thị Tâm tỏ ra quá vượt trội so với đối thủ trong khu vực, 2 tấm HCV của Vương Thị Vỹ và Trần Thị Linh đều đến từ những trận đấu cân tài cân sức. Nếu không có lợi thế thi đấu trên sân nhà, cơ hội giành HCV của Vỹ và Linh chắc chắn sẽ ít đi đáng kể.

Đến SEA Games 32, chương trình thi đấu môn Boxing có nhiều thay đổi đáng chú ý so với 1 năm trước. Trái với xu hướng bình đẳng giới của Ủy ban Olympic (IOC) đưa ra, Campuchia quyết định tăng số hạng cân thi đấu của nam, đồng thời bớt số nội dung Boxing nữ. Ở góc độ của nước chủ nhà, Campuchia làm vậy vì một lý do khách quan: Họ gần như không có nữ VĐV Boxing đủ khả năng tranh HCV SEA Games. Việc Campuchia cắt giảm số nội dung thi đấu Boxing nữ đã ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu giành huy chương của Việt Nam. Nguyễn Thị Tâm không được thi đấu ở hạng cân sở trường (50-51-52kg nữ), mà phải đôn cân lên 54kg để tranh tài. Vương Thị Vỹ, Trần Thị Linh "đứng ngoài cuộc chơi" vì không có hạng cân thi đấu ở SEA Games.

Ở chiều ngược lại, việc Campuchia tăng số nội dung thi đấu Boxing nam lại không giúp Việt Nam có thêm khả năng tranh HCV. 1 năm trước, ngay cả khi có lợi thế thi đấu trên sân nhà, Boxing nam Việt Nam cũng chỉ giành được 1 HCB, 2 HCĐ ở 7 nội dung thi đấu. Những võ sĩ đại diện cho Boxing nam Việt Nam đấu SEA Games gần như không có đối thủ trong nước, nhưng chưa đủ khả năng vươn tầm khu vực. Hạng mục Boxing nam tại SEA Games vẫn là nơi các tay đấm Thái Lan và Philippines thay nhau thống trị. Indonesia có một số gương mặt mới nổi đáng chú ý, còn nước chủ nhà Campuchia hứa hẹn trở thành ẩn số lớn nhờ nhập tịch một số võ sĩ gốc Trung Á. Đó là lý do Boxing Việt Nam chỉ khiêm tốn đăng ký chỉ tiêu 1 HCV, với kỳ vọng đặt lên vai Nguyễn Thị Tâm.

Nhìn rộng ra nhiều môn thể thao khác tại SEA Games 32, các đội tuyển quốc gia của Việt Nam cũng hạ chỉ tiêu so với thành tích 1 năm trước như Pencak Silat, Cử tạ, Bơi... Phía đội tuyển Silat cho biết họ hạ chỉ tiêu do VĐV cần làm quen với luật thi đấu mới, còn đội tuyển Cử tạ phải chia đôi đội tuyển tham dự vòng loại Olympic Paris. Đội tuyển Bơi phấn đấu giữ vị trí thứ 2 sau Singapore.

Hệ lụy của chỉ tiêu

Nhìn chung, khi đặt chỉ tiêu trước mỗi giải đấu, Ban huấn luyện các đội thể thao thường xét đến mọi trường hợp xấu có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, họ sẽ đăng ký chỉ tiêu tương đối thấp, nhưng không thấp đến mức thiếu hợp lý. Việc này giúp cho các đoàn giảm bớt áp lực trước khi bước vào mỗi giải, đồng thời tránh tình trạng không đạt được chỉ tiêu đã đăng ký.

Trong câu chuyện của môn bóng đá, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim, các đội tuyển bóng đá nam và nữ thường đặt chỉ tiêu lọt vào chung kết. Đây là một đích ngắm an toàn, bởi không ai có thể nói trước liệu mình có thể vô địch hay không. Ngược lại, nếu không đạt được chỉ tiêu, huấn luyện viên đội tuyển sẽ đứng trước cơ hội mất việc bất cứ lúc nào.

Tại kỳ SEA Games 2017, U23 Việt Nam tham dự giải đấu với nòng cốt là những cầu thủ thuộc lứa 1 HAGL - Arsenal JMG như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh. Với mục tiêu đề ra là lọt vào trận chung kết, nhưng đội bóng của HLV Hữu Thắng lại bất ngờ bị loại ngay từ vòng bảng. Không lâu sau khi SEA Games khép lại, HLV Hữu Thắng cũng từ chức. Đó là cái giá khi HLV không đạt chỉ tiêu đề ra.

Câu chuyện chỉ tiêu, thành tích huy chương cũng căng thẳng không kém ở những môn đấu đối kháng cấp độ quốc gia, đặc biệt trong những môn có nhiều bộ huy chương được trao. Giả sử, đơn vị A đăng ký chỉ tiêu giành 1 HCV tại giải đấu sắp tham dự. Nếu không có 2-3 VĐV lọt vào trận chung kết, HLV đội hẳn như ngồi trên đống lửa vì có nguy cơ không đạt chỉ tiêu đặt ra.

Mối nguy mất việc hiếm khi xảy đến với những HLV địa phương nếu không dạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, ngân sách bộ môn có thể bị thu hẹp lại. Trong bối cảnh môn thi đấu đó không có thành tích như kỳ vọng, thậm chí không có thành tích gì tại giải đấu lớn, địa phương hoàn toàn có thể xóa sổ bộ môn với lý do đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả.

Theo bạn đoàn thể thao Việt Nam sẽ giành thứ hạng ra sao ở SEA Games 32?

Nguồn: [Link nguồn]

Đối thủ của U22 Việt Nam tại SEA Games 32 'nhập tịch' 3 sao trẻ

U22 Lào đang có sự chuẩn bị rất tích cực cho SEA Games 32. Nằm ở bảng đấu tử thần với bốn đội bóng mạnh vượt trội nhưng đội bóng này cũng khá tự tin, nhất là khi họ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Khánh ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN