Andy Murray: Số 1 nước Anh, số 3 thế giới

Murray có một năm lịch sử, nhưng chỉ là cho riêng anh, và cho người Anh.

“Cậu không phải lo lắng. Lịch sử Grand Slam chưa từng có tay vợt nào tiếp tục chiến thắng ở trận chung kết tiếp theo ngay sau khi giành được chức vô địch đầu tiên trong sự nghiệp cả. Lịch sử Grand Slam cũng chưa từng có ai vô địch giải đấu này ba lần liên tiếp. Thế nên, hoặc là cậu, hoặc là cậu ta, một trong hai người sẽ đi vào lịch sử”. HLV Ivan Lendl đã lên giây cót cho Andy Murray như thế trong buổi tối trước trận chung kết Australian Open 2013.

Murray hôm đó bước vào trận chung kết với vị thế của người vừa giành chức vô địch US Open 2012, danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp của anh.

Đối thủ là Djokovic, người đã đăng quang ở Melbourne hai năm trước, 2011 và 2012.

Kết quả, Murray không gặp vấn đề về tâm lý, đã thắng set đầu tiên, có cơ hội thắng tiếp ở set thứ hai, nhưng lại gặp khó khăn về thể lực đã thua trong ba set sau. Trước trận chung kết, Murray vất vả vượt qua Federer ở bán kết sau năm set kịch chiến.

Nhưng Murray lại có cơ hội để viết nên một chương lịch sử khác cho người Anh, và cho chính bản thân anh ở Wimbledon.

Andy Murray: Số 1 nước Anh, số 3 thế giới - 1

Chức vô địch lịch sử của Murray tại Wimbledon 2013

Lần này, Ivan Lendl đã không nói về tâm lý nữa. Ông ra quyết định cho Murray, đó có thể là một quyết định mà về sau ai cũng thấy hợp lý, nhưng không hẳn ai cũng có thể làm được khi ở trong tình huống tương tự: Bỏ qua Roland Garros – một trong bốn Grand Slam để tập trung cho Wimbledon.

Lý do của Murray gửi tới Paris là chấn thương, nhưng đó chỉ là một phần. Quỹ thời gian hồi phục và chuẩn bị nhiều hơn tất cả các đối thủ chính yếu khác đã giúp Murray chiếm thế tiện lợi ở giải đấu mà 77 năm qua chưa có người Anh nào chinh phục nổi tính từ thời của Fred Perry.

Người đứng bên kia lưới của Murray một lần nữa là Djokovic, là ứng viên số 1 của giải đấu, và lần này chẳng chịu bất cứ sức ép hay kỳ vọng kỷ lục nào.

Nhưng Djokovic thất thế hơn về thể lực, do đã vắt sức ở Roland Garros trước đó hai tuần, và lại phải chơi trận bán kết năm set với Del Potro (mà người thua hôm ấy cũng xứng đáng thắng).

Còn Murray khoẻ khoắn hơn, để biến những kỳ vọng và áp lực thành động lực. Điểm số cuối cùng của trận chung kết chỉ kéo dài ba set ấy không dễ xem đối với những người yếu tim. Murray cầm giao bóng, ăn ba điểm đầu dễ dàng để có ba điểm vô địch, nhưng Djokovic gỡ hoà và sau đấy có ba điểm break points để Murray phải nỗ lực tột cùng để cứu, và sau đó gọi đây là set đấu khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh.

Câu chuyện thể lực một lần nữa lại sắm vai trò cực kỳ quan trọng trong chuyện thành bại, của Djokovic và đặc biệt là của Murray.

Bốn năm xây một nền tảng

Tờ Daily Mail đã đăng tải bức hình người ta đập một quả trứng gà ra sân tennis, quả trứng như ở trên chảo dưới vặn lửa liu riu: dần chín đến độ người ta có thể phục vụ bữa sáng với bánh mì. Trong khi ấy, Murray cởi trần tập luyện.

Murray rèn luyện để đương đầu với cái nóng ghi được ở sân Rod Laver có lúc lên tới 40 độ C và ở sân ngoài trời lúc cao nhất là 57 độ C, nhiệt độ có thể làm chín trứng.

Và sự khổ luyện đó không chỉ dành cho Australian Open, mà là trên con đường đưa Murray tiếp cận với đòi hỏi thể lực của một tay vợt hàng đầu như Nadal đã đạt được từ rất lâu rồi và Djokovic là năm 2011.

Andy Murray: Số 1 nước Anh, số 3 thế giới - 2

Murray tập luyện dưới cái nóng khủng khiếp

Cũng không phải đến gần đây Murray mới tập khủng khiếp như thế. Anh nhận ra vai trò tối quan trọng của thể lực trong tennis hiện đại và chú tâm vào việc nâng cao thể lực từ năm 2010, nhưng phải tới năm 2012-2013 mới bắt đầu gặt hái được kết quả và phần nào đó được Ivan Lendl đẩy lên mức cao hơn cùng với những niềm tin được gây dựng.

Bước vào năm 2013 lịch sử, Murray tăng thêm 3 pounds (khoảng 1,35kg) cơ bắp. Đó là sự cần thiết để Murray tăng thêm sức mạnh. Nhưng Murray lại đối diện với thách thức anh có thể chậm hơn trước. Murray giải quyết thách thức ấy bằng một công thức đơn giản: tăng cường độ trong các bài tập tốc độ đoạn ngắn. Kết quả là Murray có thể tăng tốc cực nhanh, chạy 10m đầu chỉ mất 1 giây, tốc độ đủ để anh có thể cứu những quả bỏ nhỏ đột ngột. 

Và kết quả đáng kể hơn nữa phải được thể hiện trên sân: Murray chơi khá thoải mái khi đương đầu với Djokovic, nhất là khi cả hai đôi công từ phía cuối sân.  Các cú đánh đổi hướng tuần tự hoặc đột ngột của Djokovic không còn là vũ khí mà Murray hoảng sợ nữa.

Có sức nhanh và có cả sức mạnh, các cú đánh trả của Murray đủ nặng, đủ sâu để chuyển thoát khỏi thế trận phòng ngự.

Sự cải thiện ấy là rõ rệt hơn so với sự cải thiện của kỹ thuật thuận tay của anh. Murray 2013 nhiều khi tăng tốc và tăng lực của cú thuận tay, sẵn sàng đè bóng để dứt điểm, nhưng Murray vẫn thích chơi thứ tennis phần trăm hơn, không quá mạo hiểm.

Điều này giải thích tại sao Murray (chưa gặp Nadal trong khoảng một năm qua), lại có thể thắng Federer (người anh thường thua ở Grand Slam trước đây, và không chỉ vì Federer trở nên già cỗi), và hoàn toàn buộc Djokovic phải e ngại khi gặp anh.

Nếu như Nadal đối đầu với Djokovic trong suốt hai năm qua vẫn chỉ là đi trả những món nợ anh đã vay từ năm 2011 (đến giờ vẫn vừa vay vừa trả), còn Federer thực sự không còn cửa thắng Djokovic khi cả hai chơi sòng phẳng, thì Murray đã chiến thắng trong hai trận chung kết quan trọng có thể nói quan trọng và danh giá nhất ở US Open và Wimbledon, và chỉ thua trận bán kết và chung kết Australian Open trong hai năm qua.

Andy Murray: Số 1 nước Anh, số 3 thế giới - 3

Murray lột xác cùng HLV Ivan Lendl

Chấn thương và giới hạn

Murray từng nói, để xây dựng được một nền tảng thể lực đủ vô địch Grand Slam, nơi mà các tay vợt có thể phải chơi các trận đấu năm set với tính đối kháng cực cao, phải mất khoảng bốn năm.

Murray chỉ mất ba năm đã vươn tới đỉnh cao, gặt hái được quả ngọt của quá trình nâng cao thể lực. Nhưng mặt trái của nó là chấn thương.

Đằng sau việc vào đến chung kết của bốn Grand Slam trong bốn giải gần nhất anh tham dự (và vô địch Olympic), và vô địch hai trong số đó, Murray đã phải vắng mặt ở nhiều giải đấu quan trọng.

Nếu sự vắng mặt ở Roland Garros là chủ đích thì việc không tới New York để bảo vệ thành tích ở US Open hoàn toàn nằm ngoài ý muốn. Chấn thương lưng đã khiến Murray kết thúc mùa giải 2013 ngay từ cuối tháng Tám.

Andy Murray: Số 1 nước Anh, số 3 thế giới - 4

Murray bỏ lỡ nhiều giải đấu vì chấn thương

Đó là con đường mà Nadal cũng đã phải trải qua, là cái giá đắt để đổi lấy những thành công (xứng đáng) từ việc đi tiên phong trong việc nâng cao vai trò thể lực lên tầm mức cao nhất xưa nay trong tennis.

Murray có lẽ sẽ không từ bỏ phương pháp đó, một khi anh vẫn còn tin vào triết lý của Ivan Lendl. Đó là lý do để chờ đợi Murray có thể nâng cao giới hạn của bản thân khi trở lại.

Murray cũng có thể tiếp tục chinh phục những Grand Slam nữa,  bởi Murray đạt được những thành công trong hai năm qua, và viết nên một chương huy hoàng cho lịch sử tennis Anh quốc trong khi anh vẫn chưa thực sự hoàn thiện.

Nhưng Murray sẽ chưa thể giành ngôi số 1 thế giới trong thời gian sớm nhất. Không chỉ vì anh tuyên bố chưa màng tới nó, mà cốt yếu anh chưa đủ ổn định (cả về phong độ và thể lực) để có thể căng sức cả ở hệ thống Masters 1000 mà vẫn thăng hoa ở Grand Slam như cả Nadal và Djokovic (và trước đây là Federer).  

Số 1 của nước Anh. Và số ba thế giới đang và sẽ là vừa vặn cho Murray!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN