Từng là ngành vua bất khả xâm phạm, tại sao nhân sự ngành này đang bị sa thải hàng loạt?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Những bộ óc thiên tài mắc sai lầm và giờ đây người lao động đang phải trả giá.

Trong những tháng đầu của đại dịch, Facebook ngày càng lớn mạnh hơn và trở thành trung tâm cuộc sống của nhiều người. Khi các cuộc phong toả dày đặc, vô số người đã bắt đầu mua sắm, giao lưu và làm việc trên Facebook cùng các nền tảng trực tuyến khác. Trong bối cảnh đó, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã có những đợt tuyển dụng mạnh tay. Số nhân viên tăng gần gấp đôi, từ 48.268 vào tháng 3 năm 2020 lên hơn 87.000 vào tháng 9 năm 2022.

Tuy nhiên, vào hôm thứ Tư tuần này, Zuckerberg đã đảo ngược quy trình và sa thải hơn 11.000 nhân viên, đánh dấu sự cắt giảm đáng kể nhất trong lịch sử của công ty. Trong một văn bản gửi cho nhân viên, Zuckerberg đã thừa nhận: “Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm về điều đó.”

Zuckerberg viết: “Khi bắt đầu Covid, thế giới nhanh chóng chuyển sang trực tuyến và sự bùng nổ của thương mại điện tử dẫn đến tăng trưởng doanh thu vượt trội. Nhiều người đã dự đoán đây sẽ là một sự gia tốc vĩnh viễn, tiếp tục ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng vậy…Thật không may, điều này đã không diễn ra theo cách mà tôi mong đợi.”

Ông chủ Facebook thừa nhận đã mắc sai lầm

Ông chủ Facebook thừa nhận đã mắc sai lầm

Thung lũng Silicon hoạt động dựa trên những huyền thoại, góp phần dẫn đến ý tưởng về người sáng lập những doanh nghiệp tỷ USD là người có tầm nhìn xa, có thể nhìn thấy các xu hướng quan trọng trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên năm 2022 đã chứng minh ngay cả các bộ óc lớn của thế giới vẫn có thể sai sót.

Ngành công nghệ, dường như là bất khả chiến bại vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, khi thế giới mở cửa trở lại, nhiều người tiêu dùng đã quay trở lại cuộc sống thực của họ. Trong khi đó, lạm phát cao và lo ngại về suy thoái đã dẫn đến cắt giảm chi tiêu và quảng cáo, phá vỡ hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhiều tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ

Tháng trước, công ty thể dục tại nhà Peleton – doanh nghiệp vốn được các nhà đầu tư săn đón trong đại dịch - đã trải qua đợt sa thải thứ 4 trong năm nay. Tuần trước, gã khổng lồ xử lý thanh toán Stripe cho biết họ sẽ loại bỏ 14% nhân viên. Và Twitter gần đây đã thông báo về việc cắt giảm việc làm trên diện rộng sau khi công ty về tay tỷ phú Elon Musk.

Trong khi Elon Musk gần như im lặng về việc sa thải hàng loạt thì Jack Dorsey, nhà đồng sáng lập Twitter đã viết: “Tôi đã phát triển quy mô công ty quá nhanh. Tôi xin lỗi vì điều đó”. Patrick Collison, Giám đốc điều hành của Stripe, một trong những công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới, cũng nói với nhân viên rằng lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm về những tính toán sai lầm trong thời đại dịch khiến mọi người mất kế sinh nhai.

Các công ty công nghệ lớn khác, bao gồm Amazon, Apple và Google, hiện đang đóng băng hoặc tuyển dụng chậm lại trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế sau làn sóng mở rộng.

Mặc dù vẫn có những đợt sa thải ở Thung lũng Silicon trong những năm qua, nhưng làn sóng cắt giảm mới nhất dường như đang tấn công mọi ngóc ngách của ngành, bao gồm cả các kỹ sư và lập trình viên, vốn thường được coi là “bất khả xâm phạm”.  Mark Zuckerberg cho biết việc sa thải tại Meta sẽ lan rộng khắp công ty, bao gồm cả bộ phận phát triển ứng dụng và cả phòng thí nghiệm thực tế ảo đang nhận nhiệm vụ xây dựng metaverse. 

Với sự lãnh đạo của Elon Musk, Twitter đã cắt giảm một nửa số nhân viên của mình, bao gồm cả đội ngũ AI, vốn được xem là nhóm tiên phong của các công ty công nghệ lớn.

Ngay cả các kỹ sư công nghệ tưởng như “bất khả xâm phạm” ở thung lũng Silicon cũng bị sa thải

Ngay cả các kỹ sư công nghệ tưởng như “bất khả xâm phạm” ở thung lũng Silicon cũng bị sa thải

Theo nhà sáng lập website Layoffs.fyi, Roger Lee, hiện nay số nhân sự ngành công nghệ bị sa thải ở Mỹ đã lên tới 100.000 người. Ông Lee cho biết đến nay, bộ phận nhân sự và kinh doanh là bị sa thải nhiều nhất. Các kỹ sư công nghệ an toàn hơn nhưng họ cũng đang bị cắt giảm lương.

Mặc dù một số công ty có khả năng chống chọi tốt hơn nhưng trong bối cảnh hiện nay, gần như không công ty công nghệ nào không bị ảnh hưởng.

Nikolai Roussanov, giáo sư tài chính tại Trường Wharton, Đại học Pennsylvania, cho biết

 “Ngành công nghệ đang bị giáng đòn mạnh cũng chính bởi vì trước đây nó được coi là miễn nhiễm với những biến động trong nền kinh tế thực, nhưng cuối cùng thì không ai là miễn nhiễm cả.  Nhận thức về điều đó đã khiến cho những mức định giá cao ngất trời của các công ty này giảm nhanh chóng”.

Theo VanityFair, các kỹ sư công nghệ đã bớt chủ quan và cẩn trọng hơn trước rất nhiều. Những phúc lợi nổi tiếng tại thung lũng Silicon như miễn phí đồ ăn, miễn phí xe đi lại hay được nhận cổ phần công ty không còn hấp dẫn như trước. Thậm chí họ cũng dè chừng đầu quân cho các startup kỳ lân, nơi có môi trường làm việc “sành điệu” nhưng cũng mạnh tay đốt tiền và có thể “vỡ bong bóng” bất kỳ lúc nào. Thay vào đó, họ có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, đủ sức chống chọi trước tình hình hiện nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Rộ trào lưu ''phơi'' sổ đỏ vỉa hè để quay TikTok bán đất

Những ngày gần đây, làn sóng bày bán sổ đỏ ra vỉa hè ngày càng lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội. Môi giới địa ốc chia sẻ nhiều chiêu thức câu khách mua bán đất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hạnh (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN