Phá sản sẽ là kết cục của nhiều doanh nghiệp nếu dịch Covid-19 kéo dài

Dịch bệnh Covid-19 đang tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu dịch bệnh kéo dài, "cái kết" của nhiều doanh nghiệp e rằng sẽ là phá sản.

Trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vào đầu tháng 3 với 1.200 DN tham gia (trong đó 75% là DN vừa và nhỏ), nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ DN có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%; doanh thu giảm từ 20 - 50% chiếm gần 29%; chỉ có 1,8% số DN được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh. Những DN có doanh thu tăng chủ yếu là những DN sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước. 

Cũng theo kết quả khảo sát nhanh, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số DN trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác. 

Những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh là du lịch, giáo dục và những DN có sử dụng nhiều lao động, đồng thời có nguồn nguyên liệu hay thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khá lớn. 

Dịch bệnh Covid-19 đang thực sự là một cú sốc với ngành du lịch Việt Nam ngay những ngày đầu năm 2020. Dịch bệnh cũng khiến du khách lo sợ không dám đi tour trong nước và nước ngoài khiến ngành du lịch thất thu và các Công ty du lịch bị thua lỗ lớn trước nguy cơ bị hãng hàng không phạt cọc. Như vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều công ty du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... có thể đứng trước nguy cơ phá sản.

Phá sản sẽ là kết cục của nhiều doanh nghiệp nếu dịch Covid-19 kéo dài. (Ảnh minh họa)

Phá sản sẽ là kết cục của nhiều doanh nghiệp nếu dịch Covid-19 kéo dài. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam đứng trước nguy cơ một năm sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc.

Một ngành khác cũng đang lao đao đó chính là dệt may. Hiện một số nhà nhập khẩu EU và Mỹ tạm ngừng nhận đơn hàng từ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Như vậy, các DN sẽ gặp nhiều khó khăn do vừa rồi nguyên liệu đã thiếu khi dịch Covid-19 bùng phát vì chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, khoảng 60 - 70%. Nguồn nguyên liệu vừa được cải thiện thì lại gặp vấn đề này, sẽ càng khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN dệt may.

Còn với lĩnh vực giáo dục, theo kiến nghị thư của tập thể giáo dục ngoài công lập ngày 3/3/2020: “Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50% và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công sẽ mất việc. Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì sẽ có hàng nghìn giáo viên mất việc, hàng nghìn tỷ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. 

Không chỉ tác động tới doanh nghiệp, dịch bệnh Covid-19 kéo dài còn khiến các hộ kinh doanh lao đao. Đơn cử như tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội cho biết, 2 tháng đầu năm có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giả thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22% đến 37,8%.  Do tác động của Covid-19 và chính sách hạn chế đồ uống có cồn, Hà Nội có hơn 3.400 đơn vị, hộ kinh doanh giải thể, tạm nghỉ kinh kinh doanh.

Hà Nội hiện quản lý gần 184.400 hộ kinh doanh, trong tháng 1/2020 có hơn 13.800 hộ phát sinh hóa đơn, nhưng tháng 2/2020 chỉ còn gần 4.300 hộ phát sinh hóa đơn. Số hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn suy giảm 68% so với tháng trước.

Trước những khó khăn vô cùng to lớn mà các DN tại Việt Nam đang phải đối mặt do dịch Covid-19 gây ra, các DN cũng đồng thời đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ. 

Các giải pháp trước mắt mà các DN đề xuất nhiều nhất và mong Chính phủ ưu tiên tập trung hỗ trợ đó là: Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để DN được giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế khác và cho phép miễn tiền nộp chậm thuế; đồng thời cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh (đề xuất này chiếm 42,9% số ý kiến DN trả lời); hỗ trợ vốn vay ưu đãi với DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch (chiếm 41,2% ý kiến); giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay (29,2%). Bên cạnh đó các DN cũng đề cập đến các giải pháp khác như Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, cung cấp thông tin minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và DN, giảm giá điện nước...

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 23/3: Biến động bất ngờ khi Covid-19 tiếp tục gây hoang mang

Sáng đầu tuần, giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục sụt giảm nhưng giới chuyên gia vẫn kỳ vọng vàng sẽ đi lên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Vy ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN