Nóng tuần qua: Chứng khoán liên tục lao dốc, người người nhà nhà vẫn đầu tư chứng khoán

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chỉ riêng tháng 5, số tài khoản mở mới gần bằng cả năm 2021.

Chứng khoán lao dốc thảm, bao nhiêu dân số Việt Nam đang đầu tư chứng khoán?

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam VSD, tính đến cuối tháng 5, thị trường ghi nhận 5.653.695 tài khoản giao dịch trong nước. Trong tháng 1, nhà đầu tư cá nhân mở mới 476.322 tài khoản, nâng số lượng tài khoản giao dịch của nhóm này lên 5.163.570 đơn vị. Nhà đầu tư tổ chức mở mới 123 tài khoản, nâng tổng số 13.793 đơn vị.

Trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần bằng lượng mở mới cả năm 2021 với 1,53 triệu tài khoản.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt

Một nhà đầu tư cá nhân có thể đăng ký nhiều tài khoản chứng khoán tại các công ty cung ứng dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, nếu coi mỗi tài khoản ứng với một cá nhân, tổng số lượng tài khoản hiện nay chiếm khoảng 5,7% dân số.

Như vậy, mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đến 2025 của Chính phủ đã được hoàn thành sớm 3 năm. Mốc tiếp theo của chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là 8%.

Hà Nội siết chặt quản lý, sử dụng nhà ở xã hội

Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội. Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP đã hoàn thành 23 dự án nhà ở xã hội, tương đương hơn 1,2 triệu m2 sàn với 12.659 căn hộ. Mới đây nhất quý I/2022, toàn TP đã hoàn thành 130.220 m2 sàn với 1.170 căn.

Với con số này rất nhiều người thu nhập thấp tại Thủ đô đã có nhà ở, song thực tế nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu. Chính vì thế, chính sách an sinh này đã bị một số đối tượng lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để trục lợi.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 5488/QĐ-UBND về chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025".

Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tuân thủ việc mua bán, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật; trường hợp phát hiện đối tượng mua bán, sử dụng nhà ở xã hội không đúng quy định, xử lý vi phạm theo quy định hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND cấp huyện để xử lý vi phạm nếu vượt thẩm quyền.

Chung cư hết niên hạn sẽ xử lý thế nào?

Theo khoản 2 Điều 99 Luật Nhà ở năm 2014, khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư này để xử lý theo quy định:

Trường hợp thứ nhất, nhà chung cư còn bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trong kết luận kiểm định.

Trừ các trường hợp: Nhà chung cư chưa thuộc diện bị phá dỡ nhưng nằm trong khu vực phải thực hiện cải tạo, xây dựng đồng bộ với khu nhà ở thuộc diện bị phá dỡ theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt; hoặc nhà chung cư không thuộc diện bị phá dỡ, chưa thuộc diện bị phá dỡ nhưng được tất cả các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư.

Trường hợp thứ hai, nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải ban hành kết luận kiểm định chất lượng và báo cáo UBND cấp tỉnh để thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu nhà ở.

Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng công trình khác theo quy định.

Người dân có nhà chung cư bị phá dỡ thì được bố trí nhà ở tái định cư. Đối với quyền sử dụng đất có nhà chung cư thì các chủ sở hữu chung cư được tiếp tục thực hiện quyền sử dụng đất nếu phá dỡ chung cư để xây dựng lại.

Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém

Sáng 9/6, giải trình thêm về các vấn đề đại biểu nêu ra trong phiên chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Đối với việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng cho biết, đến nay, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Với tín dụng bất động sản, Phó Thủ tướng cho rằng, đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Khái cũng lưu ý cần phải kiểm tra lại việc cho vay trong thời gian vừa qua có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy định hay không.

"Nếu làm chưa đúng thì phải điều chỉnh lại cho đúng. Nếu làm đúng rồi thì tiếp tục thực hiện, chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực này. Do đó, đối với những dự án, chương trình có hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cung cấp vốn để đảm bảo hoạt động, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế”, ông Lê Minh Khái nói.

Người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà trong trường hợp nào?

Theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ, có hai đối tượng được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà gồm: NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp và NLĐ trở lại làm việc.

Phạm vi áp dụng hỗ trợ tiền thuê nhà là NLĐ làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất; khu kinh tế trọng điểm được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có TP.HCM).

Để được hỗ trợ tiền thuê nhà, NLĐ trong các doanh nghiệp này phải đáp ứng một số điều kiện nhất định:

- Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1-2-2022 đến ngày 30-6-2022.

- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1-4-2022.

- Đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Trường hợp NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 115/2015 thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với NLĐ đang làm trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng và được chi trả hằng tháng.

Đối với NLĐ trở lại làm việc thì mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng và được chi trả hằng tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam từng thuần nông, nay giàu ngoạn mục ai cũng choáng

Tỉnh này có kinh tế phát triển nhanh ngoạn mục và ngày càng giàu có.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuyến Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN