Giới trẻ Trung Quốc bỏ việc văn phòng đi bán hàng rong

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Làm việc đến kiệt sức tại các công sở, nhiều người trẻ Trung Quốc đã quyết định nghỉ việc, đầu tư số tiền mình tích luỹ để đi bán hàng rong.

Vào các buổi tối cuối tuần, chị Nabi tỉ mỉ trưng bày những món đồ thủ công mình tự làm tại một khu chợ ở thành phố Tây An. Sau đó, chị chờ đợi các nhân viên văn phòng trẻ tuổi tan làm ghé thăm quầy hàng của mình,.

Nabi, 27 tuổi, cũng từng là một nhân viên văn phòng giống họ. Từng là một kỹ sư kiểm thử phần mềm, chị dành hàng giờ mỗi ngày để sữa lỗi phần mềm và tham gia các cuộc họp. Tuy nhiên, Nabi đã nghỉ việc vào tháng 5 vừa rồi để trở thành một người bán hàng rong.

“Giờ đây, tôi có thể làm việc ít hơn khi không có tâm trạng và bắt đầu công việc kinh doanh lúc nửa đêm khi cảm hứng thiết kế mới xuất hiện”, Nabi chia sẻ với tờ Sixth Tone. “Trong bốn tháng qua, tôi đã kết bạn với một số người cùng chí hướng và trao đổi ý tưởng, từ các vị trí bán hàng đắc địa, chi phí đầu vào cho đến quan điểm về cuộc sống và tương lai.”

Được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi là “mạch máu của Trung Quốc”, những người bán hàng rong và bán hàng chợ đêm đang dần trở lại sau nhiều năm bị hạn chế và bị coi là một công việc địa vị thấp kém. Sự chuyển hướng đối với công việc kinh doanh quy mô nhỏ nảy nở trong những người trẻ Trung Quốc phần nào vỡ mộng về cuộc sống thành thị. Họ mong muốn thoát khỏi văn hóa làm việc áp bức và thử nghiệm triết lý carpe diem-tận hưởng từng ngày.

Ở các thành phố như Thượng Hải, cảnh những người trẻ tuổi bán cà phê, phụ kiện và tranh vẽ dọc theo những con đường rợp bóng cây và những quán bar di động dựng trong thùng xe dọc theo các khu phố thời thượng xuất hiện ngày một dày đặc, đặc biệt là sau khi thành phố chấm dứt phong toả vì COVID-19 vào tháng 6. Hôm thứ Năm tuần trước, Thượng Hải đã bãi bỏ lệnh cấm toàn diện đối với những người bán hàng ven đường sau 20 năm và cho phép họ hoạt động trong các khu vực được chỉ định. Trong khi đó, tại nhiều thành phố khác, như Nam Kinh đã áp dụng một loạt các biện pháp từ cấp giấy phép chính thức cho đến khuyến khích kinh doanh.

Những người bán hàng rong hiện cũng đang phủ sóng trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người đang giới thiệu doanh nghiệp của họ trực tuyến, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và động lực kinh doanh của mình. Một hashtag liên quan đã thu hút được gần 40 tỷ lượt xem trên nền tảng video ngắn Douyin, TikTok của Trung Quốc. Trên Tiểu hồng thư, một nền tảng tương tự Instagram, có hơn 1,5 triệu bài đăng của những người bán hàng rong chia sẻ mọi thứ, từ công thức nấu ăn đến kế hoạch kinh doanh cũng như nỗ lực truyền cảm hứng của họ cho những người khác.

“Đó là một cộng đồng thân thiết, điều mà tôi chưa từng có trong những công việc trước đây của mình,” Nabi nói.

Trong khi những người như Nabi đã trở thành người bán hàng rong để thoát khỏi những công việc văn phòng ảm đạm, nhiều người khác cho biết họ đã nhảy vào cuộc đua bán hàng rong trong bối cảnh lo lắng về tài chính cá nhân ngày càng gia tăng. Các hạn chế COVID-19 của chính phủ Trung Quốc góp phần khiến tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị tăng cao.

Anh Yang Wen đến từ tỉnh Quý Châu cũng nằm trong số những người đó, Đại dịch đã khiến người đàn ông 28 tuổi này mất đi nhà hàng lẩu và một quán bar, và giờ anh ra đường để bán đồ tráng miệng ngay tại cốp xe của mình. Đây là nguồn thu nhập chính của anh và cũng là phương tiện để trả khoản nợ anh phải gánh khi thị trường nhà đất xuống giá.

Giới trẻ Trung Quốc bỏ việc văn phòng đi bán hàng rong - 1

Anh Yang Wen và quầy đồ ngọt sau cốp xe của mình. Biển quảng cáo là dòng chữ “Cuộc đời nhiều cay đắng rồi nên bạn cần thứ gì đó ngọt ngào.” Nguồn: Sixth Tone.

“Gia đình và người thân của tôi không bao giờ hiểu được quyết định của tôi, họ không nhận ra rằng tôi không thể thoát khỏi khó khăn nếu chỉ đi làm công với mức lương ít ỏi.”

Những định kiến và cả sự coi thường đối với người bán hàng rong đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc do tính pháp lý không rõ ràng và bản chất không ổn định của nghề này. Nhưng các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là hiện nay, các quan chức và cả xã hội đang thừa nhận giá trị kinh tế của họ.

“Các quầy hàng rong không chỉ mang lại lợi ích cho người dân ở cấp độ cá nhân mà còn có thể đóng một vai trò tích cực trong nền kinh tế đô thị hiện đại,” ông Huang Gengzhi, giáo sư tại Đại học Tôn Trung Sơn bình luận. “Việc khởi động lại nền kinh tế hàng rong không nên là một phản ứng tạm thời đối với tình hình kinh tế hiện tại, mà là một phần trong kế hoạch dài hạn của đất nước”.

Quay trở lại với Yang Wen. Bốn tháng kể từ khi bắt đầu kinh doanh, quầy đồ ăn tráng miệng di động của Yang đã hòa nhập vào cuộc sống thành thị. Anh thường đỗ xe vào khoảng 8 giờ tối và tạo ra một bầu không khí thu hút với đèn màu cổ tích, bảng hiệu, bàn cắm trại và ghế. Anh cho biết mình có khoảng 200 khách hàng mỗi ngày và quầy hàng tạm thời đã trở thành một điểm lui tới nổi tiếng của những người trẻ thành thị.

Yang cho biết anh có thể kiếm được hơn 30.000 nhân dân tệ (gần 100 triệu VNĐ) một tháng, và thường sử dụng mạng xã hội để tăng khả năng tiếp cận với người tiêu dùng trung thành. Tuy nhiên anh cho biết việc tích lũy thu nhập hàng tháng cao như vậy sẽ rất khó trong khi quầy hàng của anh không có giấy phép còn giá thành sản phẩm đang tăng cao.

Nguồn: [Link nguồn]

Chứng khoán lao dốc thảm trước lo ngại tiền sẽ đổ vào ngân hàng khi lãi suất tăng

Trong 2 ngày qua, liên tiếp các thông tin về điều chỉnh lãi suất huy động được nhiều ngân hàng thương mại công bố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh (Theo Sixth Tone) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN