Cuộc đua ví điện tử bao giờ có hồi kết?

Không ít doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhưng họ vẫn kêu gọi được vốn đầu tư nước ngoài.

TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) cho rằng làn sóng đổ tiền vào công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt dù chưa "hái quả ngọt" nhưng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra, bởi các doanh nghiệp (DN) đang tranh đua "miếng bánh" thị phần.

Theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg về thanh toán không tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm, 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời nâng lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên 70% vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy nước ta có hơn 40 triệu người sử dụng internet, gần 50 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm lên tới 30%-50%.

Thị trường ví điện tử cạnh tranh rất khốc liệt khi thu hút ngày càng nhiều đại gia công nghệ trong lẫn ngoài nước. Ảnh: Hoàng Triều.

Thị trường ví điện tử cạnh tranh rất khốc liệt khi thu hút ngày càng nhiều đại gia công nghệ trong lẫn ngoài nước. Ảnh: Hoàng Triều.

Như vậy, thanh toán không tiền mặt là thị trường vô cùng rộng lớn để các DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, giao nhận hàng hóa, ví điện tử, sản phẩm tài chính- ngân hàng…

Thế nhưng, do "miếng bánh" này quá hấp dẫn nên mức độ cạnh tranh hết sức khốc liệt. DN nào cũng đua nhau giảm giá, khuyến mãi, hoàn tiền cho người tiêu dùng… dẫn đến hoạt động thua lỗ.

Biết là thua lỗ nhưng tại sao DN vẫn chấp nhận đổ tiền vào thị trường? Thực tế cho thấy không ít DN kinh doanh thua lỗ nhưng họ vẫn kêu gọi được vốn đầu tư nước ngoài. Với nguồn vốn này, sức mạnh và giá trị của DN sẽ tăng lên, mở ra triển vọng thu hút số lượng lớn khách hàng, có thể làm cho doanh thu, lợi nhuận của DN tăng đột biến trong tương lai. Cứ thế, dù thua lỗ nhưng khi còn kêu gọi vốn từ các tổ chức khác, DN vẫn tiếp tục đổ tiền vào thị trường thanh toán không tiền mặt để đa dạng hóa, bán chéo sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ví dụ, Công ty Grab từng mạnh tay chi tiền để khuyến mãi cho số lượng lớn khách hàng của mình. Như thế, Grab lấy tiền từ đâu để bù đắp một phần chi phí? Giải quyết bài toàn này, họ phối hợp với các ngân hàng, tạo lập ví điện tử GrabPay by Moca để làm trung gian thanh toán. Khi đó, ngoài việc thu phí dịch vụ, chỉ cần mỗi ví điện tử luôn tồn tại 200.000 đồng thì với vô số khách hàng có sẵn, Grab sẽ sinh lời rất lớn khi số tiền này được gửi vào  ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn 0,1%-0,5%/năm. Tiếp đến, Grab hợp tác với các cửa hàng phát triển dịch vụ Grabfood… có thêm khoản thu hoa hồng 10%-20%.

Điều này lý giải vì sao nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn không ngừng đổ tiền vào các DN công nghệ. Bởi, một trong nhiều lý do để nhà đầu tư quyết định góp vốn là không hẳn DN đó hoạt động có lời mà họ luôn nhìn vào triển vọng, dòng tiền; mô hình, lĩnh vực  hoạt động của DN tiềm năng hay không. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn yêu cầu DN phải có kế hoạch làm cho tiền "bốc hơi" nhanh để thị trường nhận biết sản phẩm, dịch vụ mà DN đó đang triển khai. Từ đó, DN có thể tạo dựng được thương hiệu, thu hút được đông đảo khách hàng, tranh đua với các DN khác để chiếm lĩnh thị phần thanh toán không dùng tiền mặt, mua sắm online, đặt xe, gọi món, giao hàng, đặt phòng… Khi đó, quy mô hoạt động, giá trị của DN ngày càng lớn, đáp ứng được một trong những mục tiêu trong tương lai của nhà đầu tư là tạo ra sinh lời khi bán lại vốn góp cổ phần.

Như thế, khi DN công nghệ tiếp tục đổ tiền vào các sàn thương mại điện tử, đầu tư các dịch vụ trung gian thanh toán, cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần, người tiêu dùng sẽ có được nhiều tiện ích, dịch vụ thanh toán không tiền mặt với chi phí tốt nhất. Biểu hiện rõ nhất là một số  ngân hàng bắt đầu  giảm mạnh phí dịch vụ cho khách hàng của mình. Mặt khác, cuộc chơi ngày càng gia tăng của nhiều đại gia công nghệ không chỉ thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, mà còn tiếp nhận được nguồn lực công nghệ 4.0, kết nối chuỗi thị trường toàn cầu để phát triển thị trường thanh toán không tiền mặt.

Cẩn trọng với ”bẫy” lừa đảo đa cấp qua ví điện tử Payasian

Ví điện tử Payasian được quảng cáo có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN