Xác định giá đất bồi thường vẫn mơ hồ

Trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi ngày 19/11, nhiều đại biểu QH cho rẳng, vấn đề định lại giá đất cho dân vẫn chưa thỏa đáng.

Nhiều đại biểu băn khoăn và không đồng tình với một số điều khoản mới trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi ở phiên thảo luận.

Giá đất vẫn “mơ hồ”

Thay vì quy định giá đất khi đền bù cho dân phải “sát giá thị trường” như luật hiện hành, dự thảo lại nêu “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”.

Theo đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh), việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất có liên quan chặt chẽ đến sinh kế của người dân. Giá trị bồi thường cho người dân khi thu hồi cần ngang bằng, bảo bảm sự tương đương. Việc thu hồi đất trong thời gian qua chưa thành công với nguyên nhân bắt nguồn từ sự mơ hồ của khái niệm “sát giá thị trường”. Dự thảo luật có sự thay đổi nhưng vẫn không rõ ràng hơn bởi gọi là phù hợp cũng chẳng khác gì sát giá thị trường.

Xác định giá đất bồi thường vẫn mơ hồ - 1

Đại biểu yêu cầu định giá đất khi thu hồi phải đảm bảo công bằng cho người mất đất

“Lâu nay, bảng giá đất được công bố chỉ bằng 30 - 60% giá thị trường. Hà Nội và TP.HCM áp mức cao nhất trong bảng giá là 81 triệu đồng, trong khi thực tế lên tới vài trăm triệu một mét đất”- đại biểu Sang dẫn chứng.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng Nhà nước phải có vai trò trong điều tiết chênh lệch giá đất trước và sau khi thu hồi để tránh khoản chênh lệch rơi vào chủ đầu tư một cách không công bằng. Từ đây, đại biểu Hương đề nghị dự thảo cần xác định cơ chế tài chính sử dụng khoản chênh lệch này theo hướng Nhà nước để lại một phần thỏa đáng trực tiếp đầu tư vào cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội ngay tại khu có đất bị thu hồi.

Cán bộ dùng chiêu rút tiền tinh vi

Theo đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) , cán bộ làm công tác thống kê đền bù luôn thực hiện những “chiêu” hết sức tinh vi nhằm rút tiền Nhà nước hoặc của người dân để làm giàu bất chính.

Nữ đại biểu dẫn chứng: Có những trường hợp thì có 100m2 đất qua thống kê có thể tăng lên 150m2, ngược lại có trường hợp thống kê được 100m2 nhưng khi người dân được nhận tiền đền bù chỉ còn lại 80m2 hoặc cây trồng 1 năm, có thể tăng lên 3, 5 năm, những sự việc này thường diễn ra ở cơ sở. “Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai. Việc thẩm tra lại số liệu thống kê trước khi người có thẩm quyền ký quyết định đền bù là hết sức quan trọng.”-đại biểu Lừu nhận định.

Đại biểu đề nghị việc thẩm tra phải diễn ra trực tiếp, gặp gỡ hộ gia đình chứ không phải số liệu trên sổ sách. “Cần niêm yết danh sách số liệu thống kê đền bù ở nơi công cộng và thông báo qua hệ thống loa, đài truyền thanh tại cơ sở để người dân thấy được, nghe được và tự giám sát lẫn nhau sẽ có những thông tin phản hồi tích cực”, đại biểu Lừu nói. Từ đây, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát, thẩm tra số liệu thống kê trước khi người có thẩm quyền ký quyết định đền bù.

Tương tự, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo 4 cấp như thời gian qua gây lãng phí, tốn kém và không hiệu quả. Vì trên thực tế ở cấp xã, đa số không đủ khả năng làm quy hoạch. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần có cơ chế để cấp xã tham gia ngay từ đầu và giám sát quy hoạch của huyện để đảm bảo sát thực tế địa bàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN