Vừa nóng, dầu khí, bất động sản đã nguội

Vừa nóng lên trong phiên giao dịch đầu năm Giáp Ngọ, cổ phiếu dầu khí và bất động sản đã sớm nguội lạnh.

Sàn Thành phố Hồ Chí Minh

Thị trường chứng khoán đã khởi động năm Giáp Ngọ bằng một phiên giao dịch nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, cảm xúc cuối ngày lại là sự thất vọng. Và sự thất vọng đó càng gia tăng trong phiên thứ 2 của năm Giáp Ngọ.

Đầu phiên giao dịch, thị trường tăng khá. Đóng cửa đợt 1, Vn-Index tăng 3,03 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó, lực bán áp đảo khiến VN-Index hụt hơi và giảm điểm. Kết quả là cả đợt 2 và đợt 3, thị trường chìm trong sắc đỏ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/2 – phiên thứ hai của năm  Giáp Ngọ, VN-Index giảm 4,92 điểm, tương ứng 0,89% và dừng ở mức 549,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 124.966.662 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.375,33 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với hôm qua. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 5.471.082 cổ phiếu, tương ứng 543,41 tỷ đồng. Toàn sàn có có 94 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 125 mã giảm giá.

VN30-Index có tốc độ giảm chậm hơn VN-Index. Chốt phiên giao dịch ngày 7/2, VN30-Index giảm 3,49 điểm, tương ứng 0,56% và dừng ở mức 622,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47.080.630 cổ phiếu, tương ứng 1.497,96 tỷ đồng. Trong nhóm có 7 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 19 mã giảm giá. 

Nếu hôm qua, blue-chip là nguyên nhân khiến VN-Index giảm điểm thì hôm nay, cả blue-chip và penny kéo thị trường đi xuống. Có tới 19/30 mã blue-chip giảm giá. Một số trụ cột của thị trường giảm khá mạnh. FPT giảm 1.000 đồng/CP xuống 53.500 đồng/CP, GAS giảm 1.000 đồng/CP xuống 76.000 đồng/CP, HPG giảm 700 đồng/CP xuống 47.700 đồng/CP, MSN giảm 1.500 đồng/CP xuống 90.500 đồng/CP, SBT giảm 400 đồng/CP xuống 20.600 đồng/CP, VIC giảm 1.000 đồng/CP xuống 74.500 đồng/CP,…

Blue-chip đồng loạt đi xuống, Vn-Index giảm mạnh nhưng một số mã vẫn có đà tăng đáng nể. Trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh, KDC tỏ ra rất vững vàng. Trong bối cảnh thị trường đi xuống, KDC có phiên thứ 2 liên tiếp tăng trần, KDC tăng 4.000 đồng/CP lên 64.000 đồng/CP. Dường như Tết là thời điểm các sản phẩm của KDC bán rất chạy nên  cổ phiếu này nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư.

Trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh, có mã thậm chí còn nóng hơn cả KDC. Đó là gương mặt quen thuộc VNH. Giống KDC, VNH đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp trong năm Giáp Ngọ. Nếu tính cả thời điểm cuối năm Quý Tỵ, VNH đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp. Có vẻ như cổ phiếu này đã sẵn sàng bứt phá trở lại.

Sàn Hà Nội

Sàn Hà Nội đã có phiên “mở hàng” khá tích cực. Thế nhưng sự tích cực đó không duy trì được lâu. Chịu ảnh hưởng từ sự đi xuống mạnh và liên tiếp của VN-Index, HNX-Index và HNX30-Index nhanh chóng đảo chiều đi xuống. 

Kết thúc phiên giao dịch 7/2, HNX-Index giảm 0,26 điểm, tương ứng 0,35% và đóng cửa ở mức 74,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đứng tăng vọt, tăng hơn 50% và đạt 80.331.852 cổ phiếu, tương ứng 621,83 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 49.324 cổ phiếu, tương ứng 0,63 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận 85 mã tăng giá, 62 mã đứng giá và 116 mã giảm giá.

HNX30-Index cùng chiều với HNX-Index. Đóng cửa phiên 7/2, HNX30-Index giảm 0,31 điểm, tương ứng 0,21% và chốt phiên ở mức 146,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39.833.000 cổ phiếu, tương ứng 433,9 tỷ đồng Trong nhóm có 10 mã tăng giá, 2 mã đứng giá và 17 mã giảm giá.

Hôm qua, cổ phiếu ngành dầu khí và bất động đồng loạt nóng lên trên cả 2 sàn thì hôm nay, cổ phiếu 2 ngành này lại rủ nhau suy yếu. Mặc dù suy yếu nhưng họ dầu khí vẫn giữ được gương mặt tiêu biểu. Đó là PVX. 

Mặc cho thị trường rung lắc mạnh, PVX vẫn duy trì được sức hút của mình khi có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Đóng cửa ngày 7/2, PVX tăng trần, tăng 300 đồng/CP lên 3.600 đồng/CP. Cuối phiên, dư mua trần PVX tiếp tục ở mức cao ngất ngưởng 1.110.200 đơn vị.

Điều đáng nói nhất, đầu phiên, PVX thậm chí còn bị nhà đầu tư đua nhau xả hàng  và giảm sàn, giảm xuống 3.000 đồng/CP. Tuy nhiên, PVX nhanh chóng bật dậy và trở thành cổ phiếu nóng nhất sàn Hà Nội trong ngày hôm nay. Như vậy, nếu nhà đầu tư nào mua PVX ở mức giá sàn thì cuối phiên đã có 20% lợi nhuận. 

Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài tập trung giao dịch SHB và PVS. Với động thái bán ròng PVS, khối ngoại khiến PVS giảm giá, giảm 300 đồng/CP xuống 27.900 đồng/CP. Với động thái mua ròng SHB, khối ngoại giúp SHB tăng 200 đồng/CP lên 7.500 đồng/CP.

Trong suốt thời gian qua, SHB và PVS là 2 cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN