Vì sao nhiều đề xuất tăng thuế bị phản ứng?

Sự kiện: Kinh Doanh

Thời gian gần đây, liên tiếp các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính gặp phản ứng dữ dội từ phía dư luận, điển hình như đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% hay tăng khung thuế môi trường với xăng, dầu… Điều này, theo các chuyên gia, do lập luận của cơ quan đề xuất chưa thuyết phục, còn thiếu khảo sát, đánh giá thực tế.

Lập luận chưa thuyết phục

TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh hội nhập, thuế xuất - nhập khẩu giảm, nhiều dòng thuế thậm chí về 0%. Đây là lý do khiến các quốc gia có xu hướng tăng thuế nội địa để bù đắp ngân sách. Đề xuất tăng thuế nội địa của Bộ Tài chính là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần có nghiên cứu rõ ràng, đánh giá cụ thể, vì sao lại chọn lĩnh vực này, hàng hóa kia để tăng thuế và lộ trình cụ thể thế nào để người dân có thể chấp nhận.

“Cùng đó, việc sử dụng ngân sách vừa qua còn có quá nhiều vấn đề chưa giải quyết được như: Đầu tư thua lỗ, tham nhũng, lãng phí. Người dân thấy đầu tư nghìn tỷ mua tàu về bán sắt vụn, hay đầu tư nhà máy nghìn tỷ rồi hoạt động lỗ thêm nghìn tỷ nữa. Toàn thấy mất nghìn tỷ trong khi người dân cực nhọc chỉ được vài triệu đồng, giờ lại tăng thuế để bù cho những việc như vậy chẳng ai chấp nhận được”, ông Đào nói. 

Vì sao nhiều đề xuất tăng thuế bị phản ứng? - 1

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì tăng thuế hãy giảm chi thường xuyên để tiết kiệm ngân sách. Ảnh: PV.

Ông Đào dẫn chứng, Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít. Trong khi trước đó việc điều hành giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá đã nhiều bùng nhùng, nên giờ nói tăng thuế tất yếu người dân phản ứng liền. Hay thuế vẫn tăng, trong khi người dân ra đường lại bị trạm thu phí đường bộ bủa vây.

Cũng theo ông Đào, các đề xuất về tăng thuế vừa qua của Bộ Tài chính chưa được chuẩn bị đầy đủ các nghiên cứu đánh giá. Khi đưa ra lập luận chưa thuyết phục, nhiều câu hỏi chưa được trả lời như: Tại sao lại tăng thuế VAT, thuế môi trường xăng dầu mà không phải thuế khác? Tại sao tăng mức này mà không phải mức khác? Việc tăng lên mức như vậy tác động lên người dân ra sao, giá cả hàng hóa, sức mua thế nào?...

Còn theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Bộ Tài chính phải tăng thuế để cân đối lại nguồn thu do thuế xuất - nhập khẩu giảm là khó tránh. Tuy nhiên, lập luận của cơ quan đề xuất chưa thuyết phục, như nói tăng thuế VAT do xu hướng thế giới cũng như vậy, hay tăng thuế người nghèo ít ảnh hưởng… “Tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ người dân, sao giải thích đơn giản như vậy được.

Đặc biệt, tăng thuế VAT người nghèo chịu tác động gấp đôi người giàu là thực tế đã được nghiên cứu. Tâm lý chung không ai muốn tăng thuế, thêm giải thích thiếu khoa học và cảm tính của Bộ Tài chính khiến người ta tức giận cũng dễ hiểu”, ông Hồ nói. Chưa kể, theo ông Hồ, các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính đều hướng tới dòng thuế, sản phẩm dễ thu. Trong khi chỗ khó Bộ Tài chính chưa xử lý được, như chuyển giá, trốn thuế…

Nếu đã nghiên cứu kỹ cần công khai

Tại buổi gặp mặt báo chí cách đây ít ngày, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đề xuất tăng thuế VAT trên cơ sở thực tế và kinh nghiệm các nước. Khi những năm qua tỷ lệ huy động thuế trên GDP liên tục giảm, do thu từ dầu thô và thuế xuất - nhập khẩu giảm… Bộ Tài chính nghiên cứu kinh nghiệm các nước và nhận thấy, khi nợ công tăng cao, các nước có xu hướng cơ cấu lại nguồn thu, tăng thu nội địa và các dòng thuế gián thu. Thuế VAT của Việt Nam hiện áp dụng 10%, trong khi thuế suất VAT trung bình toàn thế giới là 16%... Do đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên 12%

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/9, một thành viên tổ soạn thảo Luật sửa đổi các Luật về Thuế (thuộc Bộ Tài chính) cho hay, các đề xuất về tăng thuế vừa qua của Bộ Tài chính đều được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, hiện đang trong thời gian lấy ý kiến, nên Bộ sẽ vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để có phản hồi, lập luận rõ ràng hơn. “Nhưng có thể sau này khi lấy ý kiến chính sách sẽ công bố đầy đủ thông tin, với các nghiên cứu rõ ràng, cụ thể để tăng tính thuyết phục”, vị này nói.

Chuyên gia Lưu Bích Hồ cũng bày tỏ hy vọng Bộ Tài chính có thể rút kinh nghiệm cho các đề xuất chính sách về sau. “Đã nghiên cứu đầy đủ, có đánh giá rõ ràng thì phải công khai ra cho người dân biết để góp ý”, ông Hồ nói. Ngoài ra, khi nhà nước đã chi tiêu ngân sách tiết kiệm (không phải chi thường xuyên chiếm tới 72-73% tổng chi như hiện nay), đầu tư hiệu quả, chống thất thu… nhưng ngân sách vẫn khó khăn phải tăng thuế, khi đó người dân dễ chấp nhận hơn.

TS Đặng Đình Đào cũng cho biết, ông mong Bộ Tài chính rút kinh nghiệm trong xây dựng chính sách. Để khi đưa ra chính sách cần đầy đủ luận cứ, có nghiên cứu thực tế thuyết phục. “Tăng thuế để phù hợp bối cảnh hội nhập ai cũng hiểu, nhưng quan trọng hơn phải sử dụng đồng thuế cho hiệu quả, đề xuất đưa ra thuyết phục, người dân mới chấp thuận được”, ông Đào nói.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách thuế, mức tăng thuế VAT thêm 2% (từ 10 lên 12% so với hiện hành), chỉ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) một lần, với mức tăng khoảng 0,06 - 0,39%. Lạm phát của Việt Nam trong tương lai vẫn dự báo ở mức thấp, nên năm 2019 là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Thu (Theo Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN