Vì sao nhà đầu tư không mặn mà với nhà xã hội?

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhu cầu lớn, tiền tiết kiệm trong dân vẫn có, hệ thống chính sách tương đối hoàn thiện... vậy tại sao nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà đối với phân khúc nhà ở xã hội?

Mới đạt 28% chỉ tiêu

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, sáng 7/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Đến nay, cả nước đưa vào sử dụng 3,7 triệu mét vuông nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị và khu công nghiệp, giải quyết chỗ ở cho 500 nghìn người. Tuy vậy, nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn, nhất là người nghèo, công nhân các khu công nghiệp. Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp. “So với chỉ tiêu, số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250 nghìn căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

"Cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn có sự mất cân đối. Việc phát triển phân khúc nhà ở cho thuê tuy có được ưu đãi hơn các phân khúc khác nhưng còn rất chậm, do xây dựng nhà ở cho thuê cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn hiện nay chủ yếu là vay thương mại ngắn hạn, tiền thuê nhà không đủ bù đắp chi phí đầu tư xây dựng và chi phí tài chính. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn muốn sở hữu nhà ở hơn là thuê, thuê mua, vì vậy việc phát triển mô hình nhà ở cho thuê, thuê mua còn nhiều khó khăn”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Phạm Hồng Hà

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, có đến 80% người dân có nhu cầu nhà ở đều muốn có nhà ở xã hội, vì phù hợp với khả năng chi trả. “Đa số người dân có nhà ở hiện nay đều nhờ tiết kiệm, vay mượn. Hiện ở nhiều địa phương có những khu đất đang còn bỏ hoang, tức là đất có, nhu cầu người dân có, tiền tiết kiệm trong dân có, chính sách có, nhưng phát triển nhà ở xã hội vẫn chậm”, Phó Thủ tướng nhận định.Từng trực tiếp giám sát một số chương trình nhà ở xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi băn khoăn: “Tại sao một chủ trương đúng đắn, chính sách pháp luật đầy đủ nhưng tổ chức triển khai thực hiện lại quá chậm?”. Phân tích vấn đề này, ông Lợi cho rằng nguyên nhân do thủ tục hành chính quá rườm rà. “Chúng tôi đi giám sát thấy có rất nhiều cơ chế khiến doanh nghiệp khó chịu. Cụ thể là các thủ tục về vốn, đất đai, xây dựng nhiều “cửa”! Thủ tục hành chính đè lên nhà đầu tư nhiều. Tôi đi làm phúc lợi xã hội mà nhiều thủ tục đè quá thì làm thế nào được”, ông Lợi nói.

Vì sao nhà đầu tư không mặn mà với nhà xã hội? - 1

Tính tới thời điểm hiện tại, nhà ở xã hội mới chỉ đạt 28% mục tiêu đặt ra - Ảnh: Lã Anh

Đồng tình quan điểm trên, đại diện Tổng công ty Hoàng Quân, một đơn vị trực tiếp thực hiện các dự án nhà ở xã hội cũng nêu rào cản của các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chính là thủ tục hành chính. Cụ thể, vị đại diện này dẫn chứng thủ tục làm nhà ở xã hội gấp hai lần làm nhà ở thương mại. Trong đó, các thủ tục về đất đai, quy hoạch, đặc biệt là thủ tục giải ngân và thanh, kiểm tra vì có liên quan đến nguồn vốn của ngân sách.

Chính phủ không bao cấp cho chủ đầu tư

Lắng nghe những ý kiến phản ánh bất cập về cơ chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa các quy định về nhà ở xã hội, có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quy trình thủ tục thuận lợi, không để thủ tục quá nhiều. Đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét tiếp tục hỗ trợ về lãi suất, thuế… để thu hút doanh nghiệp đầu tư tăng nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội.

Đánh giá xây dựng các khu nhà ở xã hội là một hướng đi, cách làm đúng đắn nhưng Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, Chính phủ không bao cấp cho chủ đầu tư làm nhà ở xã hội mà hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, nguồn lực quỹ đất của địa phương và cân đối lợi ích của DN để tạo điều kiện làm nhà giá rẻ. “Chính sách pháp luật đã có, câu hỏi đặt ra là lãnh đạo địa phương có làm không? Các bộ, ngành T.Ư có đặt vấn đề nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này không?”, Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ ra hiện trạng nhiều địa phương chưa có chương trình kế hoạch để triển khai, chưa dành đất đai, chưa chọn được doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. “Các tỉnh phải bổ sung chương trình nhà ở xã hội và nhà ở công nhân vào chương trình hành động tại địa phương trình thông qua và đưa vào ngân sách triển khai. Địa phương phải quy hoạch đất đai, duyệt quy hoạch có thể nâng cao tầng, chọn chủ đầu tư có tầm, có tâm huyết để thực hiện, hỗ trợ hạ tầng cho khu nhà ở xã hội; cải cách thủ tục nhanh chóng thuận lợi cho các nhà đầu tư, thành lập ban điều phối nhà ở xã hội tại địa phương quản lý, nắm rõ số liệu và kiểm tra giám sát thực hiện. Yếu tố lãnh đạo của địa phương quyết định thành công của nhà ở xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo.

Mặt khác, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm: Phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân. Trước tiên, lãnh đạo các doanh nghiệp, khu công nghiệp phải lo vấn đề này, chứ không chỉ lo sản xuất mà phải lo cho đời sống công nhân. Trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải quy hoạch đất dành cho hạng mục này. Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Vũ-Duy Đăng (Báo giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN