Vay vốn ngoại làm nhà ở xã hội

Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức có thể mở thêm đường cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội song cần thận trọng bởi gánh nặng công nợ sẽ tăng.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15-6, Bộ Xây dựng kiến nghị cho phép triển khai dự án xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội (NƠXH) tại một số địa phương bằng vốn ODA của Hàn Quốc.

Hào hứng

Giải thích cho đề xuất nêu trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà dẫn chứng Hàn Quốc cũng từng đối mặt với thách thức về nhu cầu NƠXH cho người có thu nhập thấp tại đô thị. Ngay từ những năm 1970, đất nước này đã đầu tư một số vốn nhất định, đồng thời thiết lập cách thức tổ chức hiệu quả về phát triển nhà ở cho các gia đình có thu nhập thấp. Kết quả là hiện nay, đa số người dân Hàn Quốc được sở hữu nhà ở với mức giá phải chăng. Đây chính là kinh nghiệm Việt Nam nên làm theo.

Trước cơ hội có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong lĩnh vực bất động sản chắc chắn sẽ hào hứng “cày cuốc” trên mảnh đất NƠXH mà lâu nay chưa hấp dẫn do nhiều rào cản về vốn, lãi suất, cơ chế chính sách… “Nếu dự án được triển khai mà không bị ràng buộc điều kiện phải sử dụng công nghệ, thiết kế kỹ thuật, con người… từ nước cho vay thì DN Việt chắc chắn sẽ hồ hởi tham gia. Bởi lẽ, sử dụng vốn ODA để xây nhà là cơ hội đưa giá thành căn hộ về dưới 500 triệu đồng/căn, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua được nhà” - ông Đực nói.

Vay vốn ngoại làm nhà ở xã hội - 1

Một dự án nhà ở xã hội ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng theo ông Đực, gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở chưa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, thể hiện ở tốc độ giải ngân quá chậm. Nếu không có những nguồn vốn khác linh động hơn thì rõ ràng người dân có thu nhập thấp suốt đời không được hưởng bất cứ phúc lợi nào.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành, cho rằng nếu có dự án và nguồn vốn thực hiện thì không nên bàn cãi hay phản đối. “Trường hợp Hàn Quốc trực tiếp bỏ vốn và xây dựng theo chính sách pháp luật của Việt Nam thì nên ủng hộ nếu họ tạo ra sản phẩm tốt hơn, giá rẻ hơn cho người dân. Còn phía đối tác cho Việt Nam vay tiền và Chính phủ giao lại cho DN với những cơ chế, chính sách hợp lý thì chúng tôi sẵn sàng đứng ra làm” - ông Thành khẳng định.

Một DN kinh doanh bất động sản tại Hà Nội cũng cho rằng nếu có nguồn vốn ODA để phát triển NƠXH thì rất đáng hoan nghênh. Thậm chí, ngay trong trường hợp Hàn Quốc có những ràng buộc về việc sử dụng công nghệ hay thiết kế của họ thì cũng có thể xem xét thỏa thuận và chấp nhận được vì đây sẽ là cơ hội để Việt Nam được học tập, tiếp cận cách làm, công nghệ từ nước bạn.

Có cần thiết?

Thứ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết dự án “Xây dựng mô hình đầu tư thí điểm NƠXH tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam” do Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc phối hợp xây dựng được phía Hàn Quốc xếp hạng cao và sẽ xem xét tài trợ trong tài khóa 2016.

Tuy nhiên, dưới góc độ là người đã từng tham gia công tác quản lý ngành xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng gói 30.000 tỉ đồng chưa được giải ngân hết thì không cần thiết phải vay thêm tiền để xây NƠXH. Theo ông Liêm, nếu vay được vốn ODA từ Hàn Quốc nên dùng để phát triển phân khúc hiện đang rất yếu là NƠXH giá rẻ cho thuê. “Các phân khúc nhà khác đều có cơ chế chính sách, thậm chí có vốn sẵn rồi, vấn đề là triển khai thế nào thôi. Gói 30.000 tỉ đồng còn nhiều nay vay thêm tiền làm gì để tăng gánh nặng trả nợ cho người dân” - ông Liêm nêu quan điểm và cho rằng dùng nguồn vốn ODA trong bối cảnh hiện nay cần thận trọng và phải xem xét dự án có khả thi không, bởi cho DN vay chưa chắc DN thành công và trả được nợ. Trong tình huống xấu, người dân vẫn là đối tượng phải gánh thêm nợ.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh quy định của Chính phủ về quản lý sử dụng nguồn vốn ODA, trong đó cần làm rõ xem việc phát triển NƠXH có nằm trong danh mục được ưu tiên không, đồng thời không nên lạm dụng vay vốn nước ngoài, kể cả vốn ưu đãi của các nhà tài trợ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa đồng ý

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng không đồng thuận với việc sử dụng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc để xây NƠXH. Bởi theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực NƠXH không thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay vốn ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng trong hệ thống chính sách bảo đảm an sinh xã hội thì vấn đề đáp ứng nhu cầu nhà ở đối với người có thu nhập thấp có vị trí đặc biệt quan trọng, là nhu cầu thiết yếu. Bởi vậy, lĩnh vực phát triển NƠXH thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay vốn ưu đãi. Đó chính là lý do bộ này có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án nêu trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN