Vàng trong nước đắt hơn thế giới 4 triệu/lượng

Trong tuần tới (18/3-22/3), vàng có khả năng tăng tốc từ mốc 1.600 USD/ounce. Với mức giá đắt tới 4 triệu đồng, vàng trong nước tiếp tục tạo khoảng cách với giá thế giới, cùng sự chênh lệch giữa các thương hiệu vàng.

Vàng có thể tăng trong tuần tới

Trong phiên thứ Sáu tuần này, giá vàng giao tháng 4 giảm trong ngắn hạn, nhưng vẫn kết thúc với mức nhích tăng 1.592,6 USD/ounce, tăng gần 1% trong cả tuần.

Trong tuần tới, giá vàng được kỳ vọng tăng nhiều hơn. Theo khảo sát trên Kitco News Gold Survey, trong tổng số 33 người tham gia, 25 người trả lời trong tuần này. Trong số này đã có 17/25 ý kiến đoán giá tăng, trong khi 2 ý kiến cho rằng giá sẽ giảm, và 6 người đoán giá vàng sẽ đi ngang.

Tham gia vào cuộc thăm dò hàng tuần này vẫn là các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, các nhà giao dịch hàng hóa giao sau, các nhà quản lý quỹ và giới chuyên gia phân tích kỹ thuật.

Một số nhà quan sát thị trường vàng nói rằng kim loại quý đã giữ mức thấp 1.554 USD/ounce suốt từ cuối tháng 2 và hiện có thể vàng đang xây dựng một nền tảng để chống lại những áp lực giảm giá.

Tuy vậy, vàng vẫn liên tục bị cản khi cố gắng vượt qua mốc 1.600 USD/ounce. Một phần nguyên nhân là do xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ.

Thị trường chứng khoán có khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến vàng trong tuần tới, đặc biệt là chỉ số công nghiệp Dow Jones liên tục bật lên mức cao kỷ lục.

Một hy vọng khác cho các nhà đầu tư vàng, đó là nhận định của một số nhà phân tích, cho rằng, vàng đang được hỗ trợ bởi yếu tố kỹ thuật khá vững chắc. Vàng sẽ giữ vững đà ở mức sát 1.600 USD/ounce và sẽ từ từ tăng lên từ khu vực giá đó trong tuần tới.

Một quan điểm khác cho rằng, dù giá vàng có khả năng tăng trên mốc 1.600 USD/ounce, giá vàng hiện nay không có được xung lực để vượt xa khỏi mốc này và vẫn sẽ ở trong tình trạng di chuyển không rõ xu hướng.

“Vàng dường như ổn định trong vùng 1.570 USD/ounce và 1.625 USD/ounce, phạm vi tương tự như hồi giữa năm 2012. Chúng tôi dự báo giá vàng sẽ còn biến động yếu trong vòng hai quý tới”, theo nhà phân tích của Deutsche Bank.

Sự kiện chính trong tuần tới sẽ là cuộc họp chính sách tháng 3 của Fed, tổ chức vào thứ Tư. Trong đó, sẽ có một cuộc họp báo do Chủ tịch Ben Bernanke công bố. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi xem chính sách của Fed tiếp theo sẽ như thế nào, đặc biệt là sau khi dữ liệu nhà ở và việc làm cho con số khả quan hơn.

Giá vàng trong nước không thể rẻ hơn

Thị trường vàng trong nước trong tuần này tiếp tục trồi sụt quanh mốc 44 triệu đồng/lượng, do đà giảm của vàng đã chững lại.

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước hầu như không chạy sát với giá thế giới, khiến cho giá vàng trong nước vẫn đắt hơn vàng quốc tế khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Tính đến cuối ngày thứ 7 (16/3), tại thị trường Hà Nội, vàng SJC của Doji mua vào – bán ra ở mức 44 – 44,05 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM, vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, niêm yết ở mức 43,95 – 44,1 triệu đồng/lượng.

Trước đó, trong tháng 2, khi giá vàng trong nước bắt đầu có xu hướng giảm mạnh về sát giá quốc tế, đã nhiều ý kiến dự đoán, giá vàng trong nước khó có thể giảm sâu hơn.

Tập hợp các ý kiến của một số chuyên gia kinh tế trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu nhận định trong ba ngày 26,27,28/2/2013, giá vàng trong nước hạ liên tiếp một phần do sự can thiệp từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và do giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới lên đến 5 triệu đồng/lượng nên sự điều chỉnh giá vàng trong nước xuống sát với thế giới là dễ hiểu.

Theo Bảo Tín Minh Châu: "Về bản chất giá vàng sẽ không hạ thêm được nữa bởi hiện tỷ giá đang tăng. Tỷ giá USD ngân hàng lên gần 21.000 đ/USD trong khi thị trường tự do lên trên 21.000 đồng/USD. Trong khi đó, giá vàng thế giới có xu hướng đi lên. Đến thời điểm này, giá vàng thế giới tăng hơn 20 USD/ounce so với phiên hôm qua. Thêm nữa, trong lúc giá vàng chênh 5 triệu đồng/lượng, người ta hầu như không mua, không bán. Giả sử khi vàng hạ tiếp, người dân tiếp tục mua vào thay vì bán tháo. Lúc đó, liệu các ngân hàng thương mại, công ty kinh doanh vàng có đủ vàng để bán cho người dân không?".

Có vẻ như nhận định này đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Không chỉ vậy, hiện các thương hiệu vàng trong nước lại tiếp tục có sự chênh lệch giá rõ rệt.

Theo Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, trong phiên ngày 15/3, giá vàng một số thương hiệu trong nước tăng theo đà tăng của vàng thế giới, nhưng một số thương hiệu như vàng Rồng Thăng Long lại giảm.

Cụ thể, khoảng 10h sáng ngày 15/3, vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức 42,53 – 42,78 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 250 nghìn đồng/lượng so với cùng thời điểm ngày trước đó.

Trong khi đó, vàng SJC vẫn tiếp tục đà tăng nhẹ so với giá ngày hôm trước, giao dịch ở mức 44,02 – 44,11 triệu đồng/lượng (tại thị trường Hà Nội). Tại thị trường Tp.HCM, vàng SJC được mua vào – bán ra khoảng 44,02 – 44,09 triệu đồng/lượng.

Tính đến ngày thứ 7 tuần này, vàng miếng Phượng Hoàng PNJ Đông Á có giá 43,68 – 44,02 triệu đồng; Vàng SBJ của Sacombank có giá 43,95 -44,05 triệu đồng/lượng.

Riêng vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 42,45 – 42,7 triệu đồng/lượng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Bách (VnMedia)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN