Trần lãi suất: “Áp” đâu cho phải?

Theo công bố của Ngân hàng nhà nước (NHNN): Năm 2013 sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trong khi đó, nhiều DN khi được hỏi đều mong muốn NHNN nhanh chóng áp dụng biện pháp hành chính trần lãi suất cho vay.

Cứu DN phải “áp” cho vay

Anh Minh Hoàng, chủ doanh nghiệp sản xuất cửa chống ồn cho biết, công ty anh đã phải vay vốn ngân hàng vào thời điểm lãi suất rất cao.

Theo anh Hoàng, nếu có trần lãi suất cho vay thì các DN nhỏ sẽ có cơ hội đến với nguồn vốn có lãi suất hợp lý một cách công khai minh bạch và bình đẳng.

Trần lãi suất: “Áp” đâu cho phải? - 1

Các DN mong muốn được áp trần lãi suất cho vay (ảnh minh họa)

Anh Trần Cường, Giám đốc công ty truyền thông B (Mai Dịch, Hà Nội), cho biết, 2 năm nay, công ty anh rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn ở các NH. Nếu có, mức lãi suất rất cao, có thời điểm trên 20%.

Anh Cường cho rằng, NHNN muốn sử dụng biện pháp nào cũng được, nhưng mục đích cuối cùng là có nguồn vốn lãi suất hợp lý cho các DN, và quan trọng là các ngân hàng phải tích cực giải ngân.

“Có thời kỳ nhiều ngân hàng cam kết áp trần lãi suất cho vay, nhưng các ngân hàng giải ngân không nhiều, nên ít DN tiếp cận được với vốn vay này. Hiện nay LSHĐ đã giảm nhiều, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng, với mức trung bình từ 15-17% như hiện nay vẫn là cao”, anh Cường nói.

Theo tìm hiểu, với mức lãi suất trung bình từ 15-17% như hiện nay vẫn cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam.

Nhiều DN bày tỏ mong muốn biện pháp trần lãi suất cho vay được áp dụng, có như thế DN mới được hưởng những ưu đãi từ các lần điều chỉnh giảm lãi suất từ phía ngân hàng, tạo điều kiện cho DN, cá nhân vay tiền với khả năng và chi phí chấp nhận được.

Tỏ ra khá thất vọng khi đón nhận thông tin từ phía NHNN, các DN cho rằng, việc NHNN không xem xét áp trần lãi suất cho vay đồng thời tiếp tục áp lãi suất tiền gửi là mới chỉ bảo vệ được quyền lợi của các NHTM.

Còn nhiều bất cập

Cũng như suy nghĩ của nhiều DN, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần sớm thiết lập trần lãi suất cho vay, theo đó, lãi suất huy động sẽ tự động giảm theo.

Theo ông Thành, hiện nay thị trường không cần trần lãi suất huy động, bởi nó không có nhiều ý nghĩa gì về mặt luật pháp. Việc cần thiết bây giờ là phải áp trần lãi suất cho vay. Muốn vậy, cần xác lập lại lãi suất cơ bản, theo đúng quy định pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 150% lãi suất cơ bản. Đồng thời, NHNN phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngân hàng nào vi phạm phải bị xử lý nghiêm, thậm chí đóng cửa.

“Một khi lãi suất cho vay bị quản chặt thì lãi suất huy động ắt phải giảm theo”, ông Thành tin tưởng.

Trần lãi suất: “Áp” đâu cho phải? - 2

Theo NHNN, việc bỏ trần lãi suất huy động có thể sinh ra nhiều cuộc đua lãi suất ở các NH (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo lý giải của NHNN, nếu bỏ trần lãi suất huy động sẽ có thể gây ra một cuộc đua lãi suất giữa các NHTM nhằm hút vốn. Điều đó sẽ gây nhiều khó khăn cho DN.

Đồng tình với cách làm của NHNN về việc chỉ áp trần lãi suất huy động, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng việc bỏ trần lãi suất huy động chỉ làm được khi thị trường ổn định.

“Hiện nay thị trường Việt Nam đang có nhiều yếu tố bất ổn nên phải áp trần lãi suất huy động để định hướng cho các NHTM, tránh cạnh tranh vô lối trong huy động tiền, sẽ làm lãi suất cho vay cao lên”.

Về vấn đề áp trần cho vay, ông Lực cho rằng không nên áp trần cho vay vào thời điểm này, do lãi suất không phải là vấn đề chính khiến các DN quyết định có vay hay không.

Theo khảo sát của một số NH, việc vay vốn còn bị chi phối bởi các yếu tố như sức hấp thu, tồn kho, tâm lý kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm. Dù áp trần cho vay có ưu điểm là DN sẽ biết mức chi phí để chủ động sản xuất kinh doanh, nhưng cũng có nhiều bấp cập, như: làm méo mó tín dụng; đánh đồng rủi ro (khách hàng rủi ro cao cũng như thấp đều được vay với lãi suất như nhau); sẽ có hiện tượng lách trần...

Trước ý kiến cho rằng nếu chưa bỏ trần lãi suất huy động thì nên áp dụng thêm trần lãi suất cho vay, ông Lực cho rằng không nên áp trần 2 đầu, ngay cả khi điều kiện ổn định.

“Chặn hai đầu như thế sẽ đánh đồng rủi ro của các khách hàng với nhau, càng làm méo mó hoạt động ngân hàng. Chỉ nên áp trần lãi suất một trong 2 đầu, nếu thả đầu vào thì nên áp đầu ra, và ngược lại”, ông Lực khuyến nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN