Trần lãi suất: Dở cũng phải để?
Sau khi các NH đồng loạt hạ lãi suất huy động, nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không bỏ trần lãi suất.
Không còn cơ chế tự thỏa thuận lãi suất cho các khoản vay, người gửi tiền đang thất vọng về mặt bằng mức lãi suất mới. Các chuyên gia thì cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng.
Chuyên gia tài chính, ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu năm 2013 là thời điểm tốt nhất để dỡ bỏ trần lãi suất khi lãi suất huy động ở các NHTM bất thình lình giảm mạnh.
“Nếu trong cả năm 2012, lạm phát giữ ở mức 8% và không có đột biến trong quý I/2013 thì đầu năm 2013 là lúc Nhà nước nên suy xét thả nổi lãi suất”.
Nói về khả năng nếu bỏ trần, lãi suất sẽ vọt lên cao, TS Hiếu rất đồng tình.
Tuy nhiên, ông Hiếu phân tích: thời gian đầu khi bỏ trần, lãi suất sẽ lên rất cao. Khi lãi suất bật lên cao đồng nghĩa với việc sẽ có khả năng khống chế lạm phát tốt hơn. Lãi suất tăng, đồng tiền trở nên khó khăn và “đắt” hơn. Nếu “đắt” hơn thì DN sẽ khó có thể tiếp cận được vốn, đồng thời khi người dân thấy lãi suất cao sẽ gửi tiền vào NH nhiều hơn.
“Nếu cứ theo lộ trình như vậy, sau một thời gian điều chỉnh, lãi suất sẽ có khuynh hướng đi xuống”, ông Hiếu tin tưởng.
Theo giải thích của vị chuyên gia này, khi thả nổi, lãi suất cho vay sẽ xuống trước lãi suất huy động vì các NH cạnh tranh với nhau, tìm những khách hàng có sức khỏe tài chính tốt. Đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ phải hạ. Lúc này, lãi suất đầu vào cũng bị hạ xuống bởi các NH không thể làm ăn hiệu quả nếu trả lãi suất tiền gửi quá cao trong khi lãi suất cho vay thấp.
“Vì cạnh tranh họ sẽ kéo lãi suất cho vay xuống và lãi suất huy động sẽ dần giảm theo. Khi đi xuống, mặt bằng lãi suất sẽ đạt một điểm quân bình. Nó sẽ đạt 1 điểm giữa biểu đồ cung-cầu. Điểm đó được coi là điểm lãi suất ổn định, phù hợp với thị trường, hợp luật cung-cầu và là lãi suất hợp với các DN”, ông Hiếu khẳng định.
Nhiều ý kiến quanh việc có nên bỏ trần lãi suất NH vào lúc này
Không đồng tình với ý kiến nên bỏ trần lãi suất, chuyên gia kinh tế tài chính-ngân hàng-TS Lê Thẩm Dương cho rằng, lúc này vẫn chưa là thời điểm thích hợp mặc dù chúng ta đã duy trì lãi suất 2 năm.
Đồng ý với quan điểm, càng duy trì mặt bằng lãi suất, thị trường càng méo, bóp quan hệ cung-cầu nhưng chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương cho biết, lãi suất phải gánh quá nhiều nhiệm vụ như: vừa lo thanh khoản thấp quá dân không gửi tiền, vừa lo cứu DN nếu cao quá thì chết, lại phải cứu tỷ giá, khống chế tiền trong XH…nên nếu bỏ đợt trần thì lãi suất lên rất cao.
“Phải bỏ trần mới quay trở về quy luật nhưng trong bối cảnh cụ thể thì không được. Lãi suất mà chẹn đầu trần lãi suất sẽ dở vô cùng. Nhiều khi không muốn nhưng vẫn phải duy trì”, ông Dương nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Dương cho rằng, việc các NH đồng loạt giảm lãi suất huy động chỉ là biện pháp nhất thời, chưa có cơ sở giảm bền vững nên nếu bỏ trần, lãi suất “bùng” lên sẽ khó kiểm soát.
“Bỏ trần là đúng nhưng trong kinh tế, người ta chọn phương án ít xấu nhất trong các phương án xấu. Ai cũng biết để trần lãi suất là dở nhưng phải chọn phương án ít dở hơn”.