Chưa bỏ "trần" huy động vì còn nhiều NH yếu?

NHNN quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống 8%/năm khiến nhiều NH nhỏ tìm cách "đi đêm". Theo các chuyên gia, những phương thức thu hút tiền gửi không chính thống đó đang khiến cho hoạt động của ngành NH càng thêm méo mó.

8% vẫn có "lời"

Sau hơn 2 tuần lãi suất huy động tiền gửi đã được giảm xuống mức 8%, tại một số tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, số lượng người dân đi gửi tiết kiệm không giảm nhiều.

Nhân viên tín dụng tại phòng giao dịch thuộc Vietcombank cho biết, cũng có một số khách hàng lưỡng lự khi biết thông tin lãi suất giảm, nhưng sau khi được tư vấn cũng như kết hợp nhiều chương trình khuyến mại tri ân khách hàng dịp cuối năm nên hầu hết mọi giao dịch tại chi nhánh đều thành công.

Chị Nguyễn Thị Hương (Lê Thanh Nghị-HBT) cho biết, mặc dù lãi suất giảm nhưng thời điểm này, NH là kênh đầu tư an toàn hơn BĐS và chứng khoán nên chị vẫn không rút tiền ra khỏi NH.

Không phủ nhận việc một số NH chấp hành nghiêm chỉnh quy định của NHNN về việc huy động vốn, tuy nhiên, vần còn một số NH nhỏ tìm cách lách luật.

Chưa bỏ "trần" huy động vì còn nhiều NH yếu? - 1

Nhiều NH nhỏ đang cố gắng kéo lãi suất vượt trần để hút khách hàng (ảnh minh họa)

Tùy vào giá trị từng khoản tiền gửi khác nhau mà khách hàng có thể “ngã giá” với NH để có được mức lãi suất kỳ vọng.

Chị Hoàng Thu Trà (Mai Dịch-Cầu Giấy) cho biết, cuối tháng 12/2012 đến kỳ đáo hạn, muốn rút toàn bộ tiền tiết kiệm về vì không được hưởng mức lãi suất 12% như trước. Thế nhưng, sau một hồi trao đổi với nhân viên giao dịch của NH A đóng tại quận Cầu Giấy, cuối cùng vẫn thống nhất được hưởng mức lãi suất 10,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng. Tuy nhiên, khác với lần trước, “NH không cho phép rút tiền trước kỳ hạn”, chị Trà cho biết.

Ngoài ra, nhiều NH còn dùng “chiêu” tách sổ tiết kiệm cho khách hàng, ghi thỏa thuận mức chênh lãi suất bên ngoài hợp đồng, hoặc quy đổi ra hiện vật, quà tặng bằng giá trị phần trăm lãi suất hưởng thêm.

Một lãnh đạo chi nhánh NHNN thừa nhận, huy động vốn là vấn đề sống còn của các NHTM, nên việc cạnh tranh trong lĩnh vực này luôn ở mức cao, nhất là vào những tháng cận Tết Nguyên đán.

Chưa bỏ "trần" huy động vì còn nhiều NH yếu? - 2

Một trong những "chiêu" lách huy động của các NH là giúp khách hàng chia nhỏ tiền thành nhiều sổ (ảnh minh họa)

Nói về việc quyết định hạ lãi suất xuống 8% của NHNN, Chuyên gia kinh tế-TS. Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất giảm nhưng không hẳn người gửi tiền bị thiệt bởi so với chỉ số lạm phát năm là 6,81% thì người gửi tiền vẫn đang hưởng lợi thực dương trên 1%. Vì vậy, mức lãi suất 8% hiện nay hoàn toàn là hợp lý và có lợi cho người có nguồn tiền nhàn rỗi.

Riêng với việc chỉ giảm trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên, theo TS. Lực vẫn có thể thả nổi nhưng phải đến thời điểm thích hợp.

“Tất nhiên đã là biện pháp hành chính nên để trong thời gian ngắn hạn và cơ bản giúp bình ổn thị trường, một khi đã ổn định thì không nên áp dụng nữa”, ông Lực nói.

"Đi đêm" lãi suất, hoạt đồng ngành "méo mó"?

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính những phương thức thu hút tiền gửi không chính thống của của các NH nhỏ đang khiến cho hoạt động của ngành NH càng thêm méo mó.

TS. Vũ Đình Ánh nhận định, việc hạ lãi suất từ 9% xuống 8% là bước đi khá thận trọng của NHNN. Bởi, các điều kiện để có thể giảm lãi suất đã hội tụ ngay từ quýIV/2012.

“Tuy nhiên, dù chịu rất nhiều áp lực nhưng mãi đến tận cuối tháng 12/2012 mức lãi suất mới được điều chỉnh”, ông Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, việc NHNN vẫn áp trần lãi suất đến thời điểm này là do e ngại một số NH yếu kém về thanh khoản có thể phá trần lãi suất.

“Năm 2012 tiến trình cơ cấu lại hệ thống NH hơi chậm nên vẫn tồn tại nhiều NH yếu kém và đây chính là nguyên nhân chưa thể bỏ được trần lãi suất huy động”, vị chuyên gia bày tỏ.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện nay gần như các NH nhỏ không thể vay được tiền trên thị trường liên NH do NH lớn mất lòng tin. Vì vậy, để bù đắp thanh khoản và tăng trưởng tín dụng các NH nhỏ chỉ có cách vay từ nguồn vốn dân chúng với lãi suất tương đối cao.

“Để khắc phục điều này NHNN phải chấn chỉnh lại thị trường liên NH bằng cách có thể bảo lãnh cho họ. Hoặc, cũng có thể sáp nhập lại để thành NH mạnh hơn. Sau một thời gian chấn chỉnh thì sẽ tự do hóa lãi suất”, ông Nghĩa khuyến nghị.

Cũng theo ông Nghĩa, NHNN chỉ giảm 1% lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên chứng tỏ cơ quan này đang nhằm mục đích “thăm dò” thị trường.

“Nếu “bung” ngay lãi suất thì khả năng quý I năm nay lạm phát sẽ tăng lên. Phải hết tháng 3/2013 mới có thể xem xét lại một cách tổng thể để tiến tới tự do hóa lãi suất. Bước đi thận trọng này cũng là rất cần thiết của NHNN”, ông Nghĩa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiến Sơn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN