Thị trường chứng khoán giằng co, bất ổn

Lực đỡ MSN, GAS suy yếu, VN-Index giằng co, bất ổn.

Sàn Thành phố Hồ Chí Minh

Sau 2 phiên tăng mạnh, MSN suy yếu. Cùng với sự suy yếu của nhiều blue-chips, MSN khiến VN-Index rơi vào tình trạng giằng co bất ổn.

Đầu phiên, thị trường tiếp đà tăng của phiên 10/12. Tuy nhiên, lượng cung ngày càng lớn trong khi nhà đầu tư không sẵn sang mua vào giá cao khiến VN-Index chỉ có thể tăng giá trong đợt 1. Kể từ đợt 2, thị trường chìm trong sắc đỏ.

Đóng cửa ngày 11/12, VN-Index giảm 6,29 điểm, tương ứng 1,23% và dừng ở mức 505,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 103.538.540 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.409,23 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với phiên giao dịch 10/12. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 1.979.010 cổ phiếu, tương ứng 40,83 tỷ  đồng.

Toàn sàn ghi nhận có 40 mã tăng giá, 48 mã đứng giá và 201 mã giảm giá. 

VN30-Index giảm mạnh hơn VN-Index. Chốt phiên giao dịch ngày 11/12, VN30-Index giảm 6,44 điểm, tương ứng 1,13% và chốt phiên ở mức 565,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28.847.900 cổ phiếu, tương ứng 692,99 tỷ đồng. Trong nhóm có 3 mã tăng giá, 2 mã đứng giá và 25 mã giảm giá.

Trong ngày hôm nay, blue-chips chính là “tội đồ” đẩy VN-Index đi xuống nhanh và mạnh. Sau 2 phiên dẫn dắt thị trường, MSN đảo chiều 2.000 đồng/CP xuống 85.500 đồng/CP. Đây là điều đã được dự báo trước dù có thời điểm, MSN đạt mức giá xanh 88.000 đồng/CP.

Một trụ đỡ khác của VN-Index ngày hôm qua là GAS cũng sụt giảm. Chốt phiên, GAS giảm 1.000 đồng/CP xuống 64.000 đồng/CP. 

Đa số blue-chips khác đều giảm đáng kể. Đầu phiên chiều, REE, PPC bị nhà đầu tư bán tháo. Kết quả là REE giảm 900 đồng/CP, PPC giảm 1.200 đồng/CP. Khối lượng giao dịch của 2 mã này ở mức khá cao nên cả REE và PPC đều đóng góp không nhỏ vào sự đi xuống của VN-Index.

HSG là một trong những cổ phiếu lớn hiếm hoi tăng giá. HSG tăng 200 đồng/CP lên 43.100 đồng/CP. 

FLC duy trì được mức giá tham chiếu vào thời điểm cuối phiên. Thanh khoản của cổ phiếu này đạt mức rất cao, gần 700.000 đơn vị. Trong khi đó, có rất ít penny tăng trần. Trên bảng giao dịch điện tử, chỉ có lác đác vài mã đóng cửa ở sắc tím như FDG, PNC, THG, TYA, VID, VNI.

Trong khi đó, số mã giảm sàn áp đảo. Rất nhiều penny giảm sàn với bên dư mua trắng xóa như ITD, KTB, MCG, PXM,….

Sàn Hà Nội

HNX-Index tiếp tục có phiên giao dịch cùng chiều với VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch 11/12, HNX-Index tăng 0,57 điểm, tương ứng 0,86% và đóng cửa ở mức 65,57 điểm. 

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 51,634,399 cổ phiếu, tương ứng  404,8 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với phiên ngày hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 1.864.770 cổ phiếu, tương ứng 13,69 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận 63 mã tăng giá, 49 mã đứng giá và 163 mã giảm giá.

HNX30-Index giảm 1,86 điểm, tương ứng 1,49% và đóng cửa ở mức 123,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30.709.800 cổ phiếu, tương ứng  284,46 tỷ đồng. Trong nhóm có 3 mã tăng giá, 2 mã đứng giá và 24 mã giảm giá.

Trên sàn Hà Nội, “ông lớn” ACB đã thoát khỏi chuỗi ngày giao dịch chỉ biết đứng giá. Tuy nhiên, xu hướng mới của ACB là đi xuống. Chốt phiên, ACB giảm 100 đồng/CP xuống 15.500 đồng/CP.

Những blue-chips khác cũng cùng chung số phận với ACB. BVS giảm 200 đồng/CP xuống 11.100 đồng/CP, KLS giảm 100 đồng/CP xuống 8.900 đồng/CP, OCH giảm 100 đồng/CP xuống 25.300 đồng/CP, SHB giảm 100 đồng/CP xuống 6.900 đồng/CP.

Thị trường rung lắc mạnh nhưng SHN vẫn chứng tỏ mình là cổ phiếu nóng nhất khi tăng trần, tăng 100 đồng/CP lên 1.600 đồng/CP. Như vậy, SHN đã có 8 phiên tăng trần liên tiếp kể từ phiên giảm sàn ngày 29/11.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN