Thấy rõ nợ xấu mới có thể xử lý dứt điểm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Thông tư 02 có sửa đổi vì cơ thể (hệ thống ngân hàng) đang còn yếu, khả năng hấp thụ các liều thuốc theo chuẩn quốc tế sẽ khó.

Dù các ngân hàng thương mại cho rằng, thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản, trích lập dự phòng rủi ro khi áp dụng sẽ làm tăng nợ xấu lên vài chục phần trăm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống..., song Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định: Thông tư 02 không hoãn thực hiện, tháng 6.2014 chính thức áp dụng.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, Thông tư 02 có sửa đổi, vì cơ thể (hệ thống ngân hàng) đang còn yếu, khả năng hấp thụ các liều thuốc theo chuẩn quốc tế sẽ khó. Dự kiến, trong tháng 1 này, tất cả các văn bản mang tính định hướng hoạt động hay khung sườn cho toàn ngành sẽ được ban hành.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nói, mặc dù áp lực nợ xấu của hệ thống là rất lớn, song sẽ dần dần được xử lý, với điều kiện các ngành, đặc biệt là ngành tư pháp, tòa án phải tích cực phối hợp.

Ông Lê Công - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội đề nghị, chỉ còn mấy tháng nữa là Thông tư 02 có hiệu lực. Vì vậy, nếu quyết tâm triển khai, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn về lộ trình, bước đi để các ngân hàng thực hiện.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, quyết tâm thực hiện Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước là một dấu hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam đang chuẩn hóa quản lý nợ theo chuẩn thế giới, bởi nếu không hiểu bản chất, làm sao quản lý được nợ. Ông cho rằng, khi áp dụng thông tư, nợ xấu thực chất sẽ được bộc lộ chứ không phải làm gia tăng nợ xấu. Tất nhiên, khi nợ xấu bộc lộ, có thể gây khó khăn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Song chỉ khi nhìn rõ bức tranh nợ xấu, mới có thể có phương án xử lý dứt điểm.

Khi áp dụng Thông tư 02, cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng sẽ gặp khó. Doanh nghiệp khó vay được vốn, ngân hàng buộc phải chọn lọc khách hàng để giải ngân vốn. Song mục tiêu cuối cùng của thông tư này là đưa chuẩn tín dụng nâng cao, tránh nợ xấu. Tính đến cuối tháng 9.2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 142.330 tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Hà (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN