Tân Chủ tịch Sacombank và những câu hỏi nóng

Dư luận cho rằng việc thay Chủ tịch HĐQT là phản ứng của Sacombank nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc ông Đặng Văn Thành bị triệu tập phục vụ cho công tác điều sa. Sự thật là như thế nào?

Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank vừa chính thức bầu ông Phạm Hữu Phú làm Chủ tịch HĐQT thay ông Đặng Văn Thành. Quyết định này xảy ra vào thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an triệu tập ông Thành cùng con trai là Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, lên làm việc. Sự kiện này ảnh hưởng thế nào đến Sacombank? Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với tân Chủ tịch HĐQT Sacombank Phạm Hữu Phú.

Dư luận cho rằng, việc thay Chủ tịch HĐQT là phản ứng của Sacombank nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của việc ông Thành bị triệu tập phục vụ cho công tác điều tra. Sự thật là như thế nào, theo ông?

Trước tiên, phải khẳng định rằng, bầu một Chủ tịch HĐQT mới nằm trong dự kiến của HĐQT nhằm hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực. Tại ĐHCĐ Sacombank ngày 26/5/2012, ông Thành đã nói đây là đại hội “chuyển giao quyền lực”. Trong cuộc họp HĐQT vào tháng 7, ông Thành một lần nữa phát biểu chính thức nguyện vọng xin từ nhiệm. Khi đó đang trong thời gian thanh tra của Ngân hàng Nhà nước tại Sacombank, nên HĐQT đã bàn bạc và dự kiến chấp thuận từ nhiệm của ông Thành sau khi quá trình thanh tra kết thúc.

Quá trình thanh tra tại Ngân hàng đã kết thúc trong tháng 10 và cho đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra. Ngày 1/11, cơ quan điều tra đã triệu tập ông Thành và Đặng Hồng Anh đến làm việc phục vụ công tác điều tra. Xét điều kiện và hoàn cảnh thực tế hiện nay, HĐQT đã nhất trí miễn nhiệm ông Thành là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Ngân hàng, đề phòng những tác động xấu có thể xảy ra.

Nhưng dù sự việc trên có xảy ra hay không thì việc bầu một Chủ tịch HĐQT mới của Sacombank là tất yếu, đã nằm trong dự tính của HĐQT và nguyện vọng của cá nhân ông Thành. Việc này cũng thuộc thẩm quyền của HĐQT để hoàn tất quá trình chuyển giao quản trị và điều hành Ngân hàng như tinh thần của ĐHCĐ.

Ông Đặng Văn Thành đã tại vị ở Sacombank trên 18 năm, vậy việc ông Thành rời khỏi vị trí này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Sacombank, theo ông?

Ngay sau ĐHCĐ, vì có ý định nghỉ nên ông Thành vừa chuyển giao, vừa rút dần ra khỏi hoạt động quản trị, thường xuyên ủy quyền cho các thành viên khác, trong đó có tôi là Phó Chủ tịch thường trực xử lý. Ban điều hành của Sacombank hiện nay phân công, phân nhiệm rất rõ ràng. Mô hình tổ chức điều hành được chia làm 8 khu vực do 8 Phó tổng giám đốc phụ trách và các giám đốc khu vực điều hành giúp việc cho Tổng giám đốc. Với cơ chế ủy quyền, thời gian qua, Ngân hàng hoạt động rất ổn định. Vì vậy, tôi cho rằng, việc ông Thành có nghỉ cũng không có gì xáo trộn. Với Phó chủ tịch HĐQT Đặng Hồng Anh, nhân sự này được phân công phụ trách ngoại giao, không tham gia nhiều vào công tác quản trị.

Từ trường hợp của ACB trước đây, Sacombank có dự tính tình huống người dân ồ ạt rút tiền do ảnh hưởng tâm lý từ sự xáo trộn nhân sự chủ chốt tại Sacombank?

Xét về chủ quan, thanh khoản của Sacombank hiện tại rất tốt. Sacombank đã có phương án chuẩn bị đủ lượng tiền mặt, ngoại tệ và vàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền trong tình huống xấu nhất. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cam kết hỗ trợ chúng tôi khi cần thiết.

Về mặt khách quan, theo đánh giá của tôi, sau quá trình lộn xộn vừa rồi, người dân đã tỉnh táo, tin tưởng vào sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nên tôi tin là sự việc liên quan đến ông Thành sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động Sacombank. Hơn nữa, việc “chuyển giao quyền lực” của Sacombank, cổ đông đều hiểu rõ, dư luận đều đã biết nên sẽ không mất bình tĩnh.

Có rất nhiều dư luận xung quanh quá trình mua bán, thay đổi sở hữu và chuyển giao quyền lực tại Sacombank. Với tư cách là người trong cuộc, ông cảm nhận việc này như thế nào?

Trước hết tôi khẳng định, biến động nhân sự cấp cao của Sacombank đã và sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động Ngân hàng. Sự ổn định này được thể hiện trên các chỉ số tài chính như: tổng tài sản đạt 149.689 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối năm 2011. Tổng vốn huy động 121.528 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm (trong đó bằng VND tăng 27%). Dự nợ cho vay là 84.500 tỷ đồng giảm so với đầu năm. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính hàng tháng là hơn 300 tỷ đồng.

Các nhân sự mới tham gia vào Sacombank đã nắm bắt lại tương đối đầy đủ các hoạt động của Sacombank và làm rõ một số vấn đề tại CTCK Sacombank cũng như tình hình tài chính của Ngân hàng. Tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, xúc tiến tiếp thành lập ngân hàng con tại Lào trên cơ sở chuyển đổi chi nhánh ngân hàng con tại Lào… Tổng giám đốc mới nắm bắt công việc rất nhanh và được sự giúp đỡ của các thành viên cũ là tiền đề để làm tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của mình.

Theo kết quả vừa công bố, kết thúc 10 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 2.259 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm. Liệu STB có kịp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận khi chỉ còn 2 tháng nữa?

Lợi nhuận kế hoạch Sacombank dư sức đạt được, nhưng do một số khoản đầu tư trước đây phải trích lập dự phòng như đầu tư vào CTCK Sacombank và một số khoản đầu tư khác, nên cả năm nay có thể đạt gần 2.800 tỷ đồng, tương đương 80% kế hoạch (loại trừ các yếu tố ảnh hưởng do kết quả thanh tra hoặc các biến động lớn). Tháng 10 lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính là 315 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, nền tảng quản trị của Ngân hàng khi nhóm mới vào không có gì thay đổi, vẫn giữ nền tảng đó đồng thời làm tốt hơn. Năm nay, chúng tôi chủ trương trích lập dự phòng đầy đủ để làm nền tảng phát triển cho các năm sau.

Ở cương vị tân Chủ tịch Sacombank, ông đặt ra mục tiêu cụ thể gì cho Ngân hàng trong năm tới và các năm sau đó?

Trọng tâm 2013 của Sacombank là củng cố để phát triển. Kinh tế năm tới được dự báo là vẫn còn khó khăn; do đó, kế hoạch 2013 được xây dựng phù hợp đặc thù của tình hình chung. Lợi nhuận năm nay nếu đạt gần 2.800 tỷ đồng thì sang năm dự kiến là 3.500 tỷ đồng, tổng tài sản là 170.000 tỷ đồng, nợ xấu dưới 2,5%. Mặc dù nợ xấu của Sacombank hiện nay dưới 2%, nhưng chúng tôi xây dựng tỷ lệ nợ xấu cho năm 2013 là dưới 2,5%, dự phòng kinh tế sẽ khó khăn hơn.

Sacombank tiếp tục thực hiện chiến lược trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Dương. Chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, phát triển mảng bán lẻ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và phân tán rủi ro. Dự kiến, cuối năm nay, Sacombank sẽ phối hợp với Sở Công thương TP.HCM triển khai gói tín dụng khoảng 1.000 tỷ đồng cho bà con tiểu thương kinh doanh dịp Tết với lãi suất đang cân nhắc khoảng 10%...

Chúng tôi cũng đang trong quá trình đàm phán với một số đối tác nước ngoài để bán 15% cổ phần chiến lược. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, dự kiến trong vòng 4 - 5 tháng nữa có thể sẽ ký kết cụ thể.

Một nhiệm vụ nữa trong quản trị là sắp xếp các hội đồng ủy ban giúp việc cho HĐQT, giảm từ 27 hội đồng xuống còn 15 - 17 hội đồng để tinh gọn. Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, xem lại các quy trình quy chế, tiếp tục điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, tập trung rà soát lại hoạt động các công ty con, công ty thành viên để tránh xảy ra trường hợp như SBS… cũng là những việc ưu tiên trong kế hoạch 2013. Tôi tin là Sacombank đang được củng cố để tiếp tục phát triển. Một chiến lược phát triển cho giai đoạn 2015 - 2020 cũng đã bắt đầu được hình thành.

Được biết, có kế hoạch hợp nhất hai ngân hàng Sacombank và Eximbank. Xin ông cho biết kế hoạch này có được xúc tiến ngay trong 2013?

Chúng tôi đang có ý tưởng về việc này, nếu thực hiện cũng phải nghiên cứu và có lộ trình phù hợp. Nếu việc sáp nhập diễn ra thì điều đó cũng phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay, theo hướng giảm số lượng để tăng cường sức mạnh tài chính của các ngân hàng. Tôi nghĩ, khi đó, thị trường tài chính nội địa sẽ có một ngân hàng mới có lợi thế cạnh tranh toàn diện cả về quy mô, có thể cạnh tranh ngang tầm khu vực…

Sacombank cho biết, ông Đặng Văn Thành đã có đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT Sacombank. Ông Thành còn nắm giữ 3,98% cổ phần STB và con trai Đặng Hồng Anh nắm giữ 3,45%. Theo Sacombank, các khoản vay của gia đình ông Thành ở Sacombank không có khoản nào quá hạn và thanh toán lãi đúng hạn. Thanh tra của NHNN cũng đang đánh giá kết luận các khoản vay này.

Liên quan đến CTCK Sacombank (SBS), ông Phú cho biết, con số lỗ 1.772 tỷ đồng đã được công bố, Sacombank chỉ nắm giữ 10,98% vốn của SBS nên tác động của SBS đến STB sẽ không lớn. Tuy nhiên, Sacombank có trách nhiệm và đã đề ra các phương án để tái cấu trúc SBS.

Kể từ khi ông Thành bị cơ quan điều tra triệu tập, trong hai ngày 1 và 2 tháng 11, tiền gửi vào STB không giảm. STB đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng với sự hỗ trợ của NHNN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Nguyễn - Thu Hương (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN