Sự thật về 30.000 tỷ được coi giải cứu BĐS
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ không phải để “giải cứu” bất động sản (BĐS), mà chỉ là sự can thiệp cần thiết của Nhà nước vào thị trường.
Nghị quyết 02 của Chính phủ ra đời trong đó có gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho BĐS đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng Nghị quyết 02 là văn bản giải cứu thị trường BĐS và điều này là không cần thiết. Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS khẳng định, 30.000 tỷ không phải để “giải cứu” BĐS mà đơn giản chỉ là sự can thiệp cần thiết của Nhà nước vào thị trường.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nhìn lại nội dung của Nghị quyết 02, có thể thấy đây là gói giải pháp giúp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính để vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại cung - cầu trên thị trường, giúp cho người có thu nhập thấp sớm có nhà ở và giải quyết khối lượng vốn đang tồn đọng trong thị trường BĐS. Đây không phải là "giải cứu" thị trường BĐS mà là sự can thiệp hợp lý của Nhà nước vào thị trường.
“Trong Nghị quyết 02, một dung lượng khá lớn của chính sách tập trung vào giải quyết nhà ở cho người lao động. Hướng của Nghị quyết cũng không tập trung chỉ cho các doanh nghiệp, đó là hướng nhằm bảo đảm tìm lối ra cho mọi khó khăn của nền kinh tế đất nước hiện nay. Chúng ta hãy xem khủng hoảng thị trường BĐS hiện nay như đang trong cơn đau sinh nở, một mầm non BĐS mới khỏe mạnh sắp xuất hiện. Nghị quyết 02 như một phương án đỡ đẻ tốt, bà đỡ cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước và các cán bộ quản lý nhà nước. Nếu bà đỡ làm tốt nghiệp vụ thì thị trường BĐS mới có cơ hội khỏe mạnh trong tương lai”, ông Võ phân tích.
GS. Đặng Hùng Võ
Chung quan điểm, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cũng cho rằng, Nghị quyết 02 trong đó có gói hỗ trợ 30.000 tỷ chỉ nhằm tạo ra sự lan tỏa để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh và tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, chứ không nhằm mục đích “giải cứu” thị trường bất động sản như một số ý kiến.
“Số tiền 30.000 tỷ đồng là dành cho các đối tượng cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, đối tượng thu nhập thấp vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội cũng như là các doanh nghiệp xây dựng các loại nhà ở này, với lãi suất thấp (6%) và thời hạn dài (khoảng 10 năm đối với cá nhân, hộ gia đình và 5 năm đối với doanh nghiệp).
Với chính sách này, NHNN nhằm đạt tới các mục tiêu như sẽ giúp cho nhiều người khó khăn về nhà ở có cơ hội để có một chỗ ở phù hợp, góp phần “kích cầu”, “kích cung” cho thị trường bất động sản ở phân khúc thị trường của đại bộ phận người dân và phản ánh đúng cung-cầu thực của thị trường; góp phần điều chỉnh cơ cấu của thị trường bất động sản phù hợp hơn. Với 30.000 tỷ đồng dự kiến dành cho chương trình này sẽ giúp cho hàng chục ngàn căn hộ trên thị trường được giao dịch và hàng chục ngàn hộ gia đình có điều kiện được mua, thuê, thuê mua các căn nhà phù hợp với nhu cầu sử dụng” ông Mạnh cho hay.
Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, sau khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ được các Bộ, ngành và Bộ Xây dựng tích cực triển khai, đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Tính đến tháng 4/2013, có gần 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 31.000 căn hộ (chủ yếu ở tại các đô thị lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Về cơ cấu nguồn cung hàng hóa đã bắt đầu có sự điều chỉnh đề phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người mua trên thị trường được giải tỏa, niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục, hy vọng thị trường bất động sản cuối năm nay và năm 2014 sẽ có chiều hướng phát triển.
Tuy nhiên, để gói hỗ trợ 30.000 tỷ phát huy hiệu quả, GS. Nguyễn Mại cho rằng, với số tiền mà NHNN dự định bơm vào thị trường trong thời gian sắp đến, các khoản tiền mà Chính phủ sẽ chi cho nhà ở của gia đình có công với cách mạng…, cần dựa trên phân loại doanh nghiệp gắn với dự án, tiến độ thực hiện để trợ giúp những doanh nghiệp thật sự khó khăn. Nhưng nếu chỉ bơm một lượng vốn nhất định là có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại, hoàn thành dự án vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có thêm nhà ở bán cho người tiêu dùng, vừa trả được tiền vốn và lãi vay ngân hàng, đồng thời nộp thuế cho ngân sách Nhà nước.
“Tôi thiên về giải pháp mà Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng nhà nước về việc cho một số đối tượng dân cư vay mua nhà với lãi suất 6%/năm trong nhiều năm. Đó là chủ trương đúng không chỉ để giải quyết bài toán hiện nay, mà cần được thể chế hóa như một hướng lâu dài”, ông Mại chia sẻ.