Sàn vàng chui lôi kéo khách chứng khoán

Mặc dù đã bị cấm từ 2 năm nay, các sàn vàng chui vẫn ngang nhiên hoạt động. Họ đang tiếp thị trực tiếp tại các sàn chứng khoán để lôi kéo nhóm nhà đầu tư này trong bối cảnh các kênh đầu tư đều kém hấp dẫn.

Hội thảo và đào tạo chuyên nghiệp

Không khác gì thời gian sôi động của thị trường chứng khoán (TTCK), các sàn giao dịch vàng chui đang rầm rộ tổ chức các buổi hội thảo, phân tích và hướng dẫn kỹ thuật chơi vàng qua tài khoản cho khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Hưng, một nhà đầu tư chứng khoán trên sàn SeABank, cho biết, gần đây ông liên tục nhận được tin nhắn của một sàn giao dịch vàng có điểm giao dịch tại khu vực Ngọc Khánh, Hà Nội. Ông cũng thường xuyên được mời đến tham gia các buổi phân tích và hướng dẫn kỹ năng chơi vàng qua mạng. Ngoài ra, ông còn được các nhân viên nữ gọi điện trực tiếp mời chào.

Sau một thoáng truy tìm lý do tại sao bên sàn vàng lại có thể biết được số điện thoại của mình, ông chợt nhớ ra cách đây khoảng một tuần, ông có nói chuyện với 2 nhân viên nữ khá xinh đẹp của công ty nói trên khi lên sàn chứng khoán SeABank tại khu vực Láng Hạ.

TTCK buồn tẻ và đi xuống (giảm mạnh từ 480 điểm xuống dưới 420 điểm trong tháng qua) khiến khá nhiều nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi "trò chơi" mà 2 cô gái đưa ra. Theo đó, mỗi nhà đầu tư "chỉ cần khoảng 20-30 triệu đồng là có thể chơi vàng trên mạng thông qua công ty với số tiền lên tới tối thiểu 2 tỷ đồng".

Bên sàn vàng sẽ cài cho khách hàng một phần mềm chuyên dụng để tham gia vào cuộc chơi với từng nhịp biến động của giá vàng trên thế giới.

"Với gói Truyền thống, khách hàng đóng tối thiểu là 20 triệu, còn gói Online là 30 triệu. Thực chất cả 2 gói này đều chơi qua mạng và đây chính là phần ký quỹ 1%. Tức nếu bỏ ra 30 triệu, khách hàng được chơi 3 tỷ, tương đương 1 lot (100 ounce vàng). Tỷ lệ bảo chứng là 30%", nhân viên của sàn vàng trên cho biết.

Theo họ, khả năng sinh lời của kênh đầu tư này là rất hấp dẫn. "Tài khoản có thể tăng gấp đôi trong vòng vài phiên, thậm chí trong một phiên. Giao dịch cũng rất dễ dàng, thích là mua và cũng bán được ngay lập tức. Giá trị thì gần như không giới hạn (bởi có thể mở nhiều tài khoản) và với tỷ lệ đòn bẩy cao, khả năng làm giầu là rất nhanh".

Ngoài chơi vàng trực tiếp, khách hàng có thể ủy thác cho công ty chơi với lãi suất rất hấp dẫn, gấp nhiều lần so với gửi ngân hàng vào thời điểm này. Theo đó, chỉ cần mở một tài khoản với giá trị tối thiểu là 20 triệu, rồi ủy thác cho công ty chơi, khách hàng có thể "nắm chắc" phần lãi cố định 2%/tháng cho kỳ hạn 1 tháng; 2,2% cho kỳ hạn 3 tháng; 2,5% cho kỳ hạn 6 tháng và 2,7% cho kỳ hạn 1 năm. Đối với các tài khoản có giá trị trên 1 tỷ đồng, lãi suất được nâng lên cao hơn.

Giống như ông Hưng, rất nhiều nhà đầu tư - thường hay lui tới các sàn chứng khoán - hiểu rất rõ về loại hình đầu tư vàng qua tài khoản. Họ thậm chí nhớ mặt nhân viên từng sàn giao dịch vàng hay lên tiếp thị.

Tình trạng các sàn vàng "ảo" hoạt động công khai khá phổ biến tại cả Hà Nội và TP.HCM. Số lượng có thể lên tới vài chục đơn vị như IGI, HGI, Đại Dương...

Nếu chỉ xét về lý thuyết, đầu tư vàng qua tài khoản như trên thực sự hấp dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều đang trầm lắng. Tuy nhiên, trên thực tế, không có gì là dễ dàng. Đa số các nhà đầu tư tham gia chơi vàng tại các sàn như trên đều thua lỗ. Nhiều trong số đó đã cháy tài khoản và phải từ giã "trò chơi" này.

Sàn vàng chui lôi kéo khách chứng khoán - 1

Một sàn vàng thu hút nhiều nhà đầu tư trước khi bị đóng cửa (ảnh doanhnhansaigon)

Bất hợp pháp mà vẫn đông khách

Mặc dù bị cấm từ năm 2010 nhưng tại các thành phố lớn, còn rất nhiều sàn vàng vẫn đang hoạt động. Mức độ công khai của các sàn vàng này dường như ngày càng lớn, bất chấp mức độ rủi ro đối với các nhà đầu tư ngày càng cao.

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư về việc tại sao sàn vàng đã bị cấm nhưng vẫn hoạt động, nhân viên của một sàn vàng cho biết: "Thực chất không phải là cấm, mà Nhà nước đang xây dựng quy chế hoạt động cho các sàn vàng".

Trên thực tế, một số tổ chức tài chính còn đề xuất thành lập thị trường vàng tập trung, tổ chức theo mô hình như TTCK. Theo đó, cơ quan chức năng xây dựng các điều kiện để các công ty thành viên cung cấp dịch vụ tài chính này cho các nhà đầu tư. Ngân hàng sẽ đứng đằng sau thanh toán để đảm bảo an toàn.

Song, đây chỉ là đề xuất của một số tổ chức tài chính. Với các văn bản đã ban hành thì hoạt động của các sàn vàng hiện tại là bất hợp pháp. Đây vẫn là các hoạt động chui. "Thị trường" này nhộn nhịp trở lại có lẽ là do công tác quản lý và xử phạt chưa đúng và chưa đủ.

Trên thế giới, hoạt động đầu tư vàng qua tài khoản khá phổ biến, nhưng hoạt động rất bài bản và đảm bảo. Tại Việt Nam, không chỉ bây giờ mà từ trước đến nay, tình trạng "trục trặc kỹ thuật" vẫn liên tục xảy ra, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Bình thường không sao, nhưng mỗi khi giá vàng thế giới biến động mạnh (có thể mang tới lợi nhuận cao hoặc khả năng "cháy" tài khoản của các nhà đầu tư), thì việc đặt và thực thi lệnh mua bán khá khó khăn. Nhà đầu tư khó lòng chốt lãi hoặc cắt lỗ theo ý muốn.

Việc thành lập sàn vàng tập trung, theo lý thuyết, sẽ giúp người dân có thêm một kênh đầu tư và có thể giúp thu hẹp thị trường vàng vật chất (theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước), song đi kèm với đó là sự bất ổn trong quản lý ngoại tệ và sự hỗn loạn trong hoạt động (nếu không được quản lý chặt chẽ).

Có một sự thật là nhiều khi khó quản được thì cấm, nhưng cấm cũng không phải là không tốt. Chúng ta cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện để có thể quản lý được tốt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhiều khi các quy định không được thực thi. Nhiều khi cấm cũng như không cấm. Các tổ chức, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động và đẩy phần rủi ro về phía các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN