Phải cho phá sản ngân hàng yếu

Sau một thời gian áp dụng trần lãi suất 15%/năm đối với 4 nhóm đối tượng ưu tiên, có ý kiến cho rằng nên "mở van" trần lãi suất cho tất cả các đối tượng doanh nghiệp (DN) để dòng vốn được san sẻ đều, thay vì có DN vẫn chỉ đứng "nhìn từ đằng xa".

Vốn vẫn đang "ế ẩm"

Quan sát những ngày qua khi chủ trương áp trần lãi suất cho vay cho 4 nhóm DN ưu tiên có hiệu lực, cả DN và NH đều chưa "xăng xái" tiếp cận và tìm tới với nhau. Nghịch lý là, trong lúc DN "vò đầu bứt tai" vì thiếu vốn, thì tại nhiều ngân hàng (NH) dòng vốn đang dư thừa. Thậm chí, không cho vay ra được NH đành dùng số tiền này mua trái phiếu Chính phủ hoặc cho vay ở kênh đầu tư khác sinh lời hơn. Phải chăng trần lãi suất vẫn cao hay vì một nguyên nhân nào khác?

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là, "quả bóng" trần lãi suất cho vay mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đá một nửa, vì tiếng là có mức trần lãi vay nhưng tiêu chí đánh giá xếp hạng DN được vay hay không vẫn nằm trong quyền phủ quyết, đánh giá của NH.

Chuyên gia tài chính TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, các gói giải pháp hàng ngàn tỷ đồng mà các nhà băng tung ra thời gian qua chỉ là để "đánh lừa" thị trường, DN, còn thực chất mức độ giải ngân chẳng bõ bèn gì.

Một lần nữa, câu chuyện nên hay không "mở van" trần lãi suất vay cho tất cả các đối tượng lại được xới xáo. Nếu việc áp trần được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực thì chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay (margin lãi suất) có thể được cân nhắc nới rộng hơn mức 3%/năm hiện đang áp dụng để các NH có thể linh hoạt cho từng đối tượng vay.

Xung quanh câu chuyện áp trần hay không, chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi cho rằng, việc áp trần lãi suất (cả đầu vào và đầu ra) đều có mặt được và mất, chỉ sử dụng trong điều kiện "không đừng được", như: thanh khoản hệ thống ngân hàng có vấn đề, lạm phát cao, mất ổn định vĩ mô... Tuy nhiên, vị chuyên gia này không đồng tình khi cho rằng nên mở rộng đối tượng áp dụng trần lãi vay.

Phải cho phá sản ngân hàng yếu - 1

Trong lúc DN "vò đầu bứt tai" vì thiếu vốn, thì tại nhiều ngân hàng (NH) dòng vốn đang dư thừa.

Bởi theo phân tích của bà Mùi, "khó có thể để một mức giá cho vay chung cho tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế là 15%/năm. Như vậy, sẽ khiến NH đưa vốn vào những lĩnh vực rủi ro cao, ảnh hưởng tới hoạt động của cả DN và NH".

Ở góc độ người trong cuộc, Phó tổng giám đốc Maritime Bank Trần Xuân Quảng cho rằng, 4 nhóm đối tượng DN ưu tiên đã bao quát gần hết các lĩnh vực sản xuất trọng yếu của nền kinh tế, nên nếu các NH thừa thanh khoản muốn né tránh các DN này cũng không được, trong khi tỷ trọng đối tượng DN không khuyến khích còn lại tương đối ít, lại rủi ro lớn. "NH phát triển tín dụng không phải đi theo phương pháp tình thế, hôm nay thích có lợi thì làm, mai không thích thì không làm. Chúng tôi phải luôn căn bằng rủi ro và tăng trưởng tín dụng nên chuyện ngại tìm tới các DN xấu hơn để cho vay lãi suất cao hơn là đương nhiên"- ông Quảng giãi bày.

Thả nổi lãi suất thay vì áp trần

Ở góc nhìn khác, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, NHNN nên cân nhắc tới việc thả nổi lãi suất từ quý IV/2012 thay vì áp các loại trần lãi suất.

TS. Hiếu phân tích: việc NHNN quyết định kéo lãi suất cho vay xuống bằng việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm đã thỏa mãn được một số đòi hỏi rất cấp bách của các DN, khi hầu hết DN đã điêu đứng vì lãi suất cao. Tuy nhiên, có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất, trần lãi suất cho vay chỉ áp dụng với DN thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên, gây bức xúc cho DN các lĩnh vực khác. Thứ hai, áp trần lãi suất về mặt thực tế là cần thiết, song đây là biện pháp hành chính, không phù hợp với kinh tế thị trường. "Chưa kể, việc NHNN yêu cầu các NH áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa là 15% cho tất cả NH, tất cả loại hình vay, tất cả loại rủi ro khác nhau là không phù hợp"- TS. Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, thả nổi lãi suất phải đi cùng điều kiện: chấp nhận cho phá sản ngân hàng yếu kém. Nếu NHNN tuyên bố không để NH yếu kém nào phá sản, người dân cứ tìm NH có lãi suất huy động cao để gửi tiền. Còn nếu cho phép thị trường đào thải NH yếu, người dân thấy NH nào đẩy lãi suất huy động lên cao sẽ phải cảnh giác vì lo sợ NH đó đói thanh khoản.

Có thể, việc thả nổi lãi suất có thể khiến thị trường "chênh vênh" một thời gian, nhưng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn, để thị trường tự điều tiết lãi suất là tốt nhất. Sau một thời gian lên xuống, lãi suất sẽ được thị trường điều chỉnh và về mức ổn định theo cung - cầu.

"Mỗi chính sách phải có điều kiện thực hiện, lãi suất hoàn toàn theo cơ chế thị trường phải do cung cầu tiền ở mức ổn định, bản thân lãi suất phải đang phản ánh đúng lợi nhuận của thị trường, đây là mục tiêu nên hướng tới"- ông Tuấn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trường Giang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN