Gấp rút “phá băng” tín dụng

Dù đã có trần lãi suất cho vay nhưng các doanh nghiệp vẫn không vay được bởi ngân hàng siết chặt điều kiện.

Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp GAP - chuyên xuất khẩu các mặt hàng thanh long, nước ép thanh long… đi Mỹ, cho biết phía đối tác yêu cầu tăng lượng hàng xuất khẩu nhưng công ty đang gặp khó khăn về tài chính. Để đáp ứng công suất xuất khẩu 30 - 50 container/lần, công ty cần xây dựng nhà máy chế biến với vốn đầu tư 200-300 tỉ đồng. “Thế nhưng, đến nay, dự án xây dựng nhà máy chưa thể triển khai vì thiếu vốn, chúng tôi gõ cửa nhiều ngân hàng (NH) nhưng thấy điều kiện xét duyệt hồ sơ của NH còn ngặt nghèo hơn trước” - bà Tú Anh bộc bạch.

Lãi suất cao vẫn khó tiếp cận

Giám đốc một doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chuyên sản xuất đồ dùng văn phòng phẩm tại TPHCM cho biết DN ông được đánh giá tín nhiệm tốt nhưng vẫn phải vay vốn dài hạn với lãi suất 20,5%/năm. “Hiện công ty không dám vay vốn lưu động ngắn hạn vì lãi suất cao. Cách đây vài ngày, khoản vay dài hạn mới được NH thông báo hạ xuống 17,5%/năm dù DN tôi thuộc diện nhỏ và vừa, lẽ ra phải được vay với lãi suất thấp hơn” - vị này nói.

Nhiều DN nghe lãi suất cho vay về 15%/năm đã gõ cửa NH nhưng thực tế số lượng DN vay được lãi suất thấp không nhiều. Liên hệ NH TMCP Nam Á trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 - TPHCM để vay vốn bổ sung kinh doanh, chúng tôi được nhân viên tín dụng cho biết lãi suất vay là 20%/năm. Nhân viên này giải thích dù có quy định trần cho vay 15%/năm đối với DN nhỏ và vừa nhưng không phải DN nào cũng vay được. Tùy thuộc vào hệ thống chấm điểm cho từng DN nhưng mức lãi suất trung bình áp dụng cho DN nhỏ và vừa là 20%/năm, thấp nhất là 19%/năm.

Gấp rút “phá băng” tín dụng - 1

Lãi suất huy động tại các ngân hàng đồng loạt 12%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn rất cao, nhiều trường hợp lên đến 19%-20%/năm. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại VietABank. Ảnh: Hồng Thúy

Theo ghi nhận của phóng viên, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường, vay tiêu dùng, vay mua nhà… tại nhiều NH hiện vẫn ở mức cao - 18% -21%/năm. Ngay NH NN-PTNT Việt Nam (Agribank), mức lãi suất cho vay tiêu dùng, mua nhà cũng 18%-19%/năm. Nhân viên tín dụng NH này tại Chi nhánh Gia Định cho biết trừ một số lĩnh vực ưu đãi như nông nghiệp, phát triển nông thôn, xuất khẩu… được hưởng lãi suất thấp, còn các lĩnh vực khác vẫn chưa giảm nhiều. Tại NH TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), vay mua nhà, tiêu dùng ngắn hạn lãi suất 20,5%/năm, còn trung và dài hạn từ 21,5%/năm. Nếu vay mua ô tô sẽ cao hơn 0,5%/năm…

Ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế

Thống kê mới nhất được công bố cho thấy tín dụng 4 tháng đầu năm 2012 gần như không tăng so với cùng kỳ năm ngoái (âm 0,66%), riêng quý I tín dụng âm 1,96%. Tín dụng tăng trưởng âm đang phản ánh khó khăn chồng chất của cộng đồng DN. Con số DN nộp đơn ngừng hoạt động, phá sản, giải thể trong 4 tháng đầu năm trên cả nước hơn 17.000, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank, cho rằng DN thiếu vốn là nghịch lý nhưng phải xem xét thực trạng này. Hiện nay, DN muốn tiếp cận vay vốn phải đáp ứng các điều kiện cần và đủ của NH. Trong bối cảnh đa phần DN đều vướng nợ xấu sẽ rất khó được vay tiếp bởi NH sợ gặp thêm rủi ro. Mới đây, NH Nhà nước có văn bản dãn nợ, cơ cấu lại nợ… nhưng chỉ đối với các DN thật sự có triển vọng phát triển.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, phân tích: Chỉ riêng DN nhỏ và vừa đã “ôm” hết khoảng 96%-97% số lượng DN Việt Nam. Tuy nhiên, không phải DN nhỏ và vừa nào thuộc đối tượng ưu tiên cũng được vay với lãi suất thấp mà phải là DN có tài chính tốt, không vướng nợ xấu - số này không nhiều. Tình trạng nguy hiểm hiện nay là trong khi DN suy kiệt vì thiếu vốn, NH lại bị “đóng băng” tín dụng đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế…

“Nhà nước có thể dùng nguồn lực từ trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NH Trung ương… nhưng phải giải quyết được nợ xấu nhằm tạo niềm tin cho thị trường, đưa các DN trở lại chuẩn tín dụng” - TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Công khai để tránh lạm dụng

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng đến thời điểm này, NH Nhà nước nên điều hành, quản lý chất lượng tín dụng hơn là lãi suất. Việc áp trần cho vay với một số đối tượng ưu tiên có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng và “phân biệt” hoặc DN thuộc diện ưu đãi nhưng phải vay với lãi suất không ưu đãi… Theo TS Đinh Thế Hiển, các NH thương mại nên công bố tiêu chí, điều kiện cho vay cụ thể đối với từng loại DN (DN thuộc diện ưu tiên, không ưu tiên) một cách công khai để tránh tình trạng NH thừa vốn nhưng không tìm được khách hàng. Công khai điều kiện được vay vốn ưu đãi 15%/năm là cách thức thu hút những DN khỏe, có phương án tài chính tốt, có tài sản thế chấp… biết mà tiếp cận, thay vì để DN đi gõ cửa từng NH như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN