Tín dụng âm, ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ

Thông thường lợi nhuận quý I của NHTM thấp nhất trong năm. Nhưng quý I-2012 dù nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nhiều NHTM tăng trưởng tín dụng âm vẫn có kết quả lợi nhuận “khủng”. Tuy nhiên, các NHTM thừa nhận cửa kiếm lợi nhuận sẽ chật vật hơn khi trần lãi suất cho vay bị áp từ đầu tháng 5 tới.

Lợi nhuận từ đâu khi tín dụng giảm?

Đến thời điểm này nhiều NHTM đã công bố lợi nhuận trước thuế quý I-2012, trong đó có lợi nhuận lớn vẫn là những NHTM cổ phần nhà nước như VCB (1.663 tỷ đồng), VietinBank (1.859 tỷ đồng); những NHTM cổ phần lớn như Sacombank (1.064 tỷ đồng), ACB (837 tỷ đồng sau thuế), MB (885 tỷ đồng), Techcombank (771 tỷ đồng), Eximbank dự kiến 4 tháng đầu năm 2012 đạt 1.400 tỷ đồng…

Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm nguồn thu lợi nhuận lớn của các NHTM chủ yếu từ tín dụng, trong khi đó từ đầu năm đến nay hầu hết NHTM tăng trưởng tín dụng âm nhưng lợi nhuận vẫn rất cao, đơn cử như tăng trưởng tín dụng quý I của Eximbank âm 5%.

Thực ra trong quý I, một số NHTM đã hoàn nhập được dự phòng từ đầu tư tài chính khi TTCK khởi sắc và lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối, dịch vụ.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết những tháng đầu năm NH tập trung thu nợ hơn cho vay, bởi người vay tiền là cá nhân, doanh nghiệp cũng ngại lãi vay cao. NH phải chấp nhận bước lùi tín dụng trong quý I để hạn chế rủi ro.

Tuy nhiên, cũng có NHTM thừa nhận những tháng đầu năm hàng tồn kho tăng cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ dẫn đến nợ xấu có xu hướng tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận khi các NHTM phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Thí dụ có NHTM lợi nhuận quý I trên 800 tỷ đồng nhưng phải tăng trích lập dự phòng 250-300 tỷ đồng.

Tín dụng âm, ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ - 1

Lợi nhuận của các NHTM sẽ khó hơn từ quý II. Ảnh: LÃ ANH

Theo một lãnh đạo NH cổ phần, thời gian qua đa phần NHTM vẫn hưởng lợi do chi phí đầu vào giảm mạnh khi NHNN hạ trần lãi suất huy động, nhưng đầu ra vẫn cao.

Bởi dù tăng trưởng tín dụng chậm nhưng với những khoản dư nợ tín dụng cũ, các NHTM vẫn không điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, trong khi lãi suất đầu vào đã giảm dần, thậm chí có NHTM còn tăng lãi suất cho vay ở những kỳ thu nợ tiếp theo.

Ngoài ra, dù tín dụng giảm nhưng các NHTM vẫn còn nhiều cửa khác để kiếm lợi nhuận. Chẳng hạn thay vì cho vay dễ bị rủi ro các NHTM lớn đã đón đầu mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu do NHNN phát hành, đổ vốn kinh doanh liên NH và đẩy mạnh đầu tư tài chính vào những cổ phiếu tiềm năng.

Hay hàng loạt NHTM lớn sau thời gian đầu tư công nghệ phát triển dịch vụ, nay đã tận thu bằng nhiều loại phí khác nhau.

Như VCB thu phí chuyển khoản nội bộ và phí quản lý tài khoản, Techcombank đẩy mạnh thu các loại phí tài khoản bắt đầu từ tháng 5. Có thể thấy hiện nay 1 tài khoản thẻ cá nhân có thể chịu 5-10 loại phí, rẻ nhất 5.000 đồng, cao nhất 55.000-60.000 đồng, trong khi số lượng thẻ phát hành trên toàn quốc lên đến 40 triệu.

Sẽ khó hơn từ quý II

Dù lợi nhuận quý I khả quan nhưng nhiều NHTM thừa nhận cửa kiếm lợi nhuận đang khó hơn khi NHNN áp trần lãi suất cho vay 4 đối tượng được ưu tiên hiện đang chiếm 80-90% tổng dư nợ của NH. Điều này tất yếu ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, cụ thể là nguồn thu tín dụng cho NH từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, lãi suất tín phiếu, trái phiếu chính phủ liên tục giảm, cùng với việc NHNN giảm hạn mức phát hành tín phiếu, đang gây áp lực cho các NHTM lớn trong việc tiêu thụ nguồn vốn đang thừa.

Một lãnh đạo DongABank thừa nhận, thời điểm này không dễ tăng trưởng tín dụng, bởi dù lãi suất cho vay giảm nhưng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp chưa tăng. Theo ông Trương Văn Phước, cơ cấu lợi nhuận của Eximbank đóng góp 70-72% từ hoạt động tín dụng, 25% hoạt động về ngoại hối, vàng.

Tỷ giá hối đoái hiện nay rất ổn định, người dân bán USD lấy tiền đồng làm chênh lệch giá mua - bán của NH ít hơn. Với vàng, NHNN định hướng quản lý chặt thị trường vàng qua việc cấm huy động và cho vay vàng, cấm hoán đổi vàng… cũng gây khó trong việc kiếm lợi nhuận từ mảng này.

Hàng loạt NHTM khác như MB, ACB, LienVietPostBank, VPBank, MaritimeBank… bắt đầu tung các gói tín dụng cho vay lãi suất 15%/năm. LienVietPostBank công bố gói tín dụng 6.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục giảm 1% lãi suất khi khách hàng cá nhân trả gốc và lãi đúng hạn. NH này cũng dành ra 200 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm cho hộ nông dân vùng ĐBSCL.

VPBank vừa công bố có gói tín dụng lãi suất ưu đãi 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các NHTM sẽ khó mở rộng tín dụng ngay mà phải có độ trễ 1-2 tháng.

Bên cạnh đó, dù NHNN đã cho phép cơ cấu lại nợ cho khách hàng nhưng nhiều NHTM cho biết vẫn chọn lọc kỹ khách hàng chứ không thể mạnh tay vì nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thấy được triển vọng đầu ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN