Nóng trong tuần: Bông hồng tỷ phú Việt dính "hạn" lớn chưa từng có
Chỉ trong 2 ngày, sự cố liên tiếp xảy ra với Vietjet Air khiến hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bị đưa vào diện giám sát đặc biệt.
Cổ phiếu Vietjet Air lao dốc không phanh sau loạt sự cố
VJC của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đánh mất 4% giá trị trong vòng 1 tuần giao dịch vừa qua
Một loạt sự cố với Vietjet Air liên tục xảy ra tuần này. Trước hết vụ việc ngày 24/12 trên chuyến bay VJ861 hành trình dự kiến từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau khi tàu bay cất cánh khoảng 2 tiếng, cơ trưởng quyết định hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan) để kiểm tra kỹ thuật do phát hiện cảnh báo kỹ thuật tại buồng hàng sau.
Ngay sau đó, một chuyến bay của Vietjet Air chặng bay Cam Ranh-Thành phố Hồ Chí Minh sau khi cất cánh gặp trục trặc kỹ thuật nên quay đầu về hạ cánh tại sân bay Cam Ranh. Tuy nhiên, tàu bay đã... hạ nhầm sang đường băng mặc dù đã có cảnh báo đầy đủ.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết đưa Vietjet vào giám sát đặc biệt. Trước đó, hồi cuối tháng 11, Vietjet Air cũng chính là hãng hàng không "dính" lỗi hạ cánh bằng... bụng máy bay vì 2 bánh trước.
Ngay trong ngày 25/12, VJC của Vietjet Air đã bị nhà đầu tư bán mạnh và mất 2.400 đồng (1,9%) xuống 121.900 đồng/cổ phiếu.
Chốt tuần, VJC thậm chí chỉ còn 120.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, VJC đã đánh mất 4% giá trị trong vòng 1 tuần giao dịch vừa qua và giảm tới hơn 21% so với thời điểm 3 tháng trước.
Theo tính toán, khối tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện chỉ là 2,5 tỷ USD, giảm tới 600 triệu USD so với hồi tháng 3.
Nhăm nhe đánh thuế xe ôm, quán cóc
Một trong những thông tin gây chú ý tuần qua là cả nước hiện còn 581.700 hộ có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế.
Trong văn bản gửi các cục thuế, Tổng cục Thuế đề nghị các đơn vị liên quan đưa ngay các hộ kinh doanh này vào diện quản lý của năm 2019. Tổng cục Thuế cũng lưu ý việc rà soát các đối tượng như: xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các địa điểm tự phát, không chính thức được hoạt động như chợ tạm, chợ cóc...
Điều này đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng bởi xe ôm, xe lam, quán cóc là các đối tượng rất nhỏ, rải rác và không ổn định. Việc này nếu không được thực hiện tốt, thậm chí có thể trở thành kênh để lạm dụng cho những người được giao để thu thuế các đối tượng trên.
Lên tiếng sau đó, phía Tổng cục Thuế giải thích, việc rà soát và đưa vào diện quản lý chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, thường xuyên. Ngoài ra theo giải thích, đây là công việc thường xuyên của cơ quan thuế đặc biệt vào những dịp cuối năm dương lịch để đưa vào diện quản lý và công khai thông tin, bao gồm cả những hộ kinh doanh chưa đến mức nộp thuế.
Vinasun và Grab hòa giải bất thành, Tòa buộc Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng
Phía Grab cho biết sẽ kháng cáo với phán quyết sơ thẩm này của Tòa án Nhân dân TPHCM
Sau gần một tháng hòa giải nhưng bất thành, Tòa án Nhân dân TPHCM tiếp tục đưa vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab ra xét xử.
Tới 28/12, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm vụ kiện. Hội đồng xét xử nhận định Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải. Hội đồng xét xử nhận định là Vinasun có thiệt hại nhưng không chứng minh được Grab là nguyên nhân duy nhất khiến Vinasun thiệt hại.
Qua đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền hơn 4,8 tỷ đồng và Grab chịu án phí 112 triệu đồng cho khoản này. Tuy nhiên, lên tiếng sau đó, phía Grab cho biết sẽ kháng cáo với phán quyết sơ thẩm này của Tòa án Nhân dân TPHCM.
Trước đó, Vinasun khởi kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.
Thủ tướng cho phép trường đua ngựa 420 triệu đô vào quy hoạch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030. Đáng chú ý, quy hoạch có bổ sung dự án "Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa" (có hoạt động kinh doanh đặt cược).
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa có tổng mức đầu tư khoảng 420 triệu USD và dự kiến sẽ được xây dựng trên mảnh đất rộng hơn 100ha, thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn.
Trước đó, phía Hà Nội đã tính toán, dự án nếu đưa vào vận hành toàn bộ thì thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình địa phương thu được có thể đạt 40-50 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng dự kiến khoảng 100-200 triệu USD mỗi năm. Qua đó, nếu dự án vận hành, số thuế thu về khoảng 250 triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, dự án đi vào hoạt động có thể thu hút khoảng 600 lao động trực tiếp. Hoạt động phụ trợ cũng sẽ tạo việc làm khoảng 1.500-2.000 lao động.
Về đơn vị đầu tư dự án này, đại diện UBND thành phố cho biết, đây là liên danh giữa một số nhà đầu tư nước ngoài, có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Tuy nhiên, Hà Nội không nêu cụ thể về tên nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép trường đua ngựa 420 triệu đô vào quy hoạch Hà Nội.
Metro Bến Thành - Suối Tiên bị kiến nghị xử lý tài chính gần 2.900 tỷ đồng
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt vấn đề tại dự án metro số 1 TP.HCM là tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Theo báo cáo, việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt duyệt điều chỉnh dự án đầu tư là chưa đúng thẩm quyền. Theo báo cáo, dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 47.325 tỷ đồng và đã trở thành dự án quan trọng quốc gia. Theo quy định, dự án phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đáng nói là việc nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư theo báo cáo của ban quản lý dự án có nhiều chỗ thiếu cơ sở và luận cứ. Ví dụ, tờ trình của Ban Quản lý đường sắt đô thị chỉ ra nguyên nhân do "sự biến động giá khách quan của nguyên vật liệu và tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009 làm tăng tổng mức đầu tư lên 40%". Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại thì trượt giá khoảng thời gian trên là 31% (sai lệch với tính toán của ban quản lý dự án là 9%).
Việc tính toán hiệu quả kinh tế theo đánh giá cũng chưa phù hợp khi tư vấn điều chỉnh lợi ích kinh tế từ 12,2 tỷ yên lên 28,9 tỷ yên khi không có những luận cứ chính xác.
Tại phần kiến nghị, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị liên quan phải xử lý tài chính số tiền lên đến 2.898 tỉ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách hơn 18 tỉ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ đồng, giảm trừ các khoản thanh toán cho nhà thầu hơn 96,5 tỉ đồng và xử lý khác trên 2.648 tỉ đồng.
Hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng AirAsia đã bày tỏ tham vọng thâm nhập vào thị trường Việt Nam với một loạt đường...