Nợ xấu tiếp tục gây sức ép lên thanh khoản NH

Tại buổi giải trình sáng ngày 31-10, Thống đốc cho biết hệ thống ngân hàng đã khoanh nợ, giãn nợ 36.000 tỉ đồng từ tháng 4 đến nay. Bên cạnh đó, kể từ ngày 15-7 đến nay, nợ có lãi suất trên 15% đã giảm xuống 15% tổng dư nợ, từ tỷ lệ 80% trước đó.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của 56 tổ chức tín dụng chiếm 8,82 % tổng dư nợ tín dụng, tương đương khoảng 2,5 đến 2,8 triệu tỷ đồng. Và hiện nợ xấu không chỉ là điểm nghẽn của dòng chảy vốn ra nền kinh tế mà còn đang gây sức ép lên thanh khoản của chính hệ thống ngân hàng.

Tính từ đầu năm tới nay, con số nợ xấu đã được giải quyết khoảng 36.000 tỷ đồng, tuy nhiên, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng vẫn chiếm khoảng từ 8,8%-10% trên tổng dư nợ. Trong số này, 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo và hiện tại các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được dự phòng rủi ro lên tới 70.000 tỷ đồng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tồn kho - một nguyên nhân lớn liên quan đến nợ xấu, không phải là mối lo quá lớn. Theo ông, hàng tồn kho chiếm khoảng 20% nhưng chưa có báo cáo nào nói 20% của cái gì.

Theo tính toán của Thống đốc Bình, sản xuất chiếm 50% GDP, hàng hóa tồn kho mà khoảng 20% của 50% GDP thì số hàng tồn kho đó chiếm tới 4% nợ xấu của hệ thống ngân hàng. “Nếu giải quyết được số hàng tồn kho này thì đã giải quyết được 4% nợ xấu”.

Nợ xấu tiếp tục gây sức ép lên thanh khoản NH - 1
Nợ xấu tiếp tục gây sức ép lên thanh khoản hệ thống ngân hàng

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), tình trạng nợ xấu hiện nay không phải "xấu" mà là "quá xấu".

Theo thống kê, so với thời điểm 1/1/2012, hiện tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng từ 2,03% lên 3,47%, hay Vietinbank cũng tăng từ 0,74% lên 2,45%. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng gần 2.000 tỷ đồng. Một trường hợp khác là Navibank, nợ xấu tính đến 30/6 là 511 tỷ đồng, trong đó 45% là nợ có khả năng mất vốn,tương đương 231 tỷ đồng.

Trước thực tế này, theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng, chính sức ép nợ xấu đang khiến nhiều ngân hàng thanh khoản mạnh vẫn tiếp tục nuôi lãi suất.

Theo khảo sát của PV, thường về cuối năm, nhiều người dân có nhu cầu rút tiền để mua sắm hay kinh doanh, và trong số đó sẽ có những khoản tiền đang nằm trong nợ xấu. Nợ không đòi được, lại phải trả cả lãi lẫn gốc cho các khoản tiền huy động đang tạo sức ép lên thanh khoản của các ngân hàng.

Nhìn nhận vấn đề này, TS Trần Thị Xuân - Phó khoa Ngân Hàng ĐH Kinh tế chỉ ra rằng các ngân hàng buộc phải sử dụng các biện pháp tích cực thì mới có thể thu hồi nợ.

Cũng theo TS Trần Thị Xuân, những khoản nợ nào không thể thu hồi được thì giải pháp hiện nay đã và đang làm là sử dụng dự phòng để bù đắp những khoản nợ khó đòi và không đòi được. Bên cạnh đó ngân hàng còn thực hiện tái cơ cấu ngân hàng mình, làm lành mạnh tài chính để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

Theo một số chuyên gia kinh tế, để hạn chế tác động của nợ xấu lên hệ thống ngân hàng, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt trong việc hỗ trợ các ngân hàng thông qua thị trường mở. Còn về lâu dài phải sớm tìm biện pháp từng bước giúp các ngân hàng giải quyết bài toàn nợ xấu và xem như một chiến lược quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN