Những nỗi khổ của doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động đang ngày càng nhiều. Nguyên nhân một phần xuất phát từ những quy định tiền hậu bất nhất của cơ quan thuế và chính quyền địa phương.

Bất công?

Liên tiếp tại các cuộc đối thoại với DN được ngành Thuế tổ chức vừa qua cho thấy, nhiều DN lên tiếng tố cáo việc bị đối xử bất công, gây khó khăn trong hoạt động. Bức xúc trước sự cứng nhắc vô cảm của các cán bộ thuế, ông Đoàn Văn Đức, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Đức Hạnh (TPHCM) cho biết, do không được ngành Thuế linh động tháo gỡ để khoanh phần nợ 2,4 tỷ đồng thuế thu nhập DN từ năm 2010, đến nay số nợ thuế tạm tính của Cty tăng lên đến 6,1 tỷ đồng, gấp khoảng 2,5 lần lúc ban đầu.

Bản thân ông Đức bị cấm xuất cảnh năm 2013. Cty đã chủ động đề nghị cơ quan Thuế khoanh phần nợ và cam kết đi vay ngân hàng để trả nợ nhưng không được giải quyết.

Ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Giám đốc Cty Hoàng Trà (Hà Nội) cũng cho biết, suốt 3 năm qua, DN thiệt hại nhiều tỷ đồng vì chính sách không đồng nhất của Bộ Tài chính trong áp dụng truy hoàn thuế đối với các lô xe mà đơn vị này nhập về trong các năm 2006-2007.

“Dù nhiều lần kiến nghị nhưng không được Bộ Tài chính giải quyết. Gửi lên Chính phủ bị trả về Bộ Tài chính. Hỏi lại, Bộ Tài chính bảo trả lời rồi. DN không được hoàn thuế do đã bán hết xe. Với cách làm này, những DN nộp thuế cao như chúng tôi bị thiệt còn các DN nộp thuế thấp lại được lợi”, ông Tuấn nói.

Những nỗi khổ của doanh nghiệp - 1

Số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động đang ngày càng nhiều.

Trước những bức xúc của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trường hợp của DN Hoàng Trà, do sự việc xảy ra từ những năm trước Luật Quản lý thuế nên phải thực hiện theo pháp luật tại thời điểm đó.

“Vì vậy, mới có chuyện có đơn vị được truy thu, truy hoàn, có đơn vị không được”, Thứ trưởng Tuấn nói. Cục trưởng Cục thuế TPHCM, Nguyễn Đình Tấn cũng cho biết, Bộ Tài chính mới đây có văn bản nêu rõ, trong tình hình khó khăn hiện nay, cơ quan quản lý cho phép DN nộp dần số thuế nợ trong hạn định, phần phạt sẽ được khoanh nợ giải quyết sau. “Nếu Cty Đức Hạnh thực hiện đúng cam kết trả nợ dần, cơ quan thuế sẽ giải tỏa lệnh ngừng xuất cảnh cho ông Hạnh”, ông Tấn nói.

Tiền hậu bất nhất

Dù không bị vướng về vấn đề chính sách, nhưng Cty Cổ phần Tập đoàn Hằng An (TPHCM) đã gửi đơn đến Thanh tra Chính phủ và báo chí tố việc bị “treo” dự án trong hơn 10 tháng gây thiệt hại không nhỏ về tài chính chỉ vì một quyết định thanh tra đầy khó hiểu của cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.


 

“Chúng tôi rất bức xúc trước việc nhiều tháng qua UBND tỉnh Trà Vinh không điều chỉnh lại kết luận như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ”.  Ông Nguyễn Thịnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Cty CP tập đoàn Hằng An

 Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thịnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Cty cho biết, ngày 23/11/2012, Cty Hằng An có quyết định trúng gói thầu xây dựng tuyến đường số 01 Khu kinh tế Định An với tổng vốn đầu tư 66,4 tỷ đồng. 9 DN khác cùng tham gia đấu thầu không có đơn vị nào khiếu kiện kết quả đấu thầu, nhưng sau đó hai ngày, Chủ tịch UBND tỉnh (đã xin nghỉ hưu trước thời hạn) chỉ đạo lập đoàn thanh tra dự án và việc đấu thầu.

Một tuần sau đó, tỉnh Trà Vinh ra tiếp kết luận thanh tra số 01 đóng dấu “lưu hành nội bộ” quyết định đình chỉ hoặc không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu với lý do đơn vị trúng thầu có vi phạm về đấu thầu.

Trước việc làm khó hiểu của lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh, đại diện Cty Hằng An làm đơn đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Qua làm việc với các bên, Thanh tra Chính phủ đã có Công văn số 1029 ngày 9/5/2013 đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh tự xem lại kết luận thanh tra để điều chỉnh cho phù hợp. Công văn của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc lập đoàn thanh tra của tỉnh Trà Vinh có những điểm không đúng quy định pháp luật.

Ngay việc kết luận thanh tra có ghi chú “lưu hành nội bộ” và không thông báo cho đối tượng thanh tra biết là vi phạm quy định của Luật Thanh tra. Tuy nhiên, bất chấp ý kiến của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), UBND tỉnh Trà Vinh vẫn kiên quyết bảo lưu quyết định đồng thời yêu cầu tổ chức lại việc đấu thầu mà không đưa ra được lý lẽ thuyết phục.

Ông Nguyễn Thịnh Sơn cũng cho biết, tại buổi làm việc của Thanh tra Chính phủ với tỉnh Trà Vinh và các sở ngành liên quan, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc thanh tra của tỉnh Trà Vinh có nhiều vấn đề không bình thường. Chẳng hạn, cuộc thanh tra gói thầu nằm trong kế hoạch năm 2013 nhưng năm 2012 đã được triển khai. Việc thanh tra tỉnh yêu cầu chấm lại 5 nhà thầu không đạt cũng là vấn đề không bình thường.

“Chúng tôi rất bức xúc trước việc nhiều tháng qua UBND tỉnh Trà Vinh không điều chỉnh lại kết luận như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Sự việc kéo dài này gây thiệt hại cho DN đồng thời làm gián đoạn chính sách đầu tư công, gây lãng phí cho tỉnh trong quá trình đầu tư dự án. Việc này không khác gì DN bị UBND tỉnh gây khó khăn để lật kèo”, ông Sơn cho biết.

Về trường hợp UBND tỉnh Trà Vinh “gây khó” cho DN trúng thầu, theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, nếu UBND Trà Vinh không căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý hợp tình hợp lý thì cơ quan thanh tra sẽ vào cuộc thanh tra toàn bộ dự án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PHẠM TUYÊN (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN