NHNN có thể có thương hiệu vàng riêng

Tình trạng giá vàng trong nước “vênh” khá cao so với giá thế giới được các ĐB Quốc Hội đưa vào nghị sự khiến hội trường trở nên sôi động.

Vấn đề chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, làm thế nào để huy động được nguồn vàng lớn trong dân vào phát triển kinh tế và tại sao vàng SJC mà không phải là thương hiệu vàng khác đại diện cho thương hiệu vàng quốc gia là những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình sáng 13/11.

NHNN có thể có thương hiệu vàng riêng - 1
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) phản ánh tình trạng chênh lệch kéo dài giữa giá vàng trong nước và quốc tế và yêu cầu Thống đốc Bình lý giải gì về vấn đề này, và pháp gì để huy động nguồn lực vàng của người dân vào sản xuất?

Trước thực trạng chênh lệch giá vàng trong ngoài nước, Thống đốc Bình cho biết trước đây mỗi khi giá vàng trong nước biến động lên hoặc xuống, gây ra biến động về kinh tế vĩ mô. Nếu giá trong nước cao hơn giá thế giới chỉ 400 nghìn thôi đã có hiện tượng đầu cơ vàng. Mỗi năm lượng vàng buôn lậu từ 10-30 tấn. Tình trạng đầu cơ khiến thị trường chợ đen tăng cao, kéo theo tỷ giá thị trường chính thức tăng, từ đó ảnh hưởng đến nhập khẩu. Tỷ giá tăng như vậy sẽ làm cho mặt bằng nhập khẩu tăng lên. Từ đó ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát, ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và gây chảy máu ngoại tệ.

“Vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không phục vụ quốc kế dân sinh, nhưng vì tính chất ảnh hưởng của nó như vậy buộc Chính phủ và NHNN phải cho phép nhập khẩu qua con đường chính thức, để ổn định giá vàng trong nước quốc tế kéo gần nhau hơn”, Thống đốc Bình nói.

Tuy nhiên theo Thống đốc, gần đây môi trường pháp lý thị trường vàng không rõ ràng, gây ra nhiều bất cập. Từ đó NHNN đã trình Chính phủ nghị định 24, có hiệu lực từ tháng 5/2012. Nghị định này quy định nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng. Cũng từ đó thị trường không còn hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng dần lên, từ 1 triệu nay mức chênh lên đến 3 triệu đồng mỗi lượng. “Mặc dù chênh lệch lớn nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô cũng như chỉ tiêu giá cả, hàng hóa của đất nước”.

Thống đốc Bình cũng nhấn mạnh, Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng và vàng cũng không thuộc diện bình ổn giá. Về huy động vàng trong dân, Thống đốc Bình cho biết trong dân hiện có khoảng 250-300 tấn vàng. Con số này tương đương khoảng 15 USD nằm bất động vào vàng, một nguồn lực rất lớn đang bị lãng phí.

Trước thực tế đó, theo Thống đốc Bình làm thế nào để huy động vàng trong dân là thách thức lớn. Nghị định 24 chính là môi trường pháp lý để chống vàng hóa trong nước. Chỉ trong vòng hơn 5 tháng, các tổ chức tín dụng đã mua lại của dân khoảng 60 tấn vàng.

Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết về lý do NHNN không quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu,Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trước đây vàng được coi là loại hàng hóa bình thường, do đó không có cơ quan nào quản lý chất lượng. “Cũng chính vì lý do này mà NHNN phải xây dựng Nghị định 24, từ đó lấy cơ sở để chuẩn hóa chất lượng vàng”, ông Bình nói.

Quá trình chuẩn hóa này, theo Thống đốc được bắt đầu từ việc lấy SJC, thương hiệu đang chiếm khoảng 90% vàng miếng trên thị trường làm chuẩn. “Khi thị trường ổn định, cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ có thương hiệu vàng miếng của riêng mình, cho lưu hành song song trước khi quy chuẩn hóa về một loại”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN