Nhiều ngân hàng mất doanh thu lớn

Nhiều ngân hàng cho biết khi điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về dưới 15%/năm, lợi nhuận đã giảm đi hàng nghìn tỷ.

Yêu cầu giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm của Thống đốc đã được nhiều ngân hàng lớn thực hiện nghiêm túc. Tính đến thời điểm này, đã có hàng chục ngân hàng công bố giảm lãi suất các khoản vay cũ, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy vậy, việc điều chỉnh giảm này cũng khiến các ngân hàng chịu mất doanh thu, lợi nhuận khá lớn.

Theo ông Nguyễn Minh Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), tính riêng đợt thực hiện giảm lãi suất khoản vay cũ về dưới 15% một năm, Vietinbank mỗi ngày chịu thiêt hại khoảng 6,5 – 7 tỷ đồng.

Vietinbank đã phải xem xét, tính toán lại giảm giảm thiệt hại, trong đó, loại bỏ bớt các nguồn vốn có lãi suât cao. Thay vào đó, Vietinbank tìm kiếm các nguồn vốn có lãi suất tốt hơn để cơ cấu lại lãi suất huy động bình quân, đồng thời tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhằm tăng quy mô và tăng doanh thu. Cũng theo ông Thắng, nhờ có biện pháp này nên sau một tháng, thiệt hại từ việc giảm lãi suất được rút xuống còn 2 - 2,5 tỷ đồng mỗi ngày.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã tiến hành 2 đợt giảm lãi suất. Đợt 1 vào đầu tháng 4/2012, Vietcombank đã giảm khoảng 750 tỷ đồng tiền lãi phải thu. Đợt 2, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN đưa lãi suất về 15%/năm (15/7/2012), Vietcombank đã đưa ra nhiều gói tín dụng - sản phẩm chỉ ở mức 12 - 13%/năm, thậm chí có một số trường hợp là 10 - 11%/năm.

Tính tổng cả hai đợt, lợi nhuận của Vietcombank giảm khoảng 1.550 tỷ đồng. Vietcombank đã phải tiết giảm một số lĩnh vực, đồng thời đẩy mạnh phát triển nhiều hoạt động để bù đắp mức giảm trên.

Cùng khởi động khá sớm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã thực hiện hạ lãi suất các khoản vay cũ về mức 15%/năm.

Theo đó, Agribank áp dụng mức lãi suất cho vay là 13%/năm đối với 4 nhóm tín dụng thuộc diện ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn các lĩnh vực khác Agribank căn cứ vào nhu cầu vay vốn, uy tín khả năng trả nợ để áp dụng có mức lãi suất cho vay phù hợp với mức tối đa là 15%/năm.

Theo Agribank tính toán, với việc áp mức lãi suất tối đa 15%/năm, doanh thu lãi vay của ngân hàng này có thể sẽ giảm khoảng 4.500 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng Agribank cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, sau các đợt chủ động giảm lãi suất, doanh thu lãi tiền vay của ngân hàng cũng đã giảm hơn 3.000 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Đông Á, trước hạn phải giảm lãi suất cho vay (15/7/2012 ), lãnh đạo ngân hàng nay cũng đã xác định, dù hạ lãi suất sẽ khiến doanh thu giảm sút nhưng ngân hàng Đông Á nói riêng và các ngân hàng khác nói chung đều chấp hành vì đây là giải pháp cần thiết để doanh nghiệp và nhà băng cùng tồn tại trong giai đoạn khó khăn.

Trước khi Thống đốc kêu gọi đưa lãi suất về 15% thì hàng tháng ngân hàng Đông Á đã chủ động giảm lãi suất cho khách hàng có hợp đồng cũ. Tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay cũ (ngắn hạn) được giảm lãi suất chiếm trên 40% tổng dư nợ của Đông Á.

Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, Trần Phương Bình cho biết, việc giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%, cũng khiến ngân hàng giảm khoảng gần 40 tỷ đồng mỗi tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Bách (VnMedia)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN