Nhiều đại gia Việt ngầm, giàu "khủng" lộ diện

Những thương vụ mua cổ phần đấu giá, chuyển nhượng cổ phiếu với giá trị “khủng” diễn ra trong năm 2018 đã thu hút được nhiều sự chú ý của giới kinh doanh.

Những thương vụ mua cổ phần đấu giá, chuyển nhượng cổ phiếu với giá trị “khủng” diễn ra trong năm 2018 đã thu hút được nhiều sự chú ý của giới kinh doanh. Trong đó, nhiều cái tên mới mẻ, ít hoặc hầu như không xuất hiện trên truyền thông đã chi ra khoản tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng trong các thương vụ khiến nhiều người bất ngờ.

Đại gia Chương Mỹ, Hà Nội bạo chi hơn 7.400 tỷ đồng

Chiều ngày 22/11, phiên đấu giá 255 triệu cổ phần Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã diễn ra thành công tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, mức giá khởi điểm trọn lô mà SCIC đưa ra là 5.431 tỷ đồng. Tuy nhiên, vượt ngoài mong đợi của nhiều người, Công ty TNHH An Quý Hưng đã trúng lô cổ phần với mức giá bỏ ra lên tới 28.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 35,6% so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra. Tổng cộng số tiền mà công ty này chi ra là 7.366 tỷ đồng cho lô cổ phiếu nói trên. Chiều ngày 4/12, SCIC đã xác nhận An Quý Hưng đã nộp đủ toàn bộ số tiền nói trên.

Nhiều đại gia Việt ngầm, giàu "khủng" lộ diện - 1

Ông Nguyễn Xuân Đông – CEO của An Quý Hưng

Trước đó, An Quý Hưng vẫn là doanh nghiệp được ít người biết đến, Theo thông tin giới thiệu, công ty này đã có 17 năm thành lập và phát triển. Tháng 4/2017, công ty này tăng vốn điều lệ lên mức 360 tỷ đồng với hai cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông và bà Đỗ Thị Thanh. Trong đó, phần vốn góp của ông Đông là 252 tỷ đồng (chiếm 70%), còn bà Thanh là 108 tỷ đồng (chiếm 30%).

Chi hàng ngàn tỷ mua cổ phần, nhiều đại gia Việt kín tiếng lộ diện

Vào tháng 5/2018, bà Đinh Thu Thủy, một thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Điện Miền Trung (SEB) mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu của công ty. Tổng số tiền mà bà Thủy đã chi ra để mua hết lô cổ phần này là khoảng 240 tỷ đồng.

Đáng chú ý, bà Đinh Thu Thủy khi đó mới được bầu làm Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Điện Miền Trung từ giữa tháng 4 trước đó. Sau khi chi khoản tiền lớn để sở hữu số cổ phần nói trên, bà Thuỷ từ chỗ không nắm cổ phần nào tại Điện Miền Trung đã trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này, nắm 25,18% vốn điều lệ, vượt qua cả ông Đinh Quang Chiến, người đang là Chủ tịch HĐQT của Điện Miền Trung (sở hữu 24,97%).

Tháng 8/2018, Ngân hàng Eximbank đã thông báo bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT Eximbank, đã mua thành công gần 13,8 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,122% vốn điều lệ ngân hàng. Tổng số tiền mà bà Lương Thị Cẩm Tú bỏ ra cho thương vụ này ước tính lên tới 195 tỷ đồng.

Bà Lương Thị Cẩm Tú là người vừa trúng cử vào HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên hồi ngày 27/4 của ngân hàng này (nhiệm kỳ 2015-2020). Bà Tú cũng là người duy nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận trong số 4 ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank khi đó. Trước khi tham gia vào HĐQT Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú từng là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).

Tuy nhiên, các giao dịch trên vẫn chưa thấm vào đâu so với thương vụ sang tên, chuyển nhượng cổ phần trị giá tới cả ngàn tỷ đồng đã được thực hiện tại ngân hàng VPBank.

Nhiều đại gia Việt ngầm, giàu "khủng" lộ diện - 2

Hàng loạt thương vụ chuyển nhượng cổ phần lên tới hàng ngàn tỷ đồng của các đại gia trẻ tuổi ở VPBank

Theo đó vào 15/6/2018, 34,49 triệu cổ phiếu của VPB của Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm đã được chuyển quyền sở hữu cho ông Nguyễn Mạnh Cường. Khi đó, cổ phiếu VPB có giá 49.500 đồng/cổ phiếu, ông Cường có trong tay khối cổ phần giá trị hơn 1.700 tỷ đồng. Ông Cường sinh năm 1995, là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Quản lý đầu tư Tín Tâm.

Trước đó, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2018, cũng đã có 2 đợt chuyển quyền cổ phiếu VPB được thực hiện với tổng khối lượng lên tới 122,7 triệu cổ phần, tương đương 8,2% vốn của VPBank.

Cụ thể, ngày 27/3, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam công bố 4 nhà đầu tư cá nhân đồng thời nhận chuyển quyền gần 100 triệu cổ phần VPB từ Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên. Ngày hiệu lực chuyển quyền là 26/3/2018. Gía trị lô cổ phần này khi đó lên tới khoảng 6.400 tỷ đồng.

Người nhận chuyển nhượng nhiều nhất là bà Đỗ Thị Mai với lượng cổ phiếu được sang tay lên tới 47,5 triệu đơn vị. Các cá nhân khác là bà Đặng Thị Thanh Tâm nhận chuyển nhượng 26,7 triệu cổ phiếu, bà Trần Thị Hương nhận chuyển nhượng 23,2 triệu cổ phiếu và bà Bùi Bích Hạnh nhận chuyển nhượng 2,45 triệu cổ phiếu VPB.

Sau đó không lâu, ngày 11/4, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tiếp tục công bố nhà đầu tư Trần Quốc Anh Thuyên đã nhận chuyển quyền sở hữu 22,7 triệu cổ phần VPB (giá trị gần 1500 tỷ đồng) từ Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Trang Thành. Đáng chú ý là doanh nhân Trần Quốc Anh Thuyên sinh năm 1992, mới 26 tuổi.

Vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng bỏ túi thêm hơn 77 ngàn tỷ, giữ vững ngôi vị giàu nhất

2018 là một năm không mấy thành công đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức suy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN