Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam 2,6 tỷ USD

Sáng nay, 10-12, ông Tanizaki Yasuaki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, dự kiến cả năm tài chính 2012, Nhật Bản sẽ cung cấp khoản viện trợ tương đương 2,6 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam.

Mức cam kết cao hơn năm ngoái

Phát biểu tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam sáng nay, ông Tanizaki Yasuaki nói, sáu tháng đầu tài khóa 2012 (tài khóa của Nhật, sẽ kết thúc vào tháng 3-2013), Nhật Bản cam kết cung cấp khoảng 1,4 tỷ USD USD cho các dự án vốn vay ODA mới. Trong cả năm tài chính 2012 này, Nhật Bản có thể cung cấp khoản viện trợ khoảng 2,6 tỷ USD.

Theo ông Tanizaki Yasuaki, con số ODA cho Việt Nam chưa cố định mà còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ chuẩn bị dự án của Chính phủ Việt Nam.

“Tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam chỉ đạo để các dự án đuợc thực hiện một cách thuận lợi, qua đó hợp tác ODA của Nhật Bản sẽ tiếp tục mang lại nhiều thành công” - ông Tanizaki Yasuaki nói.

Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam 2,6 tỷ USD - 1
Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam sáng nay, 10-12.

Cam kết cung cấp khoản ODA 2,6 tỷ USD cho Việt Nam trong năm tài khoán 2012 đã vượt mức viện trợ của năm ngoái. Trong Hội nghị CG 2011, Nhật cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản vay ODA trị giá 1,9 tỷ USD.

Trao đổi với báo chí, ông Motonori Tsuno - Trưởng Đại diện của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, trong năm tài chính tới (2013), Nhật Bản muốn tiếp tục làm nhà tài trợ lớn nhất về ODA cho Việt Nam.

Theo ông Motonori Tsuno, hai lĩnh vực lớn mà Nhật Bản muốn tập trung hợp tác là cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Thực tế, khi Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành nuớc có nền công nghiệp phát triển, Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển nguồn nhân công cấp cao, lao động có tay nghề.

Qua các kỳ CG, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Theo đại diện của JICA, tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA trong những năm qua ngày càng tiến bộ, nhờ vào các cải cách từ phía Chính phủ Việt Nam.

Ba thách thức cần giải quyết

Sáng 10-12, ngoài khoản cam kết của Nhật Bản, đại diện Hàn Quốc cũng tuyên bố, trong giai đoạn từ 2012-2015, Hàn Quốc sẽ cung cấp khoản tài trợ 1,2 tỷ USD cho Việt Nam, bên cạnh các dự án hợp tác hàng năm từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Ông Tanizaki Yasuaki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp cụ thể về tái cấu trúc kinh tế trong những năm tới. Trong đó, vấn đề cấp bách nhất là xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh và điều này đòi hỏi phải giải quyết được vấn đề nợ xấu và tái cấu trúc lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Tanizaki Yasuaki, hiện, có ba thách thức mà Việt Nam cần giải quyết.

Thứ nhất, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước láng giềng ngày càng gia tăng, Việt Nam cần lựa chọn ra các ngành công nghiệp chiến lược có nhiều tiềm năng, giúp tăng cường giá trị gia tăng và tính cạnh tranh, phân bổ nguồn lực một cách tập trung để đẩy mạnh dòng vốn FDI vào Việt Nam và đẩy mạnh hiệu ứng lan toả đối với các doanh nghiệp trong nước ở các ngành công nghiệp chiến lược này.

Thứ hai, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, đặc biệt mong đợi có nhiều sáng kiến hơn nữa từ các cơ quan nhà nước nhằm nắm bắt đầy đủ những nhu cầu và khó khăn của các doanh nghiệp và phản ánh một cách kịp thời vào các chính sách.

Cuối cùng là Việt Nam cần sử dụng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA một cách hiệu quả và chiến lược hơn để đáp ứng những yêu cầu tài chính quy mô lớn của đất nước mình.

Theo bà Vitoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - tại Hội nghị CG năm nay, các nhà tài trợ song phuơng và đa phương dự kiến không công bố con số cụ thể về cam kết ODA như mọi năm.

Đây cũng là kỳ họp cuối cùng mang tên Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ.
Từ năm sau, theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Hội nghị sẽ đổi tên thành Diễn đàn Phát triển Việt Nam và chỉ tổ chức mỗi năm một lần, thay vì hai lần vào giữa và cuối năm như hiện nay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Cầm (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN