Ngành bất động sản tìm cách “vượt cạn”

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với các chính sách mới và hàng loạt ý tưởng đề xuất của DN, nhiều khả năng ngành bất động sản sẽ khởi sắc.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay vẫn còn tồn kho hơn 23.000 căn hộ, 15.000 căn nhà thấp tầng, 10,6 triệu m² nền đất nhà ở và 2 triệu m² đất thương mại… Tổng giá trị khoảng 100.000 tỉ đồng. Đây là những thách thức mà thị trường bất động sản (BĐS) sẽ còn đối diện vào năm 2014.

Vùng vẫy trong khó khăn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết năm 2014, những khó khăn về hàng tồn kho, nợ xấu, người mua nhà gặp vướng khi tiếp cận nguồn vốn vay sẽ vẫn còn tồn tại đeo bám. Nghị quyết 02 triển khai chậm mất một năm và khi đi vào thực tế lại chưa đồng bộ. Tính đến giữa tháng 12-2013, gói 30.000 tỉ đồng mới chỉ giải ngân được 1,8%.

Ngành bất động sản tìm cách “vượt cạn” - 1

Với các chính sách mới, nhiều khả năng ngành bất động sản sẽ khởi sắc. Ảnh: HTD

“Khó khăn thị trường hiện nay là thanh khoản thấp nhưng thanh khoản thấp ở đây không phải do thị trường không có nhu cầu nhà ở mà do cung khập khiễng với cầu. Trong số hơn 10.000 căn hộ tồn kho tại TP.HCM, có đến 70% là có diện tích trên 70 m², trong khi đó, phần lớn nhu cầu của người mua nhà lại là nhà ở dưới diện tích này. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM có dự án muốn điều chỉnh diện tích phù hợp với nhu cầu theo chủ trương Nghị quyết 02 của Chính phủ nhưng chưa được TP chấp thuận với lý do gia tăng dân số cơ học” - ông Châu phân tích.

Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng không nên “tô hồng” thị trường BĐS, nếu không có tính thanh khoản, thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn, năm 2014 mới là đáy của BĐS. Số liệu tồn kho BĐS vẫn chưa chính xác, thực tế còn cao gấp nhiều lần. Với những chính sách đang được triển khai áp dụng sẽ tạo điều kiện cho làn sóng đầu tư căn hộ nhỏ.

Khơi nguồn cung, kích nhu cầu    

Ông Lê Hoàng Châu cho hay những kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP.HCM trình Chính phủ về cơ bản đã được chấp thuận. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét việc cho người tiêu dùng vay mức lãi suất thấp hơn 6% và đồng ý điều chỉnh thời hạn cho vay lên 15 năm. Việc ân hạn ba năm đầu không phải trả nợ gốc và lãi vay cũng đang được nghiên cứu. Vấn đề khách hàng được thế chấp tiền vay bằng chính căn hộ của mình cũng được chấp thuận. Và Chính phủ cũng tán đồng việc cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực, hy vọng thị trường BĐS năm 2014 sẽ khả quan hơn.

“Việc nới điều kiện mua nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Việt kiều trong thời điểm này là rất cần thiết. Đây là phương thức xuất khẩu tại chỗ và làm tăng giá trị tài sản quốc gia, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. “Tảng băng” BĐS chủ yếu nằm ở phân khúc cao cấp, do đó chỉ nên cho phép người nước ngoài mua căn hộ giá cao. Tuy nhiên, nên giới hạn chỉ cho phép một cá nhân nước ngoài mua tối đa hai căn hộ nhằm tránh những nguy cơ ngoài mong muốn có thể xảy ra” - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho hay.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, tiết lộ sắp tới sẽ tiếp tục xây dựng những dự án chung cư cho thuê dài hạn, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp và trung bình. Đối tượng người mua có nhu cầu về nhà ở là tương đối lớn và nhiều khả năng sẽ chọn nhà ở phân khúc này. Đây cũng là cơ hội cho người nước ngoài, Việt kiều đang làm việc tại Việt Nam không có cơ hội mua nhà nhưng vẫn có thể an cư ổn định và thụ hưởng đầy đủ dịch vụ tiện ích.

Đại diện một DN BĐS tại TP.HCM cho rằng Chính phủ cũng cần phải kiên quyết trong việc rà soát, phân loại các dự án để từ đó có cơ sở mạnh tay dừng, thu hồi dự án chứ để đó DN cũng không làm được. Cái nào có thể tiếp tục  thì cho phép triển khai, dự án nào không thể triển khai trả lại quỹ đất cho dân quản lý… Đồng thời, triển khai việc cho phép phân lô, bán nền trở lại nhưng phải phù hợp với quy hoạch. Điều này tạo ra loại hàng hóa mới có thanh khoản cao hơn.

BĐS hút vốn ngoại

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2013, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ ba trong số các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 951 triệu USD. Các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vẫn quan tâm trở lại thị trường BĐS Việt Nam. Lý do là Việt Nam được nhận định đang ở đáy của chu kỳ điều chỉnh giá BĐS và các nhà đầu tư ngoại muốn đón đầu thị trường khi nền kinh tế hồi phục. Một số nhà đầu tư đang nhắm đến việc mua những tài sản có dòng tiền ổn định như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn và kỳ vọng thị trường BĐS Việt Nam là điểm đến đầu tư trung và dài hạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG HUY (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN