Ngân sách chi 59.300 tỷ đồng trả nợ lãi vay 6 tháng đầu năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 649.200 tỷ đồng.Trong đó, chi trả nợ lãi đạt 59.300 tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%; Chi thường xuyên đạt 455.800 tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5%.

Ngân sách chi 59.300 tỷ đồng trả nợ lãi vay 6 tháng đầu năm - 1

Theo Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm đạt 130.000 tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42% (Ảnh minh họa)

Sáng 18.7, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trưc tuyến sơ kết công tác tài chính- NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính- NSNN 6 tháng cuối năm 2018.

Hội nghị được truyền hình trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các địa phương và đông đảo cán bộ ngành Tài chính toàn quốc.

43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán

Trình bày báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành NSNN năm 2018 theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ NSNN năm 2018, phấn đấu thu vượt 3% so dự toán Quốc hội quyết định, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi và tổng mức vay của NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Ngân sách chi 59.300 tỷ đồng trả nợ lãi vay 6 tháng đầu năm - 2

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đức Minh)

Trong điều hành, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2018, quản lý chặt chẽ các khoản thu, khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế...

Đến hết tháng 6.2018, tổng thu NSNN ước 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, thu dầu thô đạt 82,4% dự toán, tăng 25,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54,9% dự toán, tăng 6,9%; thu nội địa đạt 47,6% dự toán, tăng 15,5% (cùng kỳ năm 2017 đạt 45,8% dự toán, tăng 12,9%). Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), số thu nội địa còn lại đạt 46,4% dự toán, tăng khoảng 13%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và CPI 6 tháng (7,08% và 3,29%).

Theo Bộ Tài chính, kết quả thu 6 tháng nêu trên là tích cực. Tuy nhiên, tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng đạt thấp so yêu cầu dự toán (thu từ khu vực DNNN đạt 43,7% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; tiến độ thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khá hơn, nhưng cũng mới đạt 47,8% dự toán).

Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu ngân sách trung ương ước đạt 46,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 41,5%); thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán. Riêng về thu nội địa, cả nước có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, cá biệt một số địa phương thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, đạt thấp, dưới 40% dự toán.

Ngân sách chi 59.300 tỷ đồng trả nợ lãi

Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130.000 tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42%; chi trả nợ lãi đạt 59.300 tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ trả nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 455.800 tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5%, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

Riêng thực hiện chi đầu tư XDCB (bao gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ), tuy tiến độ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2017, đạt 31,7% dự toán so với mức 25,6% cùng kỳ, song vẫn chậm so yêu cầu dự toán khi có 35 bộ, ngành trung ương và 6 địa phương giải ngân đạt dưới 25% dự toán. Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Về cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, cân đối NSTW và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; đã thực hiện phát hành 89.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của NSTW theo dự toán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Phương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN