Ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất huy động

Nếu như lãi suất huy động được các ngân hàng đẩy lên cao khoảng từ đầu tháng 8 cho đến cuối tháng 10, bao gồm cả công khai với các kỳ hạn dài lẫn “lách luật” ở các kỳ hạn ngắn, thì nay một số nhà băng lại đi ngược xu hướng đó.

Tại ngân hàng Techcombank, lãi suất huy động cao nhất hiện chỉ còn 12%/năm, thay vì mức 12,5%/năm trước đây. Hay như ngân hàng Eximbank, lãi suất cao nhất chỉ còn 12%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, thay vì mức 12,3 – 12,8% cũ.

Ngân hàng Vietcombank trong khi đó chỉ áp dụng lãi suất 10%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng. Agribank huy động 12%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, còn kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng lần lượt ở mức 11%/năm và 11,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở Vietinbank là 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và từ 10 – 11%/năm cho kỳ hạn từ 13 – 36 tháng.

Trong số các ngân hàng lớn hiện nay chỉ còn ACB và Sacombank là duy trì lãi suất huy động kỳ hạn dài lên tới 13%/năm với kỳ hạn 13 tháng và 12,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Ở nhóm các ngân hàng nhỏ, lãi suất huy động thường được đẩy lên khá cao để cạnh tranh với các ngân hàng lớn, nhưng nay tình trạng đó cũng không còn, thậm chí lãi suất áp dụng còn thấp hơn.

Ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất huy động - 1

Tại LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn 12 và 13 tháng được ngân hàng này chào ở mức 11%/năm, các kỳ hạn đến 24 tháng là 11,5%, chỉ khách hàng gửi tiền kỳ hạn trên 3 năm và lãnh lãi cuối kỳ mới được hưởng mức ưu đãi 12%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn dài của VIB cao nhất chỉ là 11%/năm.

Những cái tên “hot” một thời về chạy đua lãi suất như SeABank hay WesternBank hiện nay cũng đã giảm các mức lãi về mặt bằng chung. Ngân hàng SeABank thông báo lãi suất cao nhất là 12,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và trên 12 tháng chỉ được dao động từ 12 – 12,3%/năm trong khi lãi cao nhất ở WesternBank là 12,5%/năm.

Không chỉ thấy dấu hiệu giảm lãi suất công khai ở các kỳ hạn dài mà việc “lách luật” ở các kỳ hạn ngắn cũng đã giảm rõ rệt.

Tại ngân hàng T., nếu như hồi tháng 10 còn có chương trình tặng tiền mặt cho khách khi gửi tối thiểu từ 100 triệu đồng trở lên và kỳ hạn 1 tháng, mà khi quy ra lãi suất thực thì mức huy động tối thiểu là 10% tùy thuộc số tiền gửi nhiều hay ít cho các kỳ hạn từ 1 – 3 tháng, thì nay nhà băng này lại không có chính sách nào và lãi suất được áp khá nghiêm ở mức 9%.

Hay như tại ngân hàng B., cách đây khoảng 3 tuần, khách hàng có thể dễ dàng thỏa thuận mức cộng khoảng 2% cho các khoản tiền trên 500 triệu đồng và kỳ hạn 1 tháng trở lên, thì nay cũng khó có thể “mặc cả” được mức cộng 1%.

Lý giải hiện tượng này, theo một chuyên gia về tài chính ngân hàng, là do các nhà băng hiện nay đã huy động được một lượng lớn vốn và không vội để tiếp tục đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất đó cũng chỉ mang tính chất tạm thời. “Cùng lắm các ngân hàng duy trì lãi suất thấp đến hết tháng 11, sang tháng 12, một cuộc đua mới sẽ diễn ra rầm rộ khi các ngân hàng triển khai chương trình hút khách dịp Tết”, vị chuyên gia này nói.

Nhân viên giao dịch của ngân hàng T. cũng thừa nhận, nhà băng này chỉ tạm thời dừng chương trình khuyến mại tặng quà và tiền mặt cho khách trong một thời gian ngắn để chờ chương trình mới vào khoảng trung tuần tháng 11.

Tại buổi tập huấn về quản trị rủi ro tín dụng và kinh nghiệm xử lý nợ xấu do Trường đào tạo cán bộ ngân hàng, Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh và Trường đào tạo ngân hàng Thụy Sỹ-Á Châu tổ chức hồi đầu tháng này, diễn giả T.S Lê Xuân Nghĩa nhận định rằng, lãi suất sẽ được đẩy lên một mặt bằng mới vào đầu năm tới, khi mà các ngân hàng bắt đầu bắt tay vào xử lý nợ xấu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Hưng (TTVN)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN