Cần sớm bỏ trần lãi suất huy động

Đánh giá cao sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ theo hướng lạm phát mục tiêu, thận trọng bơm tiền ra nền kinh tế của Ngân hàng nhà nước (NHNN), nhưng một số chuyên gia tài chính tiền tệ khuyến nghị rằng đã đến lúc dỡ bỏ trần lãi suất huy động.

Đó là một trong những nội dung đưa ra tại hội thảo "Đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm năm 2012 và một số khuyến nghị”, do NHNN phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức hôm qua (5-11).

Niềm tin ngân hàng đang sụt giảm

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo cán bộ ngân hàng BIDV cho rằng, niềm tin vào hệ thống ngân hàng đang giảm sút. Tái cơ cấu hệ thống nhà băng đang diễn ra chậm trong khi nợ xấu tăng, rủi ro đạo đức tăng, và tín dụng đen ngày càng xấu hơn.

Các diễn giả tham gia buổi hội thảo cũng cho rằng, nợ xấu đang là vấn đề lớn của nền kinh tế. Cần phải có phương án xử lý nhanh nợ xấu thay vì bàn thảo quá lâu. Vì là vấn đề lớn của nền kinh tế nên tự bản thân ngân hàng thương mại không đủ sức để xử lý. Bởi vậy, việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia do NHNN quản lý là cần thiết để giải quyết "cỗ xe chết máy giữa đường” này.

Cần sớm bỏ trần lãi suất huy động - 1

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị đã đến lúc dỡ bỏ trần lãi suất huy động.

Còn TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định, nợ xấu là vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng và cũng là vấn đề cốt lõi nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nợ xấu đã dẫn đến tình trạng đóng băng tín dụng, làm lo ngại thực sự đối với cả người giữ tiền và người muốn đi vay. Tâm lý này đã giết chết nhiều nền kinh tế trên thế giới chứ không chỉ của riêng Việt Nam cho nên cũng đặt ra cho Việt Nam một vấn đề là nếu không xử lý được nợ xấu thì không gỡ được đóng băng tín dụng. Không gỡ được đóng băng tín dụng thì không thể nào hạ được lãi suất và các doanh nghiệp (DN) sẽ không thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ của các ngân hàng. Điều này khiến cho số lượng DN đứng bên bờ vực phá sản ngày càng tăng.

Kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động

Ông Nghĩa nói, một số ngân hàng đang rục rịch vượt trần lãi suất. Nếu việc áp trần tiếp tục sẽ đẩy ngân hàng đang huy động lãi suất cao vướng vào rủi ro pháp lý khi một số ngân hàng phá trần lãi suất. Khi NHNN áp trần nhưng thanh tra, xử lý không nghiêm thì tính minh bạch cũng như niềm tin vào hệ thống ngân hàng sẽ bị suy giảm. Hiện nay các nhà băng không chỉ chỉ vượt trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay cũng đang được nhiều ngân hàng lách một cách tinh vi. Ví dụ như chuyển vay tiền đồng sang USD hay EURO hoặc các ngoại tệ khác.

TS Nguyễn Thị Mùi – Giám đốc trường Đào tạo nhân lực Vietinbank cho rằng cũng không thể ép cùng một trần lãi suất với nhiều ngân hàng. Không thể có giá chung cho những ngân hàng phạm vi hoạt động khách nhau, năng lực khác nhau, vốn khác nhau được.

Để tránh những hậu quả sau khi dỡ bỏ trần lãi suất như các nhà băng đẩy lãi suất cao ồ ạt, TS Nghĩa cho rằng: "NHNN cần tuyên bố chỉ có trách nhiệm bảo vệ lợi ích người gửi tiền chứ không có nghĩa vụ bảo vệ ngân hàng yếu kém dẫn đến phá sản”. Điều này sẽ giúp người gửi tiền tự biết đâu là ngân hàng tốt nhưng lãi suất vừa phải để đem tiền đến gửi thay vì lao vào những nhà băng thanh khoản kém kêu gọi lãi suất cao ngất ngưởng.

Kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát

Tại hội thảo, cơ quan quản lý và giới chuyên gia cho rằng, lạm phát lõi đang có khả năng quay trở lại cao bởi vậy, mục tiêu điều hành tiền tệ của NHNN đến cuối năm 2012 vẫn là kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành hiện nay là 3,3% so với cuối năm 2011. Dư nợ các khoản vay lãi suất dưới 15% chiếm tỷ trọng khoảng 90%. Song cốt lõi việc tiếp cận vốn của DN vừa và nhỏ còn nhiều khó khăn.

Do vậy công tác điều hành 2 tháng tới chắc chắn bộn bề khó khăn nhưng sẽ kiên trì theo chính sách đã đề ra trong 6 tháng đầu năm. NHNN sẽ giám sát chặt chẽ về lãi suất, theo dõi các ngân hàng trong tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đặc biệt, NHNN sẽ cùng các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về nợ xấu. Cụ thể kiến nghị Bộ Công thương có giải pháp tháo gỡ hàng tồn kho, kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư bảo lãnh DN vừa và nhỏ vay vốn để các NHTM có cơ sở thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đến việc thành lập quỹ phát triển DN vừa và nhỏ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hằng (Đại Đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN