Nên tăng VAT hay tìm cách thu hàng chục ngàn tỷ nợ thuế?

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng thuế VAT từ 10% hiện hành lên 12% như một giải pháp tăng thu ngân sách. Thực tế, vẫn có một nguồn tiền lớn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mà ngành thuế xoay đủ cách vẫn chưa thu hồi được. Đó là tiền nợ thuế.

Nợ thuế tràn lan

Báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số tiền nợ thuế tính đến hết tháng 5/2017 lên tới 75.534 tỷ đồng, tăng 1.390 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016 (đó là chưa tính tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại). Tổng số nợ thuế này bằng 6,2% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trong đó, số tiền thuế nợ trên 90 ngày (có khả năng thu hồi) là 48.207 tỷ đồng (bằng 4% tổng thu ngân sách nhà nước); số tiền thuế nợ của các doanh nghiệp, người kinh doanh đã giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là 27.327 tỷ đồng, tăng 1.878 tỷ đồng ( tăng 7,4%) so với cuối năm 2016.

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý trên 88.500 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 8.000 tỷ đồng. Theo ông Thế, xăng dầu và ô tô đóng góp rất lớn vào số thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2017. Thế nhưng, theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm nhà nước thất thoát khoảng 1.200 tỷ đồng tiền thuế xăng dầu do buôn lậu.

Nên tăng VAT hay tìm cách thu hàng chục ngàn tỷ nợ thuế? - 1

Hình minh họa

Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thực tế, chỉ cần qua thanh kiểm tra đã thu về số tiền không nhỏ trong 6 tháng đầu năm 2017. Thanh tra Bộ Tài chính thanh kiểm tra 16 cuộc đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính số tiền 1.496 tỷ đồng. Cơ quan Thuế thanh kiểm tra được gần 36.700 DN, kiểm tra gần 188.900 hồ sơ khai thuế đã giúp tăng thu cho ngân sách trên 7.600 tỷ đồng; đôn đốc thu được gần 20.000 tỷ đồng số tiền nợ thuế năm trước chuyển sang. Cơ quan Hải quan thực hiện gần 3.900 cuộc kiểm tra sau thông quan, xử lý thu 861 tỷ đồng; xử lý và thu hồi 316 tỷ đồng nợ thuế phát sinh năm trước chuyển sang. Công tác phòng chống buôn lậu cũng giúp tăng thu cho ngân sách 151 tỷ đồng.

Còn khả năng thu hồi cao

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của ngành Thuế, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, trong tổng số tiền thuế nợ vẫn có khả năng thu hồi được khoảng 40%. “Ngành thuế phải xác định thu hồi nợ thuế là nhiệm vụ quan trọng để tăng nguồn thu đóng góp vào ngân sách, để giảm số nợ thuế xuống dưới mức bằng 5% tổng thu ngân sách”, ông Tuấn nói.

 Ước tính việc tăng thuế VAT  2% sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng, từ đó tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 33%. Việc Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp rốt ráo thu hồi nợ thuế chắc chắn sẽ góp phần tăng thu ngân sách bền vững, và tốt hơn rất nhiều so với việc tăng thuế VAT khiến hàng triệu người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo ngành Thuế, việc thu hồi nợ đọng hiện đang có không ít “trục trặc”. Mới đây, qua rà soát hệ thống thuế và báo cáo các địa phương, Tổng cục Thuế phát hiện có 5.799 người nộp thuế đang hoạt động, vẫn phát sinh kê khai thuế, với tổng số tiền thuế nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số đơn vị này lại bị các cơ quan thuế địa phương xếp vào nhóm nợ thuế khó thu (người nộp thuế đã chết, bỏ địa chỉ kinh doanh, chờ giải thể, phá sản, mất khả năng thanh toán...). Tình trạng kê nhầm trên xảy ra ở cả 63/63 cục thuế cả nước. Trong đó, phân sai nhóm nhiều nhất là Cục Thuế TPHCM phân loại nhầm 1.340 trường hợp, với tổng số nợ thuế trên 1.392 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 238 tỷ đồng, Hưng Yên hơn 198 tỷ đồng, Hải Dương hơn 170 tỷ đồng…

Trước sự việc này, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ phân loại nợ thuế của nhóm tiền thuế nợ khó thu, vì đã dừng hoạt động, phá sản nhưng thực tế vẫn hoạt động. 

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa qua, một trong những nguyên nhân làm thất thu ngân sách nhà nước là trốn thuế và chuyển giá cũng được các đại biểu nêu ra. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong những năm qua, vấn nạn chuyển giá, trốn thuế thông qua việc mua bán vật tư, vật liệu, bán sản phẩm chuyển giao công nghệ đã xảy ra tương đối nhiều. Nhiều DN FDI liên tục kê khai thua lỗ, nhưng vẫn mở rộng đầu tư, như Coca-Cola, Pepsico, Lotte, hệ thống siêu thị Metro…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thanh - Tuấn Nguyễn (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN