Mua đất giấy tay cũng được cấp giấy đỏ

Đó là đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đề xuất thu tiền sử dụng đất khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân theo giá đất quy định đối với cả diện tích vượt hạn mức đất ở.

Nhiều kiến nghị để gỡ ách tắc trong việc cấp giấy đỏ hiện nay đã được Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) đưa ra tại Hội nghị xử lý các vướng mắc trong việc cấp giấy đỏ cho nhà đất tổ chức ngày 2-8.

Gỡ vướng cho đất giấy tay

Hiện nay, nhiều địa phương đang tồn đọng hàng ngàn trường hợp sử dụng đất (SDĐ) chưa có giấy đỏ nhưng đã mua bán đất bằng giấy tờ viết tay, không có công chứng, chứng thực từ ngày 1-7-2004 trở lại đây. Theo quy định hiện hành, các trường hợp này không được làm thủ tục cấp giấy đỏ. Để tháo gỡ ách tắc này, Bộ TN&MT đề nghị những trường hợp nêu trên sẽ được làm thủ tục cấp giấy đỏ nếu đất có nguồn gốc đủ điều kiện cấp giấy.

Với những trường hợp người dân tự lấn chiếm, khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng cho các tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch SDĐ lâm nghiệp để cấp giấy đỏ cho những trường hợp người dân tự lấn chiếm, khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp đã ổn định từ trước ngày 1-7-2004, trừ trường hợp phá rừng đặc dụng hoặc rừng xung yếu.

Mua đất giấy tay cũng được cấp giấy đỏ - 1

Bộ TN&MT đề nghị những trường hợp mua đất bằng giấy tay sẽ được làm thủ tục cấp giấy đỏ nếu đất có nguồn gốc đủ điều kiện cấp giấy. Ảnh: HTD

Thu tiền SDĐ theo giá quy định cả với phần vượt hạn mức

Theo quy định hiện hành, khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ ở vượt hạn mức giao đất ở của địa phương, phần diện tích đất ở vượt hạn mức sẽ phải thu theo giá thực tế do UBND tỉnh, TP quyết định đối với từng trường hợp. Để thực hiện quy định này, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn tính thu tiền SDĐ theo hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp giá thực tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng quy định như vậy là rất phức tạp, khó thực hiện.

Hơn nữa, theo Bộ TN&MT, việc thu như vậy làm cho số tiền SDĐ phải nộp trong trường hợp này tăng thêm quá nhiều. Trong khi đối tượng áp dụng trong trường hợp này chủ yếu là hộ nghèo có thu nhập thấp, đa phần là các hộ gia đình SDĐ có nguồn gốc lâu đời không vi phạm. Đây là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng hiện ở nhiều địa phương, người dân phản ứng không nhận giấy đỏ như báo chí đã phản ánh.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ TN&MT đề nghị sửa đổi theo hướng thu tiền SDĐ khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân thống nhất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đối với cả diện tích trong hạn mức và vượt hạn mức giao đất ở. Bộ lý giải cần giảm mức thu tiền SDĐ để khuyến khích người SDĐ tích cực kê khai đăng ký đất đai theo quy định.

Không phạt chậm nộp tiền SDĐ

Theo quy định hiện hành, trường hợp chậm nộp tiền SDĐ thì bị phạt chậm nộp tiền SDĐ. Nhiều ý kiến cho rằng quy định phạt chậm nộp tiền là không thống nhất với quy định về việc cho phép ghi nợ tiền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân. Quy định này là không hợp lý vì chỉ có những người dân thiếu hiểu biết về quy định ghi nợ tiền SDĐ hoặc do khó khăn phải đi vay mượn dẫn đến chậm nộp tiền hoặc chậm làm đơn ghi nợ thì mới phải nộp phạt. Hơn nữa, phần lớn các trường hợp người dân đang SDĐ được cấp đều rất bất ngờ với số tiền lớn phải nộp sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế nên việc xoay sở để có đủ tiền nộp trong vòng 30 ngày là rất khó thực hiện.

Mặt khác, với mức tiền phạt tương đương 18%/năm, cộng thêm số tiền SDĐ phải nộp là khá cao, không phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Như vậy, sẽ không khuyến khích người dân làm thủ tục cấp giấy đỏ và làm ách tắc trong việc cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bỏ quy định phạt chậm nộp tiền SDĐ khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Vân (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN