Mỗi người Việt gánh 800 USD nợ công?

Theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist, tổng nợ công Việt Nam là 71,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm ngoái. Bình quân, mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ 800,07 USD.

Tạp chí The Economist cho hay, nợ bình quân đầu người của Việt Nam vượt ngưỡng 800 USD vào ngày 11-3.

Theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist, tổng nợ công Việt Nam là 71,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm ngoái.

Tính bình quân, mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ 800,07 USD, chiếm 49,4% GDP. Với số liệu này, nợ công Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức trung bình.

Mỗi người Việt gánh 800 USD nợ công? - 1

Mỗi người Việt đã gánh 800 USD nợ công.

Nhật Bản là nước dẫn đầu về tổng nợ với hơn 12.551 tỷ USD. Tuy nhiên, số liệu này đã giảm nhẹ so với đầu năm. Xếp thứ hai trên thế giới là Mỹ với trên 11.855 tỷ USD nợ công.

Ở châu Á, Trung Quốc là quốc gia có tổng nợ lớn thứ hai với trên 1.372 tỷ USD, theo sau là Ấn Độ với khoảng 1.037 tỷ USD. Châu Phi có số quốc gia mắc nợ ít nhất thế giới. Nước nợ nhiều nhất ở đây là Ai Cập với 219 tỷ USD.

Nợ công trong tầm kiểm soát

Bản tin số 1 về nợ công của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2011 do Bộ Tài chính công khai ngày 14-3 cho hay, nợ công của hai năm 2010 và 2011 tương đương 56,3% và 54,9% GDP,vẫn trong tầm kiểm soát.

Bản tin cho hay, nợ nước ngoài tương đương 42,2% GDP năm 2010 và 41,5% GDP năm 2011. Dư nợ Chính phủ so với GDP là 44,6% GDP năm 2010 và 43,2% GDP năm 2011. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2010 là 17,6% và năm 2011 là 15,6%.

Theo chỉ tiêu an toàn nợ công theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011 - 2020 (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương), đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Mỗi người Việt gánh 800 USD nợ công? - 2

Trang bìa Bản tin phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Như vậy, theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), mức nợ công 54,9% GDP năm 2011 trong mức an toàn theo thông lệ quốc tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo đánh giá tháng 6 đầu năm 2012 cũng tính nợ công của Việt Nam chỉ ở mức 48,3% GDP vào cuối năm 2012 và 48,2% GDP vào năm 2013.

Mặt khác, thông lệ quốc tế đối với chỉ tiêu trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách dưới 35% được coi là an toàn. Trên thực tế, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách hàng năm từ 14% đến 16%. Con số này trong năm 2011 là 15,6%, đã thấp hơn so với năm trước đó là 17,6%.

Trong những năm tới, do nhu cầu đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng lên, nợ công dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhưng mức tăng này đã được dự báo và được cụ thể hoá trong Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, theo đó dư nợ công tới năm 2015 không quá 65% GDP.

Bản tin về nợ công của Việt Nam do Bộ Tài chính phát hành thể hiện việc công khai thông tin về nợ công theo quy định của Luật quản lý nợ công.

Bộ Tài chính sẽ cung cấp đầy đủ và kịp thời cho công chúng số liệu về tình hình nợ công, thể hiện tính minh bạch của công tác quản lý tài chính nói chung và công tác quản lý nợ nói riêng, tránh được những nguồn tin không chính thức, những thông tin không chính xác, sai lệch về tình hình nợ công của Việt Nam, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.C.Khanh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN